Về miền "đất cũng sinh sôi"
Mỗi người Việt Nam, tự sâu thẳm tâm hồn, có lẽ từng mơ ước trong đời được đặt chân tới bốn điểm cực của đất nước, đó là cực bắc (Lũng Cú, Hà Giang), cực tây (A Pa Chải, Điện Biên), cực Đông (Mũi Đôi, Khánh Hòa) và cực nam (Ngọc Hiển, Cà Mau). Trong đó, mũi Cà Mau, miền địa đầu Tổ quốc linh thiêng vẫn luôn có sức hấp dẫn đặc biệt, bởi ẩn chứa bao điều kỳ diệu, “đất biết nở, rừng biết đi”. Ngày xưa, nhà văn Nguyễn Tuân từng ví mảnh đất chót cùng trời nam Tổ quốc là “ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm”.
Du khách trải nghiệm đi ca-nô khám phá miệt vườn, kênh rạch Cà Mau. |
Cho đến mãi về sau này, “ngón chân cái” ấy vẫn nhích dần ra biển, âm thầm mà mạnh mẽ, như khí chất người Cà Mau luôn vươn mình về phía biển khơi. Sau hơn 10 năm mới trở lại Đất Mũi, tôi hào hứng vục tay xuống lớp phù sa mát rượi mà lòng bỗng thấy rưng rưng…
Đất biết nở, rừng biết đi
Lan Phương, cô gái xinh đẹp công tác tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau giới thiệu về đất Mũi cho “mấy anh nhà báo Hà Nội”: Cà Mau có 3 mặt giáp biển, sở hữu hơn 250 km đường bờ biển (đứng thứ hai sau Khánh Hòa), với hơn 100 km bờ biển Đông tỉnh Cà Mau và gần 150 km bờ biển Tây tỉnh Cà Mau. Đất Mũi là nơi duy nhất trên đất liền nước ta mà sáng sớm có thể ngắm bình minh ở biển phía Đông, chiều muộn chiêm ngưỡng hoàng hôn ở biển phía Tây.
Từ thời xa xưa, theo tiếng Khmer, Cà Mau có nghĩa là “nước đen”, do lá tràm của rừng U Minh bạt ngàn rụng xuống làm thay đổi cả màu nước trong vùng, rồi dần trở thành địa danh. Đi dọc dài trên mảnh đất Cà Mau, dường như không chỗ nào thiếu hình ảnh của cây đước. Trên hành trình lấn biển, cây mắm đi trước, cây đước theo sau.
Những hạt phù sa chắt chiu từ sông Cửa Lớn và sông Bảy Háp hình thành nên bãi bồi cho cây mắm nảy mầm, cắm sâu rễ xuống rồi lại mọc ngược lên, như những ngón tay ken dày, níu giữ phù sa khỏi bị sóng đánh trôi. Cứ thế cho đến khi bãi bồi được định hình hoàn toàn và nổi lên mặt nước, lúc đó cây đước từ phía trong đất liền vươn ra.
Được hưởng lớp phù sa mới, cây đước mạnh mẽ vươn lên, nhiều cây cao tới 20-30m. Để trụ được ở vùng bùn nhão, bộ rễ của đước rất đặc biệt: rễ chính (rễ cọc) nhỏ, trong khi hệ thống hàng chục rễ phụ mọc quanh cây lại phát triển to, rất vững chắc. Có lẽ vì thế, sóng gió bão giông của biển khơi cũng không giật nổi đước ra khỏi lòng đất mẹ.
Toàn tỉnh Cà Mau có khoảng 65 nghìn héc-ta đước, vùng Đất Mũi là một rừng đước nguyên sinh, từng ngày, từng giờ âm thầm mà mạnh mẽ nhích về phía biển khơi. Còn cây mắm, trước khi bị đước lấn át và chết dần vẫn kịp ra hoa, kết trái và rụng xuống để mùa sau tiếp tục sinh sôi giữ đất, lấn biển. Nhờ vậy, mỗi năm, mảnh đất cực nam Tổ quốc lại “nở” rộng ra phía biển gần 100 m.
Chúng tôi lên ca-nô, trải nghiệm tuyến du lịch xuyên rừng-bãi bồi tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, lướt vun vút trên kênh rạch sum suê những cây dừa nước, len lỏi qua những cánh rừng đước, bắt nghêu trên bãi và thưởng thức món nghêu hấp ngay tại chỗ, ngắm hoàng hôn trên biển Tây Cà Mau.
Tại khu du lịch sinh thái cộng đồng Mười Ngọt, rộng 60 ha thuộc xã Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời), chúng tôi hào hứng theo chân anh Phạm Duy Khanh (con thứ hai của ông Mười Ngọt), chèo xuồng đi “ăn ong” trong rừng quốc gia U Minh Hạ. Gia đình anh Khanh làm nghề gác kèo ong khoảng 20 năm nay, sau đó phát triển sang mô hình du lịch sinh thái cộng đồng để gìn giữ “lộc rừng” và phát triển văn hóa bản địa.
Anh Khanh được coi là “tay tổ” về gác kèo ong trong vùng, từng gác được một tổ ong dài hơn 2 m, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là tổ ong lớn nhất Việt Nam năm 2021. Hiện tại, anh có hơn 1.000 kèo ong trong rừng U Minh, với chừng 200 kèo cho mật.
Chúng tôi đội lên đầu chiếc mũ rộng vành, có lưới choàng bảo vệ khuôn mặt, đốt bùi nhùi làm bằng xơ dừa bốc khói um tùm để xua ong. Dù anh Khanh trấn an ong mật không mấy khi đốt người và đốt cũng không đau nhưng khi đến gần tổ ong, thấy hàng ngàn con bay ào ào, nhiều người kêu oai oái vì bị ong vây kín, một cảm giác vừa sợ, vừa phấn khích.
Anh Khanh nhanh nhẹn cầm dao, cắt tổ sóng sánh mật và sáp bỏ vào thùng, sau đó nhanh chóng rời xuồng đi. Chúng tôi được thưởng thức ngay tại chỗ mật ong và ong non còn nằm trong tổ, hương vị béo ngậy và ngọt lịm hòa quyện, cảm giác không gì sánh nổi.
Đêm đến, chúng tôi đội đèn pin lên trán, đeo găng tay, len lỏi bên những gốc cây, bãi lầy, cùng người dân bản địa soi ba khía, một loài giáp xác giống con cua. Ngày trước, đây được coi là nghề mưu sinh nguy hiểm của người nghèo, bởi họ phải ngủ rừng, gặp đủ loại muỗi vắt, rắn rết,… có thể mất mạng nơi rừng sâu vì bị rắn độc cắn. Tháng 10 âm lịch, vào mùa sinh sản, hàng nghìn con ba khía xếp chồng lên nhau bám đầy trên thân đước, người dân chỉ cần quơ tay một cái cũng có thể bắt được hàng chục con.
Anh Phạm Duy Khanh, chủ cơ sở du lịch cộng đồng Mười Ngọt (ngoài cùng bên trái), hướng dẫn khách thưởng thức ong non khai thác từ rừng U Minh Hạ. |
Mở lối du lịch
Tôi còn nhớ năm 2009, khi đi tham dự lễ khởi công đoạn tuyến Năm Căn-Đất Mũi trên đường Hồ Chí Minh, tôi không vội quay về Hà Nội mà khoác ba-lô ngược lại Đất Mũi, bởi nỗi khát khao, mộng ước từ thuở nhỏ sẽ có một lần trong đời được tới điểm cuối cùng của Tổ quốc.
Từ thị trấn Năm Căn, tôi xuống chiếc vỏ lãi cũ kỹ của người dân, phành phạch chạy dọc sông Cửa Lớn và các tuyến kênh rạch mất quá nửa ngày mới về tới Đất Mũi. Và cuối cùng, tôi đã thỏa nguyện ước được lội chân trong lớp phù sa tươi non, leo lên “mũi thuyền Cà Mau” và chạm tay vào cột mốc tọa độ quốc gia GPS 0001.
Đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn-Đất Mũi, đoạn tuyến cuối cùng của con đường mang tên Bác có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với không chỉ Cà Mau mà cả khu vực miền Tây Nam Bộ. Đầu năm 2016, dự án đã hoàn thành, “đóng mạch” con đường thiên lý xuyên suốt chiều dài Tổ quốc từ Pác Bó (Cao Bằng) đến mũi Cà Mau gần 3.200 km, xóa thế “ốc đảo” biệt lập bao đời của hai huyện Ngọc Hiển và Năm Căn.
Khỏi phải nói người dân ở huyện Ngọc Hiển háo hức đón chờ ngày này đến thế nào. Nhìn đoàn ô-tô hàng chục chiếc nối đuôi nhau bon bon từ thành phố Cà Mau về tận Đất Mũi mất chưa tới 2 giờ đồng hồ, nhiều người đã trào nước mắt. Hằng tháng trước đó, nhiều người dân miệt vườn cả đời chỉ biết xuồng ghe, kênh rạch đã khăn gói lên tỉnh tậu xe máy, làm quen với chiếc “hon-đa”.
Nguyên Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh Lâm Văn Hoàng (nay là Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải) kể lại, khi được giao tiếp nhận thực hiện dự án cầu Hòa Trung bắc qua sông Gành Hào nối thành phố Cà Mau với huyện Đầm Dơi, Ban đã đạt kỷ lục về thời gian lập dự án và triển khai.
Các nhà thầu tự ứng vốn xây dựng, thi công thần tốc, hoàn thành chỉ sau hơn sáu tháng thi công. Cầu Hòa Trung dài 1.286 m, tổng mức đầu tư hơn 380 tỷ đồng, quy mô không lớn nhưng có vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng trong khu vực.
Từ khi có tuyến đường bộ về Đất Mũi, kinh tế-xã hội cũng như du lịch của Cà Mau đã có bước chuyển mình ấn tượng. Sở hữu hai Vườn quốc gia (Mũi Cà Mau và U Minh Hạ), được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển và khu Ramsar thế giới, cùng hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú và những nét văn hóa độc đáo, Cà Mau trở thành điểm du lịch trải nghiệm, khám phá hết sức tiềm năng.
Những điểm đến nổi tiếng và linh thiêng, mang dấu ấn lịch sử như điểm cuối đường Hồ Chí Minh; con thuyền biểu tượng mũi Cà Mau; Cột cờ Hà Nội tại Đất Mũi; Mốc tọa độ quốc gia GPS 0001; Đền Lạc Long Quân và tượng Mẹ; biểu tượng cua Cà Mau; Khu căn cứ Tỉnh ủy Xẻo Đước; Tượng đài chiến thắng CM-12,… không còn quá xa lạ như trước.
Tuy nhiên, với hầu hết du khách ở phía bắc, đường về Đất Mũi vẫn điệp trùng xa ngái vì “vắng sông cách đò”. Bay vào Thành phố Hồ Chí Minh, du khách còn phải đi hơn 300 km về thành phố Cà Mau, rồi tiếp tục “tăng bo” thêm gần 60 km nữa mới tới Đất Mũi. Tỉnh Cà Mau xác định, việc hình thành và phát triển đường bay thẳng nối liền Thủ đô với vùng Đất Mũi chính là cơ hội, động lực để du lịch bứt phá.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Tiêu Minh Tiên đánh giá, từ ngày 29/4 vừa qua, đường bay thẳng Hà Nội-Cà Mau của Hãng hàng không Bamboo Airways khai trương là yếu tố chính giúp lượng khách du lịch về Đất Mũi tăng mạnh, các công ty lữ hành cũng dễ dàng hơn trong sắp xếp lịch trình ăn nghỉ, tham quan cho du khách.
Chỉ trong vài ngày đầu khai trương (từ 29/4 đến 3/5), lượng khách đến Cà Mau đã đạt gần 223 nghìn lượt (tăng hơn 267%), doanh thu hơn 163 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2022 chỉ hơn 77 tỷ đồng). Đường bay thẳng Hà Nội-Cà Mau được khai thác bằng máy bay phản lực Embraer 190 hiện đại, thời gian bay hơn 2 giờ, tần suất ban đầu 3 chuyến khứ hồi/tuần, có thể sẽ tăng dần tùy theo điều kiện, nhu cầu thực tế.
Theo thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, nửa đầu năm nay, tổng lượng khách du lịch đã đạt xấp xỉ 1,2 triệu lượt, tăng hơn 36% so cùng kỳ năm trước; trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 5.000 lượt, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ. Tổng thu từ du lịch ước đạt 1.520 tỷ đồng, tăng gần 33% so với cùng kỳ.
Theo đồng chí Tiêu Minh Tiên, năm 2023, Cà Mau dự kiến thu hút 1,75 triệu lượt khách du lịch, phấn đấu đến năm 2025 sẽ đón khoảng 2,8 triệu lượt du khách, doanh thu khoảng 8.460 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2030, sẽ đón 4,7 triệu lượt khách với doanh thu khoảng 16 nghìn tỷ đồng.
Nhằm thu hút và giữ chân du khách, tạo dựng thương hiệu du lịch, tỉnh dồn sức thực hiện các chương trình kích cầu, quảng bá du lịch; xây dựng quy tắc ứng xử văn minh, thường xuyên giám sát chất lượng cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ, phòng chống cháy nổ, bảo đảm an toàn cho du khách.
Cà Mau đang “mặc thêm áo mới” để duyên dáng đón “mời khách lạ ngàn phương”. Kết thúc hành trình khám phá hương sắc Cà Mau, chúng tôi vẫn hẹn sớm quay trở lại, để được lắng hồn mình với mảnh đất phương nam.
Ý kiến ()