Về lại Na Mao
Chúng tôi về lại Na Mao, xã An toàn khu (ATK) kháng chiến nằm bên chân Núi Hồng, huyện Ðại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Chúng tôi về lại Na Mao, xã An toàn khu (ATK) kháng chiến nằm bên chân Núi Hồng, huyện Ðại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Ðứng ở trung tâm xã, ngắm nhìn những công trình trường học, trạm y tế mái ngói đỏ tươi, thấp thoáng những con đường mới mở vươn dài, băng qua cánh đồng làng nối với trung tâm kinh tế huyện. Na Mao bây giờ đổi thay hơn nhiều.
Phó Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bế Văn San cho biết: Anh em chúng tôi gần như không có ngày nghỉ, dân cần là phục vụ vô điều kiện. Về lịch sử truyền thống của xã ATK Na Mao, đồng chí San khiêm tốn: Chúng tôi là thế hệ hậu sinh, nên chỉ biết qua tư liệu sử sách và lời kể của các bậc lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa,… Giây lát ngẫm nghĩ, anh San bật máy vi tính, sau mấy tiếng lách cách trên bàn phím, anh mang ra đưa cho chúng tôi tập tài liệu khái quát lịch sử, quá trình xây dựng và phát triển xã Na Mao. Vỏn vẹn hơn 10 trang giấy A4, khái quát mấy mươi năm quê hương Na Mao tham gia cùng cả nước kháng chiến và xây dựng đất nước. Với biết bao hy sinh gian khổ. Nổi bật là các sự kiện lịch sử: Ngày 28-3-1945, tại xóm Cầu Hoàn, Việt Minh đã tổ chức lễ “Cắt máu ăn thề” tế cờ khởi nghĩa, phát động quần chúng tham gia giải phóng huyện lỵ. Chiều 18-8-1945, Bác Hồ, đồng chí Võ Nguyên Giáp và đơn vị bảo vệ từ Tân Trào (Tuyên Quang) tiến quân về xuôi đã đi qua Na Mao, nghỉ chân tại xóm Cầu Hoàn và được nhân dân các dân tộc trong xã bí mật bảo vệ an toàn cho Bác và cơ quan tối cao của Ðảng, Nhà nước.
So với các xã khác trong huyện Ðại Từ, Na Mao vẫn là xã miền núi khó khăn nhất của huyện, bởi giao thông không thuận lợi, đời sống kinh tế của người dân chủ yếu trông vào việc chăn nuôi gia súc, cấy lúa. Ðến nay, xã đã quy hoạch được năm khu vực chăn nuôi, mỗi khu rộng từ 7 đến 15 ha gồm: Khu Ðồi Giang (thuộc hai xóm Minh Thắng và Cây Thổ), khu Bãi Bằng (xóm Khuân U), khu Ðồi Vầu (xóm Chính Tắc), khu đồi 76 (xóm Minh Lợi), khu Ao Lay (xóm Cầu Bất), nhìn chung đầu tư trong quy hoạch còn nhỏ lẻ, sản lượng hằng năm chưa đáng kể. Cả xã có tổng diện tích đất gieo cấy lúa hằng năm hơn 325 ha, sản lượng lương thực đạt 1.800 tấn/năm, mới chỉ đủ dùng cho gần 850 hộ, với hơn 3.200 nhân khẩu trong xã. Ngoài chăn nuôi, trồng lúa, nhân dân trong xã còn quan tâm đầu tư phát triển cây chè, nhưng chủ yếu là chè trồng mới, không mấy đặc sắc. Cựu chiến binh Lã Thanh Chuộng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Na Mao tâm sự: Xã đã được công nhận là xã ATK gần hai năm nay, nhìn chung nhận thức của người dân được nâng lên, nhưng đến giờ này xã chưa được hưởng ưu đãi gì nhiều theo quy định của Chính phủ.
Về lại Na Mao hôm nay, thấy có nhiều đổi thay tích cực, nhưng cái nghèo vẫn còn hiện ngay trước mắt: Xã không chợ, không cây con đặc sản và dịch vụ cũng coi như không có gì. Ngay như Trụ sở làm việc của xã còn tạm bợ. Hiện Ðảng bộ Na Mao có 18 chi bộ, 118 đảng viên. Hầu hết các đảng viên đều được phân công nhiệm vụ, hoặc trực tiếp tham gia phụ trách cụm dân cư. Xóm nào của xã, nhân dân cũng đã đóng góp xây dựng được nhà văn hóa làm nơi hội họp. Thông qua đó, cán bộ, nhân dân có điều kiện gần gũi, giúp đỡ nhau ổn định đời sống, như việc giúp nhau xóa nghèo, cùng đoàn kết xây dựng nông thôn mới. Thí dụ gần đây nhất, trong xã có ba hộ bị cháy nhà đều được chính quyền địa phương hỗ trợ kịp thời, bà con chòm xóm đến chia sẻ đúng lúc, nhờ đó các hộ gia đình này nhanh chóng ổn định lại cuộc sống.
Na Mao nghèo, nhưng truyền thống cách mạng thì ăm ắp đầy trong tâm trí mỗi người. Và ở đây, tôi cảm nhận được một sự ấm áp, hiếu khách của những người con trên vùng đất cách mạng. Bởi lúc chia tay, Chủ tịch UBND xã Bế Văn San cứ nắm chắc bàn tay tôi, hẹn dịp sau về, chắc chắn Na Mao sẽ có nhiều đổi mới hơn. Tôi cũng chia vui: Na Mao bắt đầu thay da đổi thịt rồi đó. Ví như, năm 2010 trường trung học và tiểu học của xã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1. Năm 2011, Trạm y tế xã được Nhà nước đầu tư xây dựng mới đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Ðặc biệt năm 2010, tuyến đường Na Mao qua Phú Cường được mở mới, riêng đoạn tuyến qua xã Na Mao dài 2,6 km, rộng 5,5 m, các hộ dân có đường đi qua đã hiến hơn 14.300 m2 đất. Cũng từ năm 2012, tuyến đường từ quốc lộ 37 vào trung tâm xã Na Mao được thi công bằng nguồn vốn WB với tổng tuyến đường dài hơn 9 km, tại tuyến đường này, nhân dân trong xã đã hiến hơn 30.000 m2 đất cho công trình. Dự kiến đến cuối năm 2013 các đoạn tuyến được thi công hoàn thiện đưa vào phục vụ đời sống dân sinh, sẽ tạo nên những cung đường mới, mở ra cho vùng đất cách mạng Na Mao nhiều hứa hẹn mới.
Theo Nhandan.vn

Ý kiến ()