Tháng năm, Khu di tích văn hóa – lịch sử Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) nhộn nhịp những đoàn khách từ khắp mọi miền đất nước về viếng thăm. Nơi đây từ nhiều năm nay đã đi vào tâm thức bao người hành hương, để được trở về cội nguồn sinh thành và giáo dưỡng nên vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc – Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau chuyến đi dài từ xã Phú Minh ở ngoại thành Hà Nội vào thăm Khu di tích Kim Liên, chị Phương Lan, một khách du lịch đang ngồi nghỉ dưới bóng mát vườn cây nhà Bác ở Làng Sen, đã xúc động khi nói lên tấm lòng của mình và mọi người trong gia đình khi về với quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lâu lắm rồi tôi và gia đình mới có điều kiện để trở lại thăm quê Bác. Nhưng gần như năm nào, vào dịp này, ở ngoài Hà Nội, tôi cũng dẫn các cháu vào Lăng viếng Bác. Và đã thành thông lệ của gia đình từ ngày Bác mất năm 1969 đến giờ, cứ đến ngày rằm, ngày lễ, Tết độc lập 2-9 hay các dịp kỷ niệm khác, bố, mẹ tôi và nay là tôi cùng các cháu luôn nhớ thắp hương trên bàn thờ Bác Hồ như với một người cha, người ông hết sức gần gũi và thân thiết”.
Cùng với chị Lan, chúng tôi bước theo những đoàn khách thành kính và lặng lẽ dạo bước quanh khu di tích nhà Bác ở Làng Sen thuộc Khu di tích Kim Liên, chiêm ngưỡng những vật dụng trong sinh hoạt thường ngày của một gia đình nho học thanh liêm. Chính ở nơi đây, cậu bé Nguyễn Sinh Cung, mà sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã từng chứng kiến biết bao cuộc đàm luận của các sĩ phu về con đường cứu nước. Và cũng trong không gian này, Nguyễn Sinh Cung đã lớn lên trong điệu ru à ơi của mẹ, trong những câu dân ca phường vải trữ tình, cùng sự vất vả, lam lũ của người dân Làng Sen, làng Hoàng Trù. Những câu dân ca đã đi theo Người suốt cả cuộc đời, là một phần hành trang làm nên nhân cách của một nhà văn hóa lớn. Khu di tích được trùng tu và xây dựng lại từ những năm 60 của thế kỷ 20. Năm 1979, được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt và là một trong bốn di tích quan trọng bậc nhất của cả nước về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lưu giữ những hiện vật, tài liệu, không gian văn hóa – lịch sử về thời niên thiếu của Bác Hồ và những người thân trong gia đình Bác. Toàn bộ khu di tích rộng hơn 205 ha với nhiều điểm di tích, có các điểm và cụm di tích cách nhau từ 2 đến 10 km; bao gồm ngôi nhà tranh nhỏ của cụ Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh); ngôi nhà của ông bà ngoại của Bác; nhà thờ chi họ Hoàng Xuân (thuộc cụm di tích Hoàng Trù); nhà ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; giếng Cốc; lò rèn Cố Điền; nhà cụ cử Vương Thúc Quý; nhà thờ họ Nguyễn Sinh; nhà cụ Nguyễn Sinh Nhâm – ông nội của Bác; các di tích cây đa, sân vận động Làng Sen; Khu trưng bày các hiện vật, tài liệu và Nhà tưởng niệm Bác Hồ (thuộc cụm di tích Làng Sen); Khu tưởng niệm và phần mộ bà Hoàng Thị Loan ở Động Tranh trên dãy núi Đại Huệ và cụm di tích Núi Chung.
Tham quan khu di tích, chúng tôi và các du khách có thể cảm nhận một cách đầy đủ hơn về một làng quê Việt Nam, một làng quê xứ Nghệ, được vào thăm những ngôi nhà hàng xóm thân thiết với gia đình Bác thời kỳ đó như nhà của cụ đồ nho; nhà của một lương y bốc thuốc Nam với dao cầu, thuyền tán và vườn cây thuốc quanh nhà hay nhà một hộ nông dân với cuốc cày, chõng tre, nồi đất, cối xay lúa, giã gạo… Những cảnh quan và hiện vật quá đỗi thân thuộc, dung dị của lũy tre làng, đường đất nhỏ, se sợi, khung cửi, bờ dâu… cùng các hiện vật trong khu di tích, gắn liền với hình ảnh Bác Hồ, như vẫn còn đọng lại trong đó hơi ấm của Người. Trong những ngày này, khu di tích nhộn nhịp với Lễ hội Làng Sen năm 2010 kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh câu chuyện của các hướng dẫn viên là những câu chuyện được người dân trong vùng lưu truyền qua các thế hệ, cho thấy sự giản dị, tình cảm và tấm lòng của Người đối với quê hương. Những người cao tuổi ở Kim Liên vẫn nhớ như in hình ảnh Bác Hồ khi về thăm quê cách đây hơn 50 năm. Khi lãnh đạo xã và dân làng mời Bác vào nhà khách, Bác vui vẻ nói: “Nhà khách là để tiếp khách, còn tôi là chủ, để tôi về thăm nhà”.
Làng Sen quê nội và Hoàng Trù quê ngoại của Bác Hồ hôm nay đang đổi mới từng ngày. Đường nhựa đã vào tận trung tâm xã và con đường đất dẫn vào các ngõ xóm, làng quê ngày nào giờ được thay bằng đường bê-tông kiên cố. Chúng tôi và đoàn khách ghé vào những hàng quán bên đường uống bát nước chè xanh, thưởng thức củ khoai ngọt lừ, thắm đượm nghĩa tình mộc mạc, chân chất. Đời sống kinh tế phát triển hơn nhưng Kim Liên, Nam Đàn vẫn giữ được cho mình những giá trị văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc và từng bước tạo dựng trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa phục vụ du khách. Chính quyền và nhân dân trong xã thành lập một trung tâm hát ví phường vải xã Kim Liên với câu lạc bộ hát phường vải Kim Liên và đội hát phường vải Hoàng Thị An ở các thôn, xóm. Trong tương lai, Trung tâm hát ví phường vải Kim Liên có kế hoạch xây dựng điểm giới thiệu hát ví phường vải kết hợp trình diễn dệt vải, quay tơ bên khung cửi tại làng Hoàng Trù phục vụ du khách tham quan. Đây là hình thức bảo tồn và phát huy hiệu quả loại hình diễn xướng độc đáo này của Kim Liên, Nam Đàn. Bên cạnh đó, Lễ hội Làng Sen được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác 19-5 cũng góp phần tạo nên sự đa dạng của các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Xuất phát từ một phong trào nghệ thuật quần chúng, Lễ hội đã phát triển theo năm tháng, ngày càng hấp dẫn với nhiều đoàn nghệ thuật trong cả nước tham gia, trở thành một lễ hội lớn trong vùng có đông du khách và nhân dân về dự hội.
Hiện tại, khu di tích Kim Liên đã và đang vươn lên thành một trung tâm du lịch, tham quan, giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hóa thu hút đông du khách. Khu di tích đã thật sự là điểm hội tụ tình cảm của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế. Con số hàng triệu lượt khách tham quan hằng năm cho thấy sự ngưỡng mộ lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu và đó cũng là sự cố gắng của cán bộ, công nhân viên khu di tích trong việc bảo vệ và phát huy những di sản vô giá về quê hương, gia đình và thời niên thiếu của Bác Hồ.
Ý kiến ()