Về khoản "lỗ" của Tổng công ty Bưu chính Việt Nam
Cán bộ công nhân viên Công ty Phát hành Báo chí T.Ư chia, chọn báo, tạp chí. Ảnh: TRẦN HẢI Theo kết quả kiểm toán năm 2010 mà Kiểm toán Nhà nước công bố ngày 30-8 vừa qua, bên cạnh các tập đoàn, tổng công ty hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn thì vẫn có doanh nghiệp thua lỗ lớn, trong đó có Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (BCVN) với số lỗ lên đến 1.026 tỷ đồng. Vậy thực hư khoản "lỗ" ở doanh nghiệp này là thế nào?Tổng Giám đốc BCVN Đỗ Ngọc Bình cho biết, con số 1.026 tỷ đồng nêu trên thực chất là phần doanh thu công ích của Tổng công ty được Nhà nước thanh toán thông qua việc thực hiện Hợp đồng đặt hàng cung ứng dịch vụ bưu chính công ích năm 2009 - 2010 giữa Nhà nước với Tổng công ty. Tại thời điểm Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán, thì hợp đồng nêu trên đang được các cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính phối hợp rà soát, chưa được...
|
Tổng Giám đốc BCVN Đỗ Ngọc Bình cho biết, con số 1.026 tỷ đồng nêu trên thực chất là phần doanh thu công ích của Tổng công ty được Nhà nước thanh toán thông qua việc thực hiện Hợp đồng đặt hàng cung ứng dịch vụ bưu chính công ích năm 2009 – 2010 giữa Nhà nước với Tổng công ty. Tại thời điểm Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán, thì hợp đồng nêu trên đang được các cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính phối hợp rà soát, chưa được ký kết, cho nên các số liệu của hợp đồng chưa được tổng hợp trong báo cáo tài chính của năm.
Theo quy định của pháp luật, doanh thu thanh toán của Nhà nước cho hoạt động cung cấp dịch vụ công ích được xác định là doanh thu của doanh nghiệp. Thời gian qua, các Bộ Thông tin và Truyền thông, Tài chính đã phối hợp xác nhận mức trợ cấp năm 2009 cho BCVN là 1.102 tỷ đồng (dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới) và nếu tính khoản doanh thu này thì kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2009 của BCVN phải là lãi 76 tỷ đồng.
Tổng Giám đốc Đỗ Ngọc Bình khẳng định, đây hoàn toàn không phải là việc bù lỗ, mà là cơ chế thanh toán của Nhà nước đối với nhiệm vụ duy trì hoạt động mạng lưới bưu chính công cộng và cung cấp dịch vụ bưu chính công ích do Nhà nước đặt hàng (theo tiêu chuẩn kỹ thuật và giá cước) cho BCVN, một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của BCVN sau khi chính thức được thành lập từ ngày 1-1-2008 trên cơ sở tổ chức lại mô hình sản xuất, kinh doanh lĩnh vực bưu chính bằng việc chia tách bưu chính, viễn thông. Đồng thời phân định rõ hoạt động công ích và kinh doanh, trong đó hoạt động công ích là trách nhiệm thuộc về Nhà nước (trước năm 2008, BCVN hạch toán phụ thuộc trong Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam, các khoản chi phí phục vụ công ích đều do doanh thu dịch vụ viễn thông bù đắp).
Như vậy, với mô hình tổ chức mới, ngoài nhiệm vụ kinh doanh như một doanh nghiệp bình thường, BCVN còn phải đảm trách một trong những nhiệm vụ chính trị là quản lý và duy trì hoạt động ổn định của mạng lưới bưu chính công cộng để cung cấp dịch vụ bưu chính công ích cho toàn xã hội. Nhằm hỗ trợ BCVN thực hiện nhiệm vụ công ích này, một trong những giải pháp mà Nhà nước thực hiện là trợ cấp cho BCVN trong giai đoạn sáu năm kể từ khi BCVN được thành lập theo lộ trình giảm dần thông qua việc ký và thanh toán hợp đồng đặt hàng cung cấp dịch vụ công ích giữa Nhà nước với BCVN.
Tuy nhiên, việc tính toán xây dựng, triển khai và thanh toán Hợp đồng đặt hàng cung ứng dịch vụ bưu chính công ích giữa Nhà nước với BCVN là trường hợp đặc thù, khá phức tạp, chưa có tiền lệ để tham khảo, cơ chế xác định mức thanh toán dịch vụ công ích cũng rất mới, dẫn đến một số vướng mắc trong quá trình thực hiện là điều khó tránh khỏi. Một trong những cơ sở để tính toán, xây dựng mức trợ cấp cho BCVN là dựa trên số liệu thống kê về sản lượng dịch vụ. Song, đây lại là khó khăn lớn đối với tổng công ty bởi hệ thống hạch toán, kế toán thống kê với quy mô lớn của BCVN (11 nghìn điểm giao dịch trên cả nước với hơn 30 nghìn lao động) chưa kịp chuyển đổi để đáp ứng được yêu cầu quản lý, nhất là công tác thống kê sản lượng dịch vụ bưu chính phổ cập, cho nên ảnh hưởng đến độ chuẩn xác của số liệu thống kê.
Bên cạnh đó, theo Quyết định 65/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, thì Nhà nước khoán mức tăng sản lượng hằng năm đối với dịch vụ bưu chính công ích do Nhà nước đặt hàng với mức tăng sản lượng dịch vụ bưu chính phổ cập năm sau so với năm trước tối thiểu là 10%. Nhưng thực tế kinh doanh dịch vụ bưu chính phổ cập cho thấy, việc tăng sản lượng phụ thuộc nhiều vào yếu tố thị trường, khách hàng, các dịch vụ thay thế…, trong khi thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, xu hướng tiêu dùng các sản phẩm viễn thông – công nghệ thông tin đã khiến sản lượng nhiều dịch vụ bưu chính sụt giảm… Vì vậy, khó có khả năng thực hiện được tỷ lệ khoán tăng sản lượng dịch vụ bưu chính phổ cập này.
Những khó khăn, vướng mắc nêu trên không chỉ tác động trực tiếp đến việc xác định mức trợ cấp cho BCVN giai đoạn 2009 – 2010 và các năm tiếp theo mà còn ảnh hưởng đến khả năng nghiệm thu và thanh quyết toán sau này. Đây cũng chính là lý do khiến phải đến giữa năm 2010, Hợp đồng đặt hàng cung ứng dịch vụ bưu chính công ích giữa Nhà nước với BCVN giai đoạn 2008 – 2010 mới được ký kết. Rõ ràng, để tạo thuận lợi cho BCVN hoạt động sản xuất, kinh doanh, cần điều chỉnh cơ chế khoán và xác định mức trợ cấp theo hướng khoán trọn gói hằng năm, bảo đảm lộ trình giảm dần và Nhà nước chấm dứt trợ cấp vào cuối năm 2013. Điều chỉnh cách xác định mức trợ cấp theo hướng đơn giản, rõ ràng, không cần quá nhiều tiêu chí. Ngoài ra, nội dung khoán tăng sản lượng dịch vụ bưu chính công ích 10%/năm cũng cần xem xét điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tế kinh doanh của doanh nghiệp… Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà BCVN gặp phải, đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ chế tài chính đặc thù bảo đảm cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp này duy trì ổn định mạng bưu chính công cộng để cung ứng dịch vụ bưu chính công ích cho xã hội theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, đẩy mạnh các dịch vụ kinh doanh, bù đắp dần cho khoản lỗ của các dịch vụ bưu chính công ích, bảo đảm được lộ trình tự cân bằng thu – chi vào cuối năm 2013 và tiếp tục phát triển bền vững trong các năm tiếp theo.
Cơ chế tài chính đặc thù bảo đảm cung ứng dịch vụ bưu chính công ích
Nhà nước khoán mức trợ cấp hằng năm cho Bưu chính Việt Nam duy trì hoạt động của mạng bưu chính công cộng để cung ứng dịch vụ bưu chính công ích kể từ khi Bưu chính Việt Nam hạch toán độc lập với viễn thông, nhưng chậm nhất là đến hết năm 2013; sau đó Bưu chính Việt Nam tự bù đắp chi phí duy trì hoạt động của mạng bưu chính công cộng. Mức trợ cấp được thực hiện theo nguyên tắc giảm dần kinh phí cấp trực tiếp của Nhà nước hằng năm…
(Theo Quyết định 65/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cung ứng dịch vụ bưu chính công ích)
Theo Nhandan
Ý kiến ()