Về dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2019/NĐ-CP
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (gọi tắt là dự thảo). Theo đó, Bộ GTVT đề xuất tăng mức xử phạt đối với một số hành vi, như: Sản xuất, buôn bán biển số xe giả; gắn biển số không rõ chữ, số; xe chở quá tải trọng; không đội mũ bảo hiểm; dừng, đỗ xe sai quy định trên cao tốc… Vấn đề này được người dân và dư luận rất quan tâm.
Đề xuất phạt nặng nhiều hành vi
Tình trạng một biển số dùng cho nhiều xe, tẩy xóa, làm sai lệch chữ, số trên biển số xe xảy ra liên tục trong khoảng hai năm trở lại đây, gây bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, mức xử phạt cao nhất đối với hành vi này theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP chỉ là 1 triệu đồng nên khó răn đe. Bộ GTVT đề xuất mức xử phạt đối với hành vi này trong dự thảo là từ 4 đến 6 triệu đồng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc). Cùng với đó, hành vi sản xuất, bán biển số xe giả được đề nghị tăng mức phạt từ 7 đến 10 lần. Theo đó, cá nhân bán biển số xe giả sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 12 triệu đồng; với tổ chức là từ 20 đến 24 triệu đồng; phạt từ 30 đến 35 triệu đồng và từ 60 đến 70 triệu đồng đối với cá nhân, tổ chức sản xuất biển số trái phép.
Ngoài ra, việc để giấy phép lái xe quá hạn dưới 3 tháng bị phạt từ 5 đến 7 triệu đồng; từ 3 tháng trở lên, không có hoặc sử dụng giấy phép không do cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ bị phạt từ 10 đến 12 triệu đồng. Hành vi chở quá tải được đề xuất 3 mức phạt thay cho 5 mức như hiện nay, với số tiền xử phạt lần lượt tăng lên từ 4 đến 6 triệu đồng, 13 đến 15 triệu đồng và 40 đến 50 triệu đồng. Dừng, đỗ xe trên cao tốc không đúng nơi quy định được đề xuất mức phạt từ 10 đến 20 triệu đồng; không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên khi làm nhiệm vụ phạt từ 6 đến 8 triệu đồng; bổ sung mức phạt từ 4 đến 6 triệu đồng đối với hành vi trốn tránh, không trả tiền phí khi qua các trạm thu phí.
Cảnh sát giao thông Công an TP Nha Trang (Khánh Hòa) sử dụng thiết bị kỹ thuật kiểm tra, phát hiện xe vi phạm (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: MẠNH HÙNG. |
Dự thảo cũng đề xuất nâng mức phạt đối với người đi xe máy, xe đạp điện mà không đội mũ bảo hiểm, hoặc đội nhưng không cài quai đúng quy cách lên từ 400.000 đến 600.000 đồng. Người đua xe máy bị đề nghị mức xử phạt từ 10 đến 15 triệu đồng; mức phạt đối với người đua ô tô từ 20 đến 25 triệu đồng…
Những vấn đề cần cân nhắc
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia về giao thông khẳng định: “Xe quá tải là một vấn nạn, gây hư hỏng đường cũng như tai nạn, mất trật tự, an toàn giao thông. Theo tôi, tăng mức xử phạt đối với xe chở quá tải trọng là đúng, nhưng phải ở mức độ hợp lý, không nên quá nhấn mạnh vào mức phạt. Vì hiện nay người dân, các đơn vị vận tải đang gặp rất nhiều khó khăn. Nếu làm không đúng, không phù hợp với thực tế thì sẽ gây khó khăn, khiến doanh nghiệp khó hồi phục, phát triển. Ngoài việc tăng chế tài đủ mạnh thì phải quy trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, bảo vệ hạ tầng giao thông và kiểm tra, xử lý vi phạm. Nếu làm được như thế, vi phạm tải trọng xe sẽ giảm”.
Ở góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP mới ban hành và áp dụng chưa được hai năm nên việc sửa đổi, bổ sung để tăng chế tài là chưa cần thiết. Các nghị định về xử phạt hành chính thường được áp dụng khoảng 5-10 năm, khi đồng tiền trượt giá thì sẽ sửa đổi để nâng mức chế tài theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Nếu các quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP và Văn bản hợp nhất Bộ luật Hình sự vẫn không kiểm soát tốt tình trạng vi phạm pháp luật thì cần tổng kết thực tiễn, nghiên cứu về chính sách để tìm ra nguyên nhân. Khi loại bỏ được nguyên nhân thì sẽ giảm được các hành vi vi phạm pháp luật. Nếu không làm tốt việc này thì dù có tăng mức phạt lên bao nhiêu cũng khó ngăn chặn được vi phạm. Luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm: “Trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì nguyên nhân vi phạm chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông chưa cao; hạ tầng giao thông còn kém phát triển, trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc điều hành giao thông, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý chưa tốt… Bởi vậy, để có thể ngăn chặn tình trạng vi phạm giao thông thì phải tăng cường các giải pháp phòng ngừa khiến người dân không muốn vi phạm, không thể vi phạm và không cần vi phạm vẫn có thể tham gia giao thông một cách an toàn, như: Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông; đầu tư bảo đảm hạ tầng giao thông hoàn thiện, đồng bộ, dễ sử dụng, đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân… Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý của cơ quan chức năng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ thực thi công vụ trong lĩnh vực giao thông để không còn tiêu cực, nhũng nhiễu…”.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()