Vẻ đẹp gốm sứ trang trí, nghệ thuật
Bên cạnh những món đồ gốm gia dụng đơn giản, người Việt từ khi biết chế tác đồ gốm sứ cũng đã tạo ra những món đồ trang trí, trang sức cầu kỳ. Ngày nay, khi kinh tế-xã hội phát triển, đời sống người dân ngày một khấm khá, nhu cầu gốm sứ nghệ thuật, trang trí càng nhiều hơn, mở ra cơ hội phát triển một ngành hàng cho các dòng gốm Việt.
Suốt hàng nghìn năm, người dân Việt Nam vẫn sống dựa vào nông nghiệp nên các nhu cầu về sản phẩm có tính trang trí, nghệ thuật thường dành cho nhóm nhỏ người có điều kiện kinh tế. Hệ thống sản phẩm gốm gia dụng cao cấp, tuy là đồ dùng sinh hoạt thường ngày nhưng lại được chế tác tinh xảo, ứng dụng những nét tinh hoa của nền mĩ thuật Việt nên có giá trị cao. Đồ gốm cung đình phục vụ vua, quan và tầng lớp quý tộc ở các vương triều nhà Lý, Trần, Lê, Nguyễn… chính là đỉnh cao của sự kết hợp này.
Một số mẫu gốm sứ trang trí, nghệ thuật trên các dòng gốm Việt tiêu biểu, như: Bát Tràng, Châu Ổ, Biên Hòa. |
Một thành tựu khác của nghệ thuật trang trí tạo hình trên gốm Việt là lĩnh vực gốm nghệ thuật. Nhiều sản phẩm gốm nghệ thuật đã vượt ra ngoài phạm trù của đồ gốm thông thường khi có tạo hình và trang trí rất trừu tượng, trở thành các tác phẩm nghệ thuật chính hiệu, được mua bán, đánh giá, bình luận, thậm chí tổ chức thi và trao giải thưởng giống các hoạt động nghệ thuật khác như diễn kịch, ca hát, vẽ tranh…
Nghệ thuật tạo hình trang trí trên gốm Việt có thể phân chia ra một số nhóm chủ đề chính. Sự quyền quý và yếu tố phong thủy, tâm linh luôn là đề tài rất quan trọng. Các tích truyện, tục ngữ, thành ngữ nói về sự may mắn như: Phúc lộc thọ, bát tiên quá hải, tùng hạc diên niên, ngư ông đắc lợi… thường xuyên được vận dụng. Mĩ thuật cung đình với hình ảnh tứ linh (long, lân, quy, phượng), các họa tiết từ dòng tranh nổi tiếng Đông Hồ, mĩ thuật Phật giáo với hoa sen chùa tháp và các vị bồ tát thần tiên cùng hình tượng các nhân vật trong truyền thuyết-lịch sử dân tộc như Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo… được xem là những nền tảng để phân biệt mĩ thuật Việt với các nền mĩ thuật khác như Trung Hoa, Nhật Bản hoặc phương Tây.
Cây cỏ, tôm cá, chim muông và hình ảnh cuộc sống sinh hoạt thường ngày là chủ đề bình dân, song vẫn mang rất nhiều nét đặc thù. Nếu như gốm sứ Trung Hoa nghiêng về sự tinh xảo nhuần nhuyễn trên từng nét đắp, vẽ thì gốm Việt lại mang đến sự mộc mạc, bình dị, gần gũi mà sản phẩm của họ khó có thể có được.
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế-xã hội, khoa học, kỹ thuật, gốm sứ trang trí nghệ thuật đang vươn lên và dần trở thành một ngành hàng hấp dẫn đầy tiềm năng. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những bức tranh, tượng, phù điêu bằng gốm sứ với tạo hình hoa văn, màu sắc lung linh, sống động được trưng bày ở nhiều siêu thị, cửa hàng. Một số mặt hàng trước kia vốn là đồ gia dụng như lộc bình, chén, đĩa… cũng được cải biên thành đồ trang trí với kích thước rất lớn hoặc in vẽ hoa văn cầu kỳ, đẹp mắt để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.
Hiện nay, nhiều thị trường trên thế giới như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… rất ưa chuộng sản phẩm gốm sứ Việt, đặc biệt là đồ gia dụng cao cấp và trang trí. Nếu tận dụng tốt những lợi thế về lao động, giá thành kết hợp với chính sách khuyến khích khôi phục nghề truyền thống từ chính quyền, các doanh nghiệp gốm sứ của chúng ta hoàn toàn có thể phát triển, đẩy mạnh xuất khẩu, dần khẳng định được thương hiệu, đem lại nguồn doanh thu lớn cũng như góp phần quảng bá tới bạn bè quốc tế nền văn hóa, nghệ thuật nước nhà.
Ý kiến ()