Vẻ đẹp cần được lưu giữ
LSO-Nằm ẩn mình giữa núi rừng Xuất Lễ, huyện Cao Lộc, Thạch Khuyên từ lâu nổi danh với những ngôi nhà cổ trình tường bên hàng rào đá tạo nên vẻ đẹp hoang sơ. Tuy nhiên, hiện nay, làng đá đang bị “ăn mòn” bởi chưa được quan tâm bảo tồn đúng mức. Thiết nghĩ, thời gian tới, nếu các cấp, ngành chức năng không có những giải pháp cụ thể để bảo tồn, phát huy điểm du lịch này thì trong tương lai vẻ đẹp của làng đá cổ chỉ còn trong ký ức của người dân.
Người dân thôn Thạch Khuyên, xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc cải tạo lại tường đá
Một ngày cuối tháng 3/2020, theo đường tỉnh 235, chúng tôi đến làng đá cổ Thạch Khuyên. Nếu trước kia, nơi đây được mệnh danh là “vương quốc” của đá thì hiện nay, những tảng đá lớn rải làm đường, tường rào, kè bờ ao, chân bờ ruộng đã dần bị phá bỏ, vứt ngổn ngang. Những ngôi nhà gạch mọc lên ngày một nhiều thay thế nhà trình tường cổ, người ta bắt đầu bê tông hóa những con đường vào thôn, những hàng rào đá được thay thế bằng gạch khiến ngôi làng mất đi nét đẹp hoang sơ.
Anh Dương Văn Cò, trưởng thôn Thạch Khuyên, xã Xuất Lễ cho biết: So với trước kia thì hiện nay, làng đá của chúng tôi chỉ còn giữ được khoảng 30% nguyên trạng. Hồi đầu năm, trận mưa đá làm thủng mái 3 ngôi nhà lại càng khiến cho việc gìn giữ làng cổ khó khăn hơn. Tôi rất mong muốn các cấp chính quyền sớm có những chính sách phù hợp để bảo tồn làng đá cổ đặc sắc này trước nguy cơ mai một.
Thôn Thạch Khuyên hiện nay có 115 hộ dân với 532 nhân khẩu, dân cư chủ yếu là đồng bào Nùng, chiếm 60% số dân của cả thôn. Toàn thôn hiện còn 18 ngôi nhà trình tường và một số đoạn tường rào bằng đá người dân vẫn đang sử dụng. Hằng năm, chính quyền xã Xuất Lễ tổ chức tuyên truyền đến người dân về việc gìn giữ vệ sinh môi trường, vận động các gia đình xếp những viên đá mới thay thế viên cũ hỏng để góp phần gìn giữ lâu dài vẻ đẹp của làng đá, tuy nhiên, vẻ đẹp của làng đá cổ này vẫn đang đứng trước nguy cơ “mai một”.
Chia sẻ về những khó khăn trong công tác bảo tồn làng đá cổ Thạch Khuyên, ông Lương Văn Cun, Phó Chủ tịch UBND xã Xuất Lễ cho biết: Do nguồn lực của xã hạn hẹp, làng cổ này vẫn chưa được xếp hạng di tích nên việc bảo tồn và phát huy giá trị làng đá cổ rất khó khăn. Bên cạnh đó, các ngôi nhà cổ trình tường cùng các công trình bằng đá là sở hữu của các gia đình, họ có quyền sửa chữa, cải tạo để đảm bảo điều kiện cư trú nên chúng tôi cũng khó vận động họ giữ lại.
Thời gian qua, UBND huyện Cao Lộc đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát để xem xét, nghiên cứu khai thác tiềm năng du lịch tại đây (riêng năm 2019, huyện tổ chức 4 cuộc). Bên cạnh đó, huyện cũng đã giới thiệu kết nối làng đá Thạch Khuyên với các điểm du lịch khác trong huyện (tuyến: trung tâm huyện Cao Lộc – xã Hải Yến (mô hình dệt thổ cẩm, múa sư tử mèo) – xã Cao lâu – xã Xuất Lễ (làng đá Thạch Khuyên) – Khu du lịch Mẫu Sơn). Hiện nay, UBND huyện đang phối hợp với Công ty TNHH MTV Viettimes Entertainment lập đề án phát triển du lịch trên địa bàn huyện Cao Lộc giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó hình thành ý tưởng xây dựng kế hoạch về bảo tồn và phát huy “Làng phòng thủ, nhà pháo đài – Làng đá Thạch Khuyên”.
Bà Hoàng Mai Dung, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Cao Lộc cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức các hoạt động quảng bá, kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, cải tạo cảnh quan làng đá; tham mưu cho huyện để có những chính sách, giải pháp bảo tồn những ngôi nhà cổ. Đồng thời chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân địa phương có ý thức gìn giữ, bảo tồn những di sản quý báu đó.
Những ngôi nhà trình tường và các công trình bằng đá đã tồn tại, chở che các thế hệ người dân Thạch Khuyên qua thăng trầm lịch sử. Đây là nguồn tài nguyên văn hóa quý giá để huyện Cao Lộc nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung khai thác, phát triển du lịch, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Do vậy, việc bảo tồn làng đá cần sớm được hiện thực hoá bằng những giải pháp, hành động cụ thể.
Ý kiến ()