Hội nghị Trung ương 12, khóa X họp tháng 3-2010 đã đưa ra kết luận về đặc điểm chủ yếu hay đặc trưng của kinh tế xã hội chủ nghĩa bao gồm lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Đó là kết luận cuối cùng trước khi công bố lấy ý kiến đóng góp của nhân dân.
Có thể nói quá trình đi tìm một mệnh đề chính xác, đúng đắn để xác định đặc trưng kinh tế xã hội chủ nghĩa không dễ dàng, kéo dài trong nhiều năm. Theo chúng tôi, vấn đề đó cho đến nay vẫn chưa thể nói là đã kết thúc.
Về mặt lực lượng sản xuất của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa thì chúng ta dễ dàng thống nhất quan điểm. Khó khăn nhất là về mặt quan hệ sản xuất.
Sau Cương lĩnh năm 1991, có nhiều cách trình bày đặc trưng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Nhưng do phương pháp luận không nhất quán và một số quan niệm thiếu chính xác nên khó đưa ra lời giải. Chúng tôi xin tóm lược quá trình này từ các văn kiện chính thức và không chính thức.
Cương lĩnh Đảng năm 1991 viết: Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng là một xã hội: “có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu” (Tác giả nhấn mạnh).
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X (2006) viết khác: “có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên nền sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất” (Tác giả nhấn mạnh).
Đến dự thảo lần thứ nhất Bổ sung, phát triển Cương lĩnh 1991 (4-2009) viết về vấn đề này y nguyên như ở Đại hội Đảng lần thứ X.
Dự thảo lần thứ hai Bổ sung, phát triển Cương lĩnh 1991 (9-2009) bổ sung thêm từ “tiến bộ”. Nguyên văn: “Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp”.
Ở Hội nghị Trung ương lần thứ 11 (cuối năm 2009) trình bày như Dự thảo lần thứ hai nói trên và đã được thông qua.
Ở Hội nghị Trung ương 12 (tháng 3-2010) xóa bỏ các cách trình bày nói trên, quay trở lại mệnh đề của Cương lĩnh 1991.
Có thể nói gì về những sự thay đổi trên và nên giải quyết thế nào?
Trước hết, nói về sự thay đổi từ khái niệm “chế độ công hữu” trong Cương lĩnh 1991 sang khái niệm “quan hệ sản xuất” ở những lần sửa đổi sau.
Ai cũng biết quan hệ sở hữu là bộ phận đầu tiên và hàng đầu của quan hệ sản xuất. Nó là yếu tố đặc trưng bản chất của quan hệ sản xuất, yếu tố phân biệt các thời đại kinh tế – xã hội khác nhau, là điểm “huyệt” của quan hệ sản xuất. Phương pháp nghiên cứu và trình bày ở Cương lĩnh 1991 là hoàn toàn khoa học và chính xác. Vậy tại sao lại phải thay đổi bằng quan hệ sản xuất?
Thứ hai, nói quan hệ sản xuất cho đầy đủ và chính xác thì vẫn đúng, nhưng ở đây lại trừu tượng, không rõ nội hàm. Nói quan hệ sản xuất XHCN là “tiến bộ, phù hợp” về tổng quát, đại thể có thể chấp nhận được, nhưng coi đó là đặc trưng kinh tế của chủ nghĩa xã hội thì không ổn. Đó là những mỹ từ đẹp nhưng không rõ nội hàm quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, không rõ có khác biệt gì về bản chất so với quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Tiêu chí của “tiến bộ, phù hợp” là gì? Nếu không làm rõ thì vô hình chung mở đường cho những tranh luận liên miên không dứt, thậm chí trái ngược nhau vì không có chuẩn mực xác định.
Hãy thử phân tích về sự “phù hợp”. Quan hệ sản xuất tư nhân tư bản chủ nghĩa về khách quan, tổng thể và cơ bản không phù hợp với lực lượng sản xuất xã hội hóa cao. Nhưng trong từng thời gian nhất định, trên những mặt nhất định, nhờ sự tự điều chỉnh (tạm thời, chắp vá) nền kinh tế tư bản chủ nghĩa vượt qua khủng hoảng, phục hồi và phát triển. Chu kỳ này cứ lặp đi lặp lại. Khủng hoảng kinh tế một mặt biểu hiện sự bùng nổ công khai trạng thái mất cân đối trầm trọng và mâu thuẫn sâu sắc trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa; mặt khác, như C.Mác chỉ rõ, nó là phương tiện để tái cấu trúc và tái xác lập sự cân bằng của nền kinh tế, dẫn đến sự phục hồi và phát triển. Dĩ nhiên, cứ mỗi lần như thế, nó phải trả bằng cái giá rất đắt.
Dưới chế độ XHCN, về khách quan, xét tổng thể và cơ bản, quan hệ sản xuất XHCN phù hợp với lực lượng sản xuất. Nhưng trong từng thời gian nhất định, do sai lầm chủ quan trong vận dụng quy luật, hoặc để cho quan hệ sản xuất có mặt vượt quá xa hoặc đi quá chậm so với sự phát triển của lực lượng sản xuất, kết cục là tích tụ và làm nảy sinh mâu thuẫn, kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất. Đó là chưa nói tới nguyên nhân bên ngoài. Trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, khủng hoảng kinh tế từ một nước lớn có thể “lây lan” sang bất cứ nước nào.
Dĩ nhiên, nói như trên không có nghĩa là chúng ta đồng nhất mâu thuẫn này giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Chúng khác nhau về bản chất. Nhưng điều cần nói ở đây là không nên tuyệt đối hóa sự phù hợp hoặc không phù hợp chung chung mà không phân tích tình hình một cách cụ thể.
Trở lại với đặc trưng kinh tế của CNXH. Việc sửa đổi, bổ sung từ sau Cương lĩnh 1991 như đã trình bày ở trên là không ổn. Phải chăng vì vậy mà tại Hội nghị Trung ương lần thứ 12 khóa X (tháng 3-2010) chúng đã không được thừa nhận. Thay vào đó đã đưa trở lại mệnh đề viết trong Cương lĩnh 1991: “Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu”.
Vậy như thế nào là đúng?
Theo quan điểm của chúng tôi, mệnh đề đó viết vào năm 1990 – 1991 là hiểu được và dễ được chấp nhận. Vừa mới thoát thai chưa hoàn toàn và triệt để khỏi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp, hai thành phần kinh tế là chính và hầu như còn đóng cửa với nước ngoài nên tuy Đại hội VI đã mở ra hướng thay đổi bước đầu nhưng thời gian còn quá ngắn, chưa đủ để tạo ra sự chuyển biến lớn trong đời sống kinh tế và trong nhận thức lý luận. Đó là bối cảnh xuất hiện mệnh đề trên, tình hình lúc đó chưa cho phép nói khác.
Tuy nhiên, sau gần một phần tư thế kỷ tiến hành đổi mới, tình hình ngày nay đã khác trước nhiều. Chúng ta phải đổi mới, bổ sung, không thể giữ nguyên như cũ. Nói như cũ có nghĩa là chúng ta phủ định (ngoài ý muốn) hoặc không tính đến những thành tựu của công cuộc đổi mới hàng chục năm qua. Về mệnh đề trên, cái vẫn không thay đổi theo chúng tôi là: “có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại”, còn cái cần phải thay đổi cho phù hợp với tình hình mới là “chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu”.
Ngày nay, chúng ta quan niệm và như thực tế đang diễn ra là không phải mọi tư liệu sản xuất chủ yếu trong nền kinh tế đều do chế độ công hữu chiếm lĩnh. Đó là tư duy cũ trên nền thực tế cũ.
Trước thời kỳ đổi mới, những ngành công nghiệp nặng như sản xuất máy móc, thiết bị, sản xuất năng lượng hoặc vận tải hàng không, vận tải hàng hải loại vừa và lớn, xây dựng kết cấu hạ tầng… cho đến lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm đều do kinh tế nhà nước sở hữu và độc quyền kinh doanh. Ngày nay, với tư duy đổi mới, các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, kể cả đầu tư nước ngoài đều có thể tham gia sản xuất kinh doanh và có thể sở hữu một phần hoặc toàn bộ tùy theo tính chất và quy mô tư liệu sản xuất mà trước đây hoàn toàn thuộc về nhà nước. Đảng và Nhà nước bằng luật pháp và chính sách khuyến khích việc làm này, coi đó là thể hiện phương châm dân chủ trong hoạt động kinh tế, là phương hướng quan trọng huy động các nguồn lực trong xã hội, của mọi thành phần kinh tế để phát triển sản xuất kinh doanh, vì “dân giàu nước mạnh”. Ngày nay, các thành phần kinh tế đã được thừa nhận là những bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Sự tham gia của các thành phần kinh tế được thực hiện bằng nhiều con đường, song hình thức phổ biến là cổ phần hóa.
Cổ phần hóa trong chế độ chúng ta không đồng nghĩa với tư nhân hóa, tuy tư nhân cũng là một thành phần tham gia. Quan điểm chính trị trong kinh tế nhất quán không thay đổi của chúng ta là đối với những ngành, những cơ sở kinh tế quan trọng, những tư liệu sản xuất chủ yếu, kinh tế nhà nước đại diện cho sở hữu toàn dân phải giữ vai trò chi phốiở những mức độ khác nhau. Đó là điểm mấu chốt về quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa khác biệt so với quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Những nơi nào kinh tế nhà nước chưa làm được vai trò này thì Đảng và Nhà nước có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, chấn chỉnh kiện toàn để vươn lên thực hiện bằng được, không vì có tình trạng bất cập hoặc sai sót hiện nay mà thể hiện thái độ tiêu cực đối với kinh tế nhà nước. Phải có tầm nhìn chiến lược đối với vấn đề này.
Sở hữu công chi phối tư liệu sản xuất chủ yếu ở các mức độ khác nhau và bằng những hình thức khác nhau:
– Có tập đoàn, tổng công ty và công ty 100% vốn là của nhà nước (không nhất thiết cơ sở kinh tế nhà nước nào cũng phải cổ phần hóa).
– Sở hữu công nắm trên 50% cổ phần trong đơn vị kinh tế đa sở hữu.
– Có trường hợp sở hữu công nắm dưới 50% vốn góp cũng có vai trò quyết định.
– Trong một số ngành và cơ sở kinh tế, vai trò chi phối của sở hữu công thể hiện chủ yếu ở nắm những khâu quyết định.
Chẳng hạn, ở ngành điện, các thành phần kinh tế khác nhau có thể tham gia sản xuất điện, nhưng khâu tải điện và phân phối điện thuộc quyền sở hữu và kinh doanh của nhà nước.
– Việc nắm các khâu công nghệ cao hoặc bí quyết kỹ thuật… cũng có ý nghĩa chi phối quan trọng.
Quan niệm chế độ công hữu nắm toàn bộ tư liệu sản xuất chủ yếu không hoàn toàn phù hợp với thực tiễn và tư duy đổi mới hiện nay.
Thứ nhất, ngoại trừ một số ít cơ sở kinh tế nhà nước sở hữu 100% vốn, trong số các cơ sở quan trọng khác còn lại hoạt động theo chế độ cổ phần, cứ cho là cổ phần nhà nước chiếm đa số, thì các thành phần kinh tế khác cũng chiếm một tỷ lệ cổ phần nhất định, tương ứng với nó, họ cũng là đồng chủ sở hữu một phần tư liệu sản xuất chủ yếu.
Thứ hai, đối với những tư liệu sản xuất chủ yếu có quy mô nhỏ hơn hoặc kém quan trọng hơn, kinh tế nhà nước không tham gia hoặc tham gia chỉ với tư cách cổ đông thường, các thành phần kinh tế khác có thể giữ vị trí chủ chốt.
Thứ ba, trong nền sản xuất hiện đại, có những sản phẩm công nghệ cao, quy mô lớn, vốn đầu tư nhiều, linh kiện và chi tiết sản phẩm có khi lên tới hàng nghìn, đòi hỏi phân công lao động phức tạp không chỉ trong biên giới quốc gia mà còn trên phạm vi quốc tế. Trong điều kiện đó, công hữu không thể nắm toàn bộ các khâu sản xuất từ A đến Z xét về trình độ công nghệ, khả năng vốn cùng như hiệu quả kinh tế. Hợp lý hơn cả là các thành phần kinh tế, các loại hình sở hữu, kể cả đầu tư nước ngoài cùng tham gia, trong đó kinh tế công hữu có thể giữ vai trò chủ đạo.
Kinh tế công hữu không những chi phối những ngành và cơ sở kinh tế quan trọng mà chi phối cả nền kinh tế. Khác nhau cơ bản giữa chế độ kinh tế xã hội chủ nghĩa và chế độ kinh tế tư bản chủ nghĩa là chế độ công hữu hay chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa giữ vai trò chủ đạo, chi phối. Không nói lên được điều này thì không lý giải được đặc trưng cơ bản của hai chế độ kinh tế – xã hội. Nhưng khi nói đến chế độ công hữu thì phải trên tư duy đổi mới, không thể coi nó là độc quyền, độc tôn, duy nhất sở hữu tư liệu sản xuất chủ yếu như trong thời kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp.
Tiến hành đổi mới phải có nguyên tắc, nhưng khi nguyên tắc đã không còn phù hợp một phần hoặc toàn bộ thì nguyên tắc cũng phải được đổi mới.
Vậy, phải chăng đặc trưng của kinh tế xã hội chủ nghĩa là “có một nền kinh tế dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu chi phối các tư liệu sản xuất chủ yếu” ?
Ý kiến ()