Về cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ
Ngày 2-11, tại Mỹ sẽ diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ, bầu lại toàn bộ 435 ghế Hạ viện, 37 ghế của Thượng viện (gồm 100 ghế) và 37 ghế thống đốc tiểu bang. Cuộc bầu cử này không dẫn tới thay đổi chính quyền liên bang, song nó tạo cơ sở cho các đảng trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 2012.Quốc hội Mỹ hiện hành do đảng Dân chủ (DC) cầm quyền nắm đa số ghế tại cả hai viện. Cuộc chạy đua trong cuộc bầu cử diễn ra chủ yếu giữa hai đảng DC và Cộng hòa (CH), là hai lực lượng thay nhau nắm quyền tại Hoa Kỳ. Hoạt động vận động bầu cử được đẩy mạnh trong những ngày qua với việc hai đảng thúc giục những người ủng hộ đi bỏ phiếu. Theo khảo sát của tờ báo Nước Mỹ ngày nay, có khoảng 63% số cử tri của đảng CH cho biết sẽ đi bỏ phiếu, trong khi con số này của đảng DC ở mức 37%. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận trước khi diễn ra cuộc bầu cử QH giữa nhiệm kỳ ở Mỹ cho...
Quốc hội Mỹ hiện hành do đảng Dân chủ (DC) cầm quyền nắm đa số ghế tại cả hai viện. Cuộc chạy đua trong cuộc bầu cử diễn ra chủ yếu giữa hai đảng DC và Cộng hòa (CH), là hai lực lượng thay nhau nắm quyền tại Hoa Kỳ. Hoạt động vận động bầu cử được đẩy mạnh trong những ngày qua với việc hai đảng thúc giục những người ủng hộ đi bỏ phiếu. Theo khảo sát của tờ báo Nước Mỹ ngày nay, có khoảng 63% số cử tri của đảng CH cho biết sẽ đi bỏ phiếu, trong khi con số này của đảng DC ở mức 37%. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận trước khi diễn ra cuộc bầu cử QH giữa nhiệm kỳ ở Mỹ cho thấy, ưu thế tiếp tục nghiêng về đảng CH và có nhiều khả năng đảng này sẽ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện trong khi thu hẹp khoảng cách đa số của đảng DC tại Thượng viện. Theo dự đoán ngày 1-11 của các nhà quan sát, tại Hạ viện, đảng CH sẽ được 233 ghế, trong khi đảng DC còn 202 ghế. Tại Thượng viện, đảng DC giữ đa số mỏng manh với 51 ghế, đảng CH được 49 ghế.
Lịch sử nước Mỹ cho thấy, đảng của Tổng thống thường bị mất nhiều ghế QH trong cuộc bầu cử QH giữa nhiệm kỳ. Giới phân tích dự đoán, đảng CH có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử QH giữa nhiệm kỳ do cử tri phần nào thất vọng với các quyết sách của chính quyền khi nền kinh tế lớn số một thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ sau khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế nặng nề vừa qua, bất chấp những nỗ lực của Nhà trắng. Hai mối quan ngại lớn nhất của cử tri là tình trạng thâm hụt ngân sách và nợ lớn, số người thất nghiệp vẫn cao.
Cũng theo các nhà phân tích, đảng Dân chủ cầm quyền đang thật sự lo ngại sẽ thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử này. Một cơ sở nữa là các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Ô-ba-ma trên toàn quốc là khá thấp, hiện chỉ ở mức gần 50%. Theo truyền thống, những tổng thống nhận được sự ủng hộ quá bán mới có thể ngăn chặn những thất bại của đảng mình trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ. Tuy nhiên, lãnh đạo đảng DC nói họ bước vào tuần vận động tranh cử cuối cùng vẫn lạc quan sẽ tiếp tục duy trì thế thượng phong tại cơ quan lập pháp. Cựu Tổng thống Bin Clin-tơn ngày 26-10 còn nhận định rằng, đảng DC của ông có thể sẽ 'thu được kết quả đáng ngạc nhiên' trong cuộc bầu cử sắp tới.
Nhận định về cuộc bầu cử QH giữa nhiệm kỳ này, các nghị sĩ DC và CH đều dự đoán, hiện trạng kinh tế Mỹ sẽ là vấn đề hàng đầu chi phối sự kiện chính trị này. Cuộc chạy đua giữa hai đảng sẽ được quyết định dựa trên những nhận định của cử tri về hiện trạng nền kinh tế, nợ nần, chi tiêu cũng như cách thức giải quyết vấn đề này của mỗi đảng. Thực tế, chính sách kích thích tài chính đã không mang lại kết quả như mong muốn, tỷ lệ thất nghiệp không giảm. Thực trạng nợ nần cũng rất đáng lo ngại, các món nợ khổng lồ và những cam kết tài chính cao có thể dẫn đến việc thâm hụt ngân sách quốc gia chiếm tới 14% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Văn phòng Ngân sách QH Mỹ (CBO) cho biết, thâm hụt ngân sách liên bang lên tới 1,34 nghìn tỷ USD trong tài khóa 2010, tương đương 9,1% GDP của Mỹ và là mức thâm hụt lớn thứ hai của Mỹ trong vòng 65 năm qua. Chủ tịch Ủy ban quốc gia của đảng CH, Mai-cơn Xtin cho rằng, các cử tri Mỹ đã mệt mỏi khi trong hai năm qua chính quyền Ô-ba-ma đã không lắng nghe ý kiến của họ.
Đích thân Tổng thống B.Ô-ba-ma trong tháng 10 đã đến hàng loạt các tiểu bang vận động cho các ứng cử viên của đảng DC. Với việc chọn Ai-ô-oa là điểm khởi đầu của chuyến đi vận động tranh cử, Tổng thống Ô-ba-ma hy vọng sẽ thuyết phục được liên minh các cử tri trẻ và đa chủng tộc từng ủng hộ ông trong cuộc đua vào Nhà trắng hai năm trước tham gia cuộc bầu cử QH giữa nhiệm kỳ. Theo giới phân tích, những chiến thuật tranh cử của Tổng thống Ô-ba-ma phản ánh mối lo ngại của một số chiến lược gia trong đảng DC về việc liên minh cử tri khổng lồ trên sẽ không tham gia cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ do không có sự tham dự của ông trên lá phiếu. Các thành viên đảng DC sẽ phải tiến hành tranh cử trong môi trường chính trị bị phân cực cao, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức 9,5-9,7% và nhiều cử tri vẫn chưa cảm nhận được lợi ích từ sự hồi phục của nền kinh tế. Thêm vào đó là sự chỉ trích của đảng CH cho rằng các biện pháp mà chính quyền Ô-ba-ma áp dụng đang kìm chế hoạt động thương mại và giảm việc làm. Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma, tại một cuộc gặp với ban cố vấn về phục hồi kinh tế tại Nhà trắng, cũng thừa nhận Oa-sinh-tơn đang phải đối mặt với 'tình hình tài chính nghiêm trọng'. Chủ tịch Cục Dự trữ LB Mỹ (FED) Ben Bơ-nan-ki kêu gọi chính quyền nhanh chóng thực thi các biện pháp mang tính quyết định nhằm kiểm soát vấn đề thâm hụt ngân sách đang là mối đe dọa thật sự đối với kinh tế Mỹ. Các hạ nghị sĩ đảng CH đã ra một thông cáo cho rằng, dự thảo ngân sách của Tổng thống Ô-ba-ma đã chi tiêu nhiều hơn bất kỳ thời kỳ nào trong lịch sử nước Mỹ, dẫn đến mức thâm hụt ngân sách khổng lồ trong khi áp dụng các mức tăng thuế quá cao và vay mượn quá nhiều. Năm 2000, nước Mỹ có khoản dư ngân sách 200 tỷ USD. Khi Ô-ba-ma lên làm Tổng thống, con số thâm hụt ngân sách là 1.000 tỷ USD đã tăng lên gần 1,5 lần trong hai năm qua và có thể lên đến 8.000 tỷ trong thập kỷ tới. Cuộc suy thoái kinh tế trong ba năm qua đã ngốn mất 4.000 tỷ USD.
Chính sách của chính quyền Ô-ba-ma về cuộc chiến tranh ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan đang gây ra những phản ứng trái chiều trong dư luận và chính giới Mỹ, làm trầm trọng thêm khó khăn về tài chính và kinh tế. Ê-kíp cầm quyền tại Nhà trắng tỏ ra 'thiếu hợp tác'. Trong số những cố vấn của Tổng thống ra đi khỏi Nhà trắng, đáng chú ý có hai nhân vật thân cận của Tổng thống là Giám đốc Ngân sách Nhà trắng Pi-tơ Ô-dắc và Chánh Văn phòng Nhà trắng Ram Ê-ma-nu-en.
Kết quả bầu cử tại Mỹ thường rất khó dự đoán chính xác, nếu không muốn nói là có kết quả bất ngờ. Nếu đảng DC cầm quyền mất quyền kiểm soát tại một trong hai viện của QH mới thì Chính phủ của Tổng thống B.Ô-ba-ma sẽ gặp khó khăn trong quá trình thông qua một số chương trình nghị sự tại QH cũng như những chính sách của mình trong hai năm tới. Điều này sẽ là một bất lợi lớn đối với đảng DC trong cuộc bầu cử Tổng thống và QH năm 2012.
Theo Nhandan
Ý kiến ()