VCK U23 châu Á 2018: Những dấu ấn thú vị
Các cầu thủ Việt Nam ăn mừng chiến thắng. Ảnh: AFC.com |
Trước hết phải kể đến dấu ấn “những lần đầu tiên” của ĐT U23 Việt Nam (bảng D).
Các cầu thủ Việt Nam tham dự VCK 2018 với tư cách 1 trong 6 đội nhì bảng xuất sắc nhất. Ở vòng bảng, U23 Việt Nam nằm ở bảng “tử thần” khi có mặt Hàn Quốc (đương kim Á quân), Australia và Syria. Những tưởng chỉ là “đội bóng lót đường” nhưng ĐT U23 Việt Nam đã lần đầu tiên lọt vào tứ kết sau trận thắng Australia (1-0) và trận hòa Syria (0-0).
Gặp U23 Iraq (đội nhất bảng C), U23 Việt Nam đã chơi một trận kiên cường sau 120 phút (2 hiệp chính, 2 hiệp phụ) và sút luân lưu 11 m rồi giành chiến thắng. Đây cũng là trận đấu đầu tiên ở vòng loại trực tiếp phải thi đấu 2 hiệp chính, 2 hiệp phụ và sút luân lưu 11 m.
Vào bán kết, gặp ĐT U23 Qatar (đội toàn thắng vòng bảng, thắng Palestine ở tứ kết), các cầu thủ Việt Nam tiếp tục giành chiến thắng sau loạt sút 11 m cân não, giống trận tứ kết.
Dấu ấn nữa cũng phải kể đến là U23 Việt Nam đã vượt qua 3 đội bóng Tây Á, trong đó “loại khéo Syria” ở vòng bảng bằng trận hòa 0-0; trực tiếp loại Iraq, Qatar.
Một trong những cầu thủ gây ấn tượng nhất của U23 Việt Nam là thủ môn Bùi Tiến Dũng, (thi đấu cho FLC Thanh Hóa). Trong 2 trận phải thi đấu sút luân lưu 11 m, Tiến Dũng phá được 3 quả sút của đội bạn.
Trận gặp Iraq, cú sút của đội trưởng U23 Iraq bị Tiến Dũng bắt gọn. Còn ở trận bán kết với Qatar, trong 2 “nạn nhân” của cầu thủ người xứ Thanh này có 1 người là đội trưởng. Trước đó, anh cũng chiến thắng đối thủ trên chấm 11 m trong trận đấu với U23 Hàn Quốc. Lối chơi của Tiến Dũng góp phần quan trọng trong hành trình đến trận chung kết của U23 Việt Nam.
Các cầu thủ Uzbekistan sau trận bán kết. Ảnh: AFC.com |
Ấn tượng thứ 2 là ĐT U23 Uzbekistan (bảng A), đối thủ của U23 Việt Nam ở trận chung kết.
Uzbekistan ngay từ đầu đã được đánh giá là một trong những ứng viên vô địch do có lối chơi hiện đại chẳng khác các đội bóng châu Âu.
Thua Qatar trận ra quân (0-1), đội bóng Trung Á này thắng liền 2 trận (chủ nhà Trung Quốc, Oman), vào bán kết loại tiếp đương kim vô địch Nhật Bản (4-0). Sau đó, ở trận bán kết, Uzbekistan lại loại Hàn Quốc (đương kim Á quân) với tỷ số 4-1 sau 120 phút.
Điều rất thú vị là đội thắng Uzbekistan trận ra quân (U23 Qatar) đã bị U23 Việt Nam loại ở bán kết, còn đội thắng Việt Nam trận ra quân (U23 Hàn Quốc) lại bị Uzbekistan loại ở bán kết.
Điều thú vị thứ 3 là vòng bán kếtchỉ có các đội bảng A (Qatar, Uzbekistan) và bảng D (Việt Nam, Hàn Quốc) góp mặt.
Đến thời điểm này, cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhấtlà tiền đạo Ali Zainalabiddin Abdulla của U23 Qatar với 6 bàn thắng. Trong khi đó, tiền vệ Nguyễn Quang Hải của U23 Việt Nam đã ghi được 4 bàn thắng.
Cổ động viên Việt Nam trên khán đài xem U23 thi đấu đã gây ấn tượng đặc biệt. |
Một dấu ấn nữa là dành cho cổ động viên Việt Nam.Trong khi các trận đấu VCK từ khởi tranh đến nay rất ít người đến sân theo dõi dù đây là giải đấu châu lục, trừ 3 trận có chủ nhà Trung Quốc thi đấu, trận đông khán giả nhất được AFC ghi nhận là trận U23 Việt Nam-U23 Iraq với khoảng 1.000 người, trong đó, riêng cổ động viên Việt Nam chiếm một nửa.
Khán giả ít đến sân có nhiều lý do, có thể là trời khá lạnh (thường dưới 10 độ C), là giải trẻ, có thể là do người dân nước chủ nhà ít quan tâm bóng đá, cũng có thể là đội chủ nhà bị loại từ vòng bảng… Chính vì thế, cách cổ vũ của các cổ động viên Việt Nam đã khiến báo chí quốc tế đặc biệt cảm phục.
Về điều này, tờ “Phương Đông” của Trung Quốc nhận định “không có nhiều CĐV nước ngoài đến theo dõi các trận đấu, trừ những trận có mặt Việt Nam”.
Tờ báo này mô tả trận tứ kết Việt Nam gặp Iraq (chiều 20/1) ” hơn 500 người hâm mộ Việt Nam đã làm huyên náo sân Thường Thục. Với trống, cờ và sự cuồng nhiệt, họ đã giải tỏa được sự căng thẳng (vì ít khán giả đến xem) cho Liên đoàn Bóng đá châu Á-AFC”.
Sau trận chung kết bắt đầu từ 15h ngày thứ Bảy 27/1, bóng đá U23 châu Á sẽ có nhà vô địch mới.
Ý kiến ()