"Vàng trắng" trên vùng đồi Quảng Bình
Những năm qua, cây cao-su đã thổi một luồng sinh khí mới trong việc khai thác tiềm năng vùng gò đồi ở tỉnh Quảng Bình. Năm 2010, Quảng Bình trồng mới gần 2.300 ha, nâng diện tích cao-su toàn tỉnh lên hơn 13.000 ha. Cây cao-su thực sự là "vàng trắng" ở vùng đồi, mang lại nguồn thu lớn cho người dân.Giàu lên nhờ cây cao-suChúng tôi đến Phú Định - xã đang giàu lên nhờ cây cao-su của huyện Bố Trạch để tìm hiểu về thứ 'vàng trắng' trên vùng đồi nơi đây. Chủ tịch UBND xã Phú Định Lê Thanh Khuyến cho biết, thực hiện Nghị quyết 01 của Đảng bộ huyện Bố Trạch về phát triển kinh tế vùng gò đồi, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân khai hoang, phục hóa để đưa cây cao-su vào trồng trên đất Phú Định. Thực tế cho thấy, cây cao-su đã phát huy được hiệu quả ở vùng đồi Phú Định, đồng thời khẳng định hướng đi đúng của xã khi chọn loại cây này làm cây chủ lực để vận động nhân dân đầu tư phát triển.Phú Định là một trong hai xã có diện tích...
Giàu lên nhờ cây cao-su
Chúng tôi đến Phú Định – xã đang giàu lên nhờ cây cao-su của huyện Bố Trạch để tìm hiểu về thứ 'vàng trắng' trên vùng đồi nơi đây. Chủ tịch UBND xã Phú Định Lê Thanh Khuyến cho biết, thực hiện Nghị quyết 01 của Đảng bộ huyện Bố Trạch về phát triển kinh tế vùng gò đồi, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân khai hoang, phục hóa để đưa cây cao-su vào trồng trên đất Phú Định. Thực tế cho thấy, cây cao-su đã phát huy được hiệu quả ở vùng đồi Phú Định, đồng thời khẳng định hướng đi đúng của xã khi chọn loại cây này làm cây chủ lực để vận động nhân dân đầu tư phát triển.
Phú Định là một trong hai xã có diện tích cây cao-su lớn nhất huyện Bố Trạch với hơn 700 ha, trong đó 400 ha đã đưa vào khai thác. Với diện tích đang thu hoạch, sau khi trừ các chi phí, bình quân mỗi tháng bà con thu hơn 1,5 tỷ đồng. Đặc biệt, có năm hộ thu bình quân một triệu đồng/ngày. Theo đồng chí Lê Thanh Khuyến, trồng cao-su là hướng ưu tiên của xã trong định hướng phát triển kinh tế thời gian tới. Xã đã làm thủ tục chuyển một số diện tích đất trồng thông nhựa không hiệu quả do lâm trường rừng thông Bố Trạch giao lại để trồng cao-su.
Nhờ trồng cây cao-su, từ một xã toàn bộ nguồn thu đều phải dựa vào sự hỗ trợ của cấp trên, đến nay đã chủ động xây dựng được nguồn thu. Năm 2000, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 35% thì năm 2010 giảm xuống dưới 10%, không còn hộ đói. Cây cao-su đã và đang giúp cho người dân Phú Định ngày càng giàu lên.
Nói đến người trồng cao-su ở Quảng Bình, không thể không nhắc tới anh Bế Văn Mai, người dân tộc Nùng ở thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch). Trong căn nhà hai tầng khang trang của mình, anh Mai kể cho chúng tôi nghe những nhọc nhằn của ngày đầu lập nghiệp. Bố anh – một cựu chiến binh người dân tộc Nùng ở tỉnh Cao Bằng từng tham gia giải phóng và tiếp quản Đồng Hới, sau đó, ông lấy vợ ở Bố Trạch và chọn quê vợ làm nơi định cư và ông là thế hệ đầu tiên xây dựng Nông trường Việt Trung vào những năm 1959 – 1960. Sau khi thực hiện xong nghĩa vụ quân sự, anh Mai trở về làm công nhân của Nông trường Việt Trung và nung nấu ý tưởng lập trang trại. Năm 1994 khi Chương trình 327 ra đời, anh xin khai hoang 14 ha đồi hoang để làm trang trại. Trong hai năm 1994, 1995, anh trồng được 14 ha cao-su tiểu điền và 1 vạn cây tràm làm vành đai chắn gió.
Bây giờ 14 ha cao-su của anh đã đi vào khai thác. Ngoài các thành viên trong đại gia đình gồm bảy anh em của mình và những người bà con từ quê hương Cao Bằng, anh Mai đã tạo việc làm thường xuyên cho 11 lao động với thu nhập hơn một triệu đồng/tháng/người. Ngoài thu nhập hàng tháng, anh còn cho công nhân ứng trước tiền công để mua xe máy, mua sắm vật dụng gia đình. Giá cao-su khá cao nên với khối lượng mủ cạo ra mỗi ngày, anh Mai thu lãi hơn hai triệu đồng. Như vậy, bình quân mỗi năm anh có thu nhập hơn 700 triệu đồng từ riêng cây cao-su. Từ nguồn thu này, anh đã đầu tư xây dựng nhà cửa khang trang, tái đầu tư cho sản xuất và cho con đi du học nước ngoài.
Chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao-su
Cây cao-su có mặt ở vùng đồi Quảng Bình từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước, chủ yếu ở hai nông trường quốc doanh. Nhưng sau thời gian dài gần như bị 'bỏ quên', sau năm 2000, các cấp chính quyền và người nông dân Quảng Bình mới chú ý nhiều hơn đến cây cao-su. Năm 2010, các địa phương, đơn vị trong tỉnh Quảng Bình trồng mới gần 2.300 ha, nâng diện tích cao-su toàn tỉnh lên hơn 13.000 ha. Cây cao-su thật sự là 'vàng trắng ở vùng đồi', mang lại nguồn thu lớn cho người nông dân. Cao su hiện là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Quảng Bình, với giá trị hơn 50 triệu USD, chiếm gần 70% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Hiện nay, Quảng Bình đang thực hiện quy hoạch phát triển cây cao-su đến năm 2020. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài cho biết, thực hiện chủ trương phát triển cây cao-su, Quảng Bình đang chuyển đổi khoảng 13.000 ha rừng nghèo kiệt sang trồng cao-su. Tỉnh đang phấn đấu đến năm 2015 diện tích cao-su đạt 26.000 ha.
Thực hiện chủ trương này, từ giữa năm 2009 đến nay, Công ty TNHH một thành viên lâm công nghiệp Long Đại đã chuyển hơn 600 ha thông nhựa kém hiệu quả sang trồng cây cao-su. Công ty TNHH một thành viên lâm công nghiệp Bắc Quảng Bình chuyển đổi rừng nghèo và trồng được 117 ha. Binh đoàn 15 – Bộ Quốc phòng đã triển khai dự án trồng cao-su ở phía nam Quảng Bình, sát biên giới Việt – Lào. Hiện nay Đoàn kinh tế quốc phòng 79 – Binh đoàn 15 đã trồng được gần 100 ha cao-su, đồng thời vận động bà con dân tộc Vân Kiều cùng với đơn vị trồng, chăm sóc cây cao-su để góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Xác định cao-su là cây chủ lực trên vùng đồi, Đảng bộ huyện Bố Trạch đã chủ trương mở rộng diện tích cao-su ra các xã dọc tuyến đường Hồ Chí Minh; lồng ghép các dự án để phát triển cây công nghiệp này; tạo điều kiện để các thành phần kinh tế đầu tư khai thác, chế biến cao-su. Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Văn Doan cho biết, để hỗ trợ phát triển cây cao-su, hằng năm huyện đã hỗ trợ người trồng cao-su với mức một triệu đồng/ha diện tích đất khai hoang và 600 nghìn đồng/ha diện tích cao-su trồng mới. Số tiền hỗ trợ từ năm 2006 đến nay hơn hai tỷ đồng.
Bên cạnh hiệu quả kinh tế đã được khẳng định thì đối với người trồng cao-su ở Quảng Bình, điều lo lắng nhất là gió bão. Quảng Bình là tỉnh thường xuyên bị bão nên mức độ rủi ro đối với cây cao-su không hề nhỏ. Để hạn chế thiệt hại, người nông dân tạo các đai cây xanh nhằm cản gió cho rừng cao-su. Nhưng theo nhiều người trồng cao-su thì cách làm đó cũng không mang lại hiệu quả cao. Bây giờ cây cao-su gãy theo luồng gió chứ không theo quy luật là lẽ ra phải gãy ở chỗ trống hoặc phía ngoài cùng trước nên gây thiệt hại lớn.
Có thể thấy, mặc dù bị tác động trực tiếp của thiên tai và việc tiêu thụ mủ cao-su có những thời điểm khó khăn nhất định song hiệu quả của cây cao-su đã thể hiện rõ và đây được coi là cây chiến lược ở vùng đồi của tỉnh Quảng Bình. Hy vọng với những định hướng đúng và bước đi phù hợp, loại cây công nghiệp chủ lực này sẽ phát huy được hiệu quả cao ở phía tây miền cát trắng Quảng Bình.
Theo Nhandan
Ý kiến ()