“Vầng trăng khuyết” tỏa sáng
Gần 4.500 vận động viên (VĐV) người khuyết tật (NKT) đến từ 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã tề tựu tại Nhật Bản, sẵn sàng tranh tài Paralympic Tokyo 2020 từ ngày 24-8 đến 5-9. Mỗi mảnh đời thể thao khuyết tật đến với sân chơi thế vận hội đều mang một câu chuyện riêng về hành trình vượt lên số phận đáng khâm phục.
Paralympic là sân chơi để những VĐV NKT thể hiện tài năng thể thao, sẻ chia những bí quyết vượt khó để không trở thành gánh nặng cho người thân và xã hội. Họ đã có một hành trình gian nan tự vượt qua rào cản về sức khỏe, mặc cảm về tâm lý, khó khăn về kinh tế để tự làm chủ cuộc sống của chính mình. Nếu hành trình đến Olympic của các VĐV lành lặn được đánh đổi bằng cả mồ hôi và nước mắt khi tập luyện thì với những VĐV NKT thì khổ luyện thôi là chưa đủ mà họ còn phải vượt qua một hành trình dài từng bị miệt thị, từng giấu mình trong những vỏ bọc của bản thân. Là NKT đã thiệt thòi, phấn đấu trở thành VĐV khuyết tật càng khổ trăm bề.
Lực sĩ Lê Văn Công tại Paralympic Rio 2016.Ảnh: Reuters |
Với thể thao NKT Việt Nam, 7 VĐV đến với Paralympic lần này đều là những tấm gương sáng đáng khâm phục. Người hâm mộ nhớ đến lực sĩ Lê Văn Công không chỉ bởi tấm huy chương vàng lịch sử Paralympic Rio 2016 mà còn đến từ ý chí không đầu hàng trước số phận của anh. Sinh ra đã mắc chứng teo cơ và bị liệt cả hai chân nhưng Văn Công có thể tự làm nhiều việc để lo toan đời sống, đóng góp sức mình cho cuộc sống chung. Ngoài thành tích đáng nể trong thể thao, Văn Công giờ còn sở hữu một cửa hàng điện tử, trụ cột của tổ ấm với người vợ hiền và hai đứa con ngoan. Với Võ Thanh Tùng, cơn sốt bại liệt đã cướp đi đôi chân từ năm lên 6 tuổi nhưng không thể lấy đi ý chí vượt lên nghịch cảnh của anh. 16 năm gắn bó với đường đua xanh, Thanh Tùng sở hữu nhiều thành tích tự hào tại đấu trường quốc tế và vinh dự 10 lần được bầu chọn là VĐV NKT xuất sắc toàn quốc. Không chỉ riêng thể thao, trong cuộc sống có rất nhiều những tấm gương NKT đang từng ngày vươn lên để khẳng định giá trị của bản thân, muốn góp công sức nhỏ bé trong dựng xây đất nước.
“Khuyết tật nhưng không khuyết tài”, nhận định đó thật đúng khi nói về những VĐV thể thao NKT. Họ có thể thiếu đi đôi chân, mất đi bàn tay, đi lại không bình thường… nhưng nhờ có thể thao, nhờ có sự quan tâm, thương yêu của xã hội, họ đã dần hòa nhập vào đời thường để viết nên bao câu chuyện đẹp tựa cổ tích. Với những NKT, điều họ mong muốn không chỉ là chế độ, chính sách mà cần được xã hội nhìn nhận, quan tâm như những người bình thường khác.
Có một điều đặc biệt là những VĐV NKT Việt Nam ngoài tài năng thể thao thì họ còn có nhiều nghề khác. Người thì sửa chữa điện tử, sửa xe máy hay có nghề may… Trước khi đến với thể thao, họ được tạo điều kiện học nghề, tự kiếm thu nhập để tự làm chủ cuộc sống. Việc chăm lo và tạo mọi điều kiện để NKT phục hồi các chức năng bị khiếm khuyết, chủ động hòa nhập vào cuộc sống của gia đình và xã hội là chủ trương lớn, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta.
Bên cạnh những điểm sáng trên thì vẫn còn nhiều thách thức, rào cản trong quá trình giúp NKT hòa nhập với cuộc sống bình thường. Ngay với những VĐV NKT, họ vẫn còn gặp khó khăn khi thiếu cơ sở vật chất tập luyện và phục hồi chấn thương thể thao; chế độ lương, thưởng vẫn chưa tương xứng… Theo thống kê của Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam năm 2020, cả nước có khoảng 6,2 triệu NKT. Để những “vầng trăng khuyết” này tự tin “tỏa sáng” rất cần sự chung tay của toàn xã hội nêu cao truyền thống cao đẹp “tương thân tương ái” của dân tộc.
Ý kiến ()