“Vàng thau lẫn lộn”
(LSO)-Theo Hội Đông y tỉnh, Lạng Sơn có gần 800 loại dược liệu, tuy nhiên hằng năm, vẫn phải thu mua hơn 30% dược liệu từ nơi khác để sử dụng, trong đó, có những loại không rõ nguồn gốc, kém chất lượng.
Dược sỹ bốc thuốc theo đơn tại Bệnh viện Y Dược học cổ truyền tỉnh
Tràn lan, khó kiểm chứng chất lượng
Cầm trên tay 2 gói sâm dây Ngọc Linh trọng lượng như nhau, cách đóng gói cũng giống nhau và dây sâm cũng có màu sắc, hình dáng tương đương nhau nhưng giá chênh lệch gấp rưỡi, bà Nguyễn Thị Mây (phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn) lo lắng kể: Tôi nhờ bạn mua hộ một gói, con trai tôi lại đặt mua ở Hữu Lũng về 1 gói. Nhìn bên ngoài không có gì khác nhau nhưng giá cả thì chênh lệch đến 300 ngàn đồng. Không biết giá cả có đi kèm với chất lượng hay không? Sử dụng loại rẻ thì có hại gì không?
Chúng tôi khảo sát một vòng qua các khu vực bày bán nhiều dược liệu trên địa bàn thành phố Lạng Sơn như: chợ Đông Kinh, chợ Bờ Sông, chợ Kỳ Lừa, Đền Kỳ Cùng, Chùa Tam Thanh… Ở các điểm này, các loại dược liệu, cây cỏ của địa phương được bày bán tràn lan. Dược liệu có nhiều loại, từ loại khô đóng gói to, nhỏ đến loại ngâm rượu đóng vào chai nước khoáng nhỏ, loại nào cũng cắt một mẩu giấy nhỏ dán tên thuốc bên ngoài. Ở những quầy “lịch sự” thì in tên thuốc, tác dụng chữa bệnh dán kèm theo. Còn nguồn gốc, hạn sử dụng lại trở thành thông tin khó tìm kiếm trên sản phẩm. Phần lớn các loại thuốc đó đều không có dấu kiểm định của cơ quan chức năng.
Lỗi của người bán lẫn người dùng
Bên cạnh những băn khoăn về giá cả, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm thì khâu bảo quản cũng là một vấn đề đáng được quan tâm vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền. Bà Triệu Thị Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Y Dược học cổ truyền tỉnh cho biết: Dược liệu dù tốt nhưng không tuân thủ nghiêm ngặt điều kiện bảo quản về không khí, độ ẩm, ánh sáng, bao bì thì dược tính cũng sẽ tiêu biến dần. Vì thế, người bệnh không nên tự ý mua, sử dụng các vị thuốc y học cổ truyền bừa bãi mà nên đến các cơ sở khám, chữa bệnh có uy tín, uống thuốc theo đơn với liều lượng và thời gian nhất định để đạt được hiệu quả chữa bệnh tốt nhất.
Thế nhưng trên thực tế, người bán vẫn “vô tư” hái, phơi và bày bán trên các sạp cạnh đường, không được bảo quản theo đúng quy trình. Người bán đã thế, người dùng cũng “nhẹ dạ” tin rằng “thuốc đông y chả bao giờ có hại” và tự ý tìm mua để tự chế biến, sử dụng, nhiều loại được cho là “mát gan bổ thận”, được người dân sử dụng thay nước uống hằng ngày phổ biến như: hoa ngũ sắc, xạ đen, hoài sơn, tầm gửi gạo, cà gai leo…
Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tỉnh, từ đầu năm 2018 đến nay, các lực lượng chức năng (bộ đội biên phòng, công an, hải quan, quản lý thị trường…) đã kiểm tra, bắt giữ hơn 5,7 tấn nguyên liệu, thuốc bắc, sản phẩm thuốc bắc không rõ nguồn gốc, xuất xứ. |
Ông Trần Văn Tuyến, Chủ tịch Hội Đông Y tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có hơn 1.470 người hành nghề y học cổ truyền, bình quân mỗi năm sử dụng hơn 100 tấn dược liệu để chữa bệnh, trong đó, có 70% là tự thu hái, chế biến theo kinh nghiệm gia truyền, 30% thu mua lại từ các đầu mối. Tuy nhiên, thuốc thu mua thường không đảm bảo chất lượng, hoạt chất thấp nên các ông lang bà mế thường phải kê tăng liều, có khi lên gấp 4 lần mới có tác dụng chữa bệnh. Vì thế, người dân nên từ bỏ tư duy cổ điển, sai lầm về dược liệu, không nên lạm dụng, khi có bệnh cần đến các cơ sở y tế, các thầy thuốc uy tín, có chứng chỉ hành nghề được Sở Y tế cấp để được thăm khám, kê đơn cụ thể và mua những loại thuốc đảm bảo chất lượng, tránh “tiền mất tật mang”.
Ý kiến ()