Vang mãi câu ví trên mảnh đất anh hùng
– Là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, huyện Bắc Sơn hiện đang sở hữu nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, trong đó có hát ví của người Tày. Đây là loại hình dân ca đặc trưng cho quá trình giao lưu văn hóa Tày – Kinh. Bằng sự trân trọng câu hát ông cha, chính quyền và cộng đồng người Tày nơi đây đang từng ngày nỗ lực bảo tồn, phát huy để câu ví của tiền nhân vang mãi.
Theo các tài liệu nghiên cứu văn hóa, hát ví là loại hình dân ca phổ biến ở vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ được du nhập vào huyện Bắc Sơn qua quá trình di cư, giao thoa, tiếp biến văn hóa Việt – Tày (khoảng từ đầu thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XX) và dần có xu hướng “Tày hóa” . Đây là một thể loại dân ca mang đậm tính trữ tình, phản ánh nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Thông thường hát ví chủ yếu là tiếng Việt, tuy nhiên khi đến với người Tày thì từ giọng điệu, chất liệu nghệ thuật, ngôn từ, địa danh địa phương đều đậm chất văn hóa Tày.
Những cô gái Tày Bắc Sơn thể hiện điệu ví ngọt ngào
Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Cư, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn, tác giả cuốn sách “Hát ví người Tày, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn” cho biết: Hát ví được coi là “đặc sản” riêng có của vùng đất Bắc Sơn. Điệu hát này gồm ba loại hình chính: ví lẻ, ví cuộc và ví rượu. Hát ví được thể hiện theo lối hát tự do, tường thuật ngẫu hứng không nhạc đệm, không có tiết tấu từng khuôn nhịp, người hát có thể co giãn một cách ngẫu hứng.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng Văn hóa – Thông tin (VH-TT) huyện Bắc Sơn, hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 50 người, độ tuổi từ 30 đến 45 tuổi trở lên, phổ biến ở các xã, thị trấn như: Bắc Quỳnh, Bắc Sơn, Long Đống, Tân Lập, Nhất Hoà… thường hát ví và hát thuần thục làn điệu này. Người Tày Bắc Sơn hát ví vào bất cứ thời gian nào như tết, lễ hội, đi chợ, đi hái củi, đi làm nương… Không gian hát thường diễn ra ở nhà sàn, đình chùa hoặc ngồi ghế hai bên cầu theo kiến trúc “Thượng gia hạ kiều”…
Những ngày cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, vượt qua con đèo Tam Canh quanh co uốn lượn, chúng tôi đến thăm nhà chị Dương Thị Hoa (khối phố Hữu Vĩnh 2, thị trấn Bắc Sơn) là một trong những người thể hiện làn điệu ví thành công tại huyện Bắc Sơn. Trong nếp nhà sàn nhỏ xinh, chị Hoa tiếp đón chúng tôi bằng câu “Ví mời” ngọt ngào: … “Lên nhà ngồi những chiếu hoa/Chè chuyên rượu ngọt bưng ra tiếp mời…”. Những thanh âm trong trẻo, dìu dặt vang lên bên bếp lửa hồng khiến chúng tôi ai nấy đều thấy ấm lòng.
Chị Hoa cho biết: Từ khi tôi còn bé, điệu hát ví đã trở thành niềm đam mê đối với tôi. Tôi đã tự tìm tòi, học hỏi từ các cụ, các bà lớn tuổi trong làng về cách hát, luyến láy sao cho truyền cảm, đúng điệu. Đối với người Tày Bắc Sơn chúng tôi, dù cuộc sống còn bộn bề khó khăn nhưng chưa bao giờ ngừng đam mê với điệu ví truyền thống của dân tộc mình. Chính những điệu ví đằm thắm, mượt mà đã giúp chúng tôi vơi bớt mệt nhọc sau những ngày lao động vất vả.
Thời gian qua, chính quyền, ngành chức năng huyện Bắc Sơn đã có nhiều giải pháp thiết thực để giữ gìn và phát huy câu hát ví không bị thất truyền như: hỗ trợ thành lập các câu lạc bộ dân ca. Tính đến nay, toàn huyện đã có 12 câu lạc bộ, 62 nhóm sở thích được thành lập với hơn 750 thành viên; khuyến khích, động viên các nghệ nhân, người cao tuổi phát huy, truyền dạy làn điệu này qua các hội diễn, sự kiện của địa phương. Bên cạnh đó, năm 2016, UBND huyện đã đưa nghệ nhân biểu diễn hát ví tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Lạng Sơn lần thứ VII năm 2016 và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2019. Đồng thời, năm 2019, UBND huyện giao Phòng VH-TT phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn và các nghệ nhân mở 1 lớp truyền dạy hát ví cho gần 60 người là thành viên đội văn nghệ tại các điểm du lịch cộng đồng.
Bà Đỗ Thanh Loan, Trưởng Phòng VH-TT huyện Bắc Sơn cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhằm nâng cao ý thức tự giác và sự trân trọng của cộng đồng đối với hát ví; triển khai thực hiện có hiệu quả, kịp thời việc lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “nghệ nhân nhân dân”, “nghệ nhân ưu tú” cho các cá nhân có nhiều thành tích trong việc bảo lưu, trao truyền, phát huy giá trị hát ví. Cùng với đó, tăng cường, tổ chức các lớp truyền dạy hát ví nói riêng, dân ca nói chung trong cộng đồng; nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục, bảo tồn, phát huy một số điệu, cuộc hát ví truyền thống.
Rời Bắc Sơn, chúng tôi không thể nào quên được những câu ví ngọt ngào, đằm thắm. Tin tưởng rằng, với nhiều giải pháp bảo tồn thiết thực hơn nữa, trong tương lai không xa, hát ví sẽ trở thành một trong những “đặc sản” tinh thần góp phần níu chân du khách khi đến với mảnh đất anh hùng này.
Ý kiến ()