Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (gọi tắt là Hiệp định Pa-ri) ngày 27-1-1973 là cuộc đối đầu toàn diện và quyết liệt về chiến lược, chiến thuật, về bản lĩnh và trí tuệ, về đạo lý và pháp lý giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Gần năm năm đàm phán, chúng ta đã phải vượt qua nhiều thử thách, đầy cam go. Và, cuối cùng, bản Hiệp định Pa-ri lịch sử ra đời, mở ra cục diện mới viết nên trang sử chói lọi cho dân tộc Việt Nam.Cuộc đấu trí, đấu lý "nghẹt thở"Nhớ về những ngày đấu trí, đấu lý can trường, nguyên Phó Chủ tịch nước, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình, nói: "Cuộc chiến không dùng súng đạn nhưng bằng đấu trí, đấu lý và cả ý chí cũng vô cùng khó khăn và gian khổ. Các cuộc họp đàm phán bí mật là những trận chiến đấu hết sức quyết liệt".Các cuộc đấu trí giữa Cố vấn...
Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (gọi tắt là Hiệp định Pa-ri) ngày 27-1-1973 là cuộc đối đầu toàn diện và quyết liệt về chiến lược, chiến thuật, về bản lĩnh và trí tuệ, về đạo lý và pháp lý giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Gần năm năm đàm phán, chúng ta đã phải vượt qua nhiều thử thách, đầy cam go. Và, cuối cùng, bản Hiệp định Pa-ri lịch sử ra đời, mở ra cục diện mới viết nên trang sử chói lọi cho dân tộc Việt Nam.
Cuộc đấu trí, đấu lý “nghẹt thở”
Nhớ về những ngày đấu trí, đấu lý can trường, nguyên Phó Chủ tịch nước, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình, nói: “Cuộc chiến không dùng súng đạn nhưng bằng đấu trí, đấu lý và cả ý chí cũng vô cùng khó khăn và gian khổ. Các cuộc họp đàm phán bí mật là những trận chiến đấu hết sức quyết liệt”.
Các cuộc đấu trí giữa Cố vấn đặc biệt của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Lê Đức Thọ với đại diện phái đoàn Mỹ, cả bí mật lẫn công khai, tại Pa-ri, đã trở thành một huyền thoại trong lịch sử ngoại giao thế giới. Tại cuộc “đọ trí” chiều 8-10-1972 giữa Cố vấn Lê Đức Thọ với phái đoàn Mỹ, phía Mỹ hoàn toàn bất ngờ trước hai dự thảo, gồm “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” và “Thỏa thuận về quyền tự quyết của nhân dân miền Nam”, do Cố vấn Lê Đức Thọ đưa ra. Bản dự thảo Hiệp định này đã tạm gác nhiều vấn đề chính trị nội bộ miền Nam Việt Nam, tạm gác yêu cầu xóa bỏ chính quyền Sài Gòn và gạt Nguyễn Văn Thiệu, tạm gác bàn về bầu cử, Hiến pháp… mà tập trung giải quyết các vấn đề chính trị và quân sự liên quan Mỹ, như vấn đề Mỹ tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, ngừng bắn, Mỹ rút quân, trao trả tù binh hai bên, Mỹ chịu trách nhiệm hàn gắn vết thương chiến tranh. Một ngày sau đó, chiều 9-10-1972, phía Mỹ cũng đưa ra một dự thảo hiệp định, trong đó chấp nhận nhiều điều khoản và vấn đề đoàn Việt Nam đã nêu. Tuy nhiên, cuộc tranh luận, đàm phán vẫn diễn ra gay gắt và kéo dài trong suốt ba ngày. Đến ngày 11-10-1972, hai bên căn bản đạt thỏa thuận về các điều khoản của Hiệp định. Tiếp đó, ngày 20-10-1972, hai bên đạt thỏa thuận cuối cùng, dự định ký Hiệp định ngày 31-10-1972. Dù thỏa thuận như vậy, nhưng phía Mỹ vẫn nuôi mưu đồ thôn tính Việt Nam. Cuộc đấu trí lại tiếp tục. Hai bên họp từ ngày 20 đến 25-11-1972, Mỹ đòi sửa 69 điểm trong văn bản đã thỏa thuận ngày 20-10-1972, trong đó đòi miền Bắc cùng rút quân; biến miền Nam thành một quốc gia; giành thế hợp pháp cho chính quyền Sài Gòn, phủ nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời; giảm nhẹ cam kết của Mỹ. Trước sự lật lọng của Mỹ, Cố vấn Lê Đức Thọ đã “đập bàn” và nói thẳng với Kít-xinh-giơ, rằng đe dọa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chẳng có tác dụng gì, thiện chí của Việt Nam tiến tới hòa bình cũng chỉ có mức độ nhất định, và ta quyết không nhân nhượng thêm…
Sau này, trong hồi ký, Cố vấn an ninh của Tổng thống Mỹ H.Kít-xinh-giơ nhiều lần nhắc đến đối thủ – Cố vấn đặc biệt của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Lê Đức Thọ và thừa nhận Lê Đức Thọ, người có đôi mắt mở to và sáng, ít khi để lộ suy nghĩ, là người có phong cách đàm phán uyển chuyển, sắc sảo.
Ấm mãi tình bạn bè quốc tế
Cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam đã nhận được sự đoàn kết và ủng hộ rộng rãi chưa từng có trong lịch sử của phong trào nhân dân thế giới. Phong trào quốc tế đoàn kết với Việt Nam đã diễn ra rộng khắp trên thế giới, từ châu Á sang châu Âu và Mỹ, tạo thành một làn sóng phản chiến mạnh mẽ. Bà Hê-len Lúc, nguyên Thượng nghị sĩ, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp – Việt Nam, vui mừng được hội ngộ với những người bạn Việt Nam năm xưa. Bà kể: Lúc đó, tôi là Bí thư Thị ủy Xoa-di Lơ Roa. Cùng các bạn bè và đồng chí trong Đảng CS Pháp và nhiều nhà hoạt động Pháp, tôi đã nỗ lực hết mình để Đoàn Việt Nam, do các đồng chí Lê Đức Thọ và Xuân Thủy dẫn đầu, không những có được những điều kiện làm việc tốt nhất, mà còn cảm thấy được động viên, chia sẻ. Chúng tôi thân thiết như “người trong một gia đình”.
Trực tiếp quay những thước phim về cảnh đế quốc Mỹ dùng B52 ném bom hủy diệt Hà Nội và Hải Phòng năm 1972, nhà báo Pháp M.Ri-phô bày tỏ cảm phục ý chí kiên cường, không sợ gian khổ, hy sinh của nhân dân Việt Nam, kiên quyết đấu tranh cho đến ngày giành độc lập, thống nhất Tổ quốc. Những thước phim của bà là “bằng chứng sống” tố cáo đanh thép cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ, đồng thời giúp Việt Nam tranh thủ được sự ủng hộ của dư luận thế giới và đem lại ưu thế cho Việt Nam trên bàn đàm phán về Hiệp định Pa-ri.
Bốn mươi năm đã qua, đất nước Việt Nam hôm nay đang vững bước trên đường hội nhập quốc tế toàn diện. Hiệp định Pa-ri, tổng hòa của các thắng lợi trên chiến trường cũng như trên bàn đàm phán và trên trường quốc tế, đã tạo ra thắng lợi quyết định của các kế hoạch mà chúng ta đã đưa ra từ nhiều năm trước đó. Bản hùng ca Hiệp định Pa-ri đã tạo ra thời cơ và cục diện mới, góp phần dẫn đến đại thắng Mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Âm hưởng hào hùng của bản hùng ca chói lọi đó còn vang vọng mãi!
Theo Nhandan
Ý kiến ()