Vang mãi bài ca Người giáo viên nhân dân
Giờ học của cô và trò Trường Tiểu học I xã Thái Bình, huyện Đình Lập -Ảnh: HOÀNG TÙNG |
Nghề giáo và nghiệp làm thầy
Dân tộc ta vốn trọng cái chữ và đạo làm người; đi học không chỉ lĩnh hội tri thức mà còn để hoàn thiện nhân cách. Ngày xưa, dù nghèo, nhưng các gia đình vẫn dắt con đến thầy để xin dăm ba con chữ làm “vốn” để bước vào đời. Với vai trò là người dẫn đường, mở lối và sự uyên thâm về tri thức, trong sáng về nhân cách, người thầy giáo bao giờ cũng được tôn vinh và xếp vị trí cao trong xã hội.
Lạng Sơn là nơi có truyền thống về sự học. Theo dòng chảy của lịch sử, các thế hệ nhà giáo Lạng Sơn kế tiếp nhau đưa những “chuyến đò” qua sông, góp phần tạo dựng và vun đắp một nền văn hiến nơi cửa ngõ của Tổ quốc. Từ sau Cách mạng Tháng Tám đến nay, đội ngũ giáo viên Lạng Sơn đã không ngừng tăng về số lượng và nâng cao chất lượng, phục vụ cho sự nghiệp bảo vệ và chấn hưng đất nước. Từ con số nhỏ nhoi 304 người năm 1957, sau 60 năm, số giáo viên công lập đã lên tới 15.948 người; ngoài ra còn hàng trăm giáo viên các trường tư thục, dân lập, đáp ứng quy mô phát triển của ngành giáo dục.
Hiện nay, tỷ lệ cán bộ giáo viên các cấp vượt chuẩn đào tạo đã trên 58%, nhiều giáo viên phổ thông đã có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ; toàn ngành đã có 37 nhà giáo ưu tú, hàng ngàn chiến sĩ thi đua cấp bộ, cấp tỉnh và cấp cơ sở, hình thành một đội ngũ trí thức đông đảo. Nhiều nhà giáo đã trở thành những cán bộ chủ chốt của cấp ủy, chính quyền và các ngành, đoàn thể. Dù trên cương vị nào, các đồng chí cũng phát huy phẩm chất nhà giáo, nêu tấm gương về đạo đức, sự sáng tạo, vượt khó và phong cách gần dân. Những nhà giáo đã nghỉ hưu không chỉ uyên bác về tri thức mà còn là chỗ dựa tin cậy về nhiều mặt trong cộng đồng dân cư.
Con người bình dị, công việc lặng thầm
Hằng ngày, khi trời mới tờ mờ sáng, sương mù còn giăng đầy trong thung lũng, người dân còn chìm trong giấc ngủ, thì những thầy, cô giáo vùng cao đã lặng lẽ “cõng chữ lên non”. Cô Trần Lệ Hương, giáo viên Trường Tiểu học Hữu Liên (Hữu Lũng) bám từng mỏm đá để ngược con dốc đứng, lựa từng bước chân lần xuống lối mòn trơn trượt để vào thôn Lân Đặt – thôn đồng bào Dao hẻo lánh nhất Lạng Sơn. Trưởng thôn Triệu Phúc Thanh cho biết: Nếu các thầy, cô giáo Trường Tiểu học Hữu Liên không vào đây, chắc chắn mọi người trong thôn đều mù chữ; không biết cái chữ coi như mắt không nhìn thấy cái mới, cái miệng không biết nói lời hay; cái tay không biết làm việc tốt. Và như vậy, cuộc sống của 29 hộ dân nơi đây muôn đời vẫn nghèo khó.
Cô Lộc Thị Phấn, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú xã Mẫu Sơn (Cao Lộc) đã 9 năm vượt suối ngược đèo để “3 cùng” với đồng bào Dao, vận động con em đến lớp bán trú. Cùng với các đồng nghiệp, cô đã trở thành người mẹ thứ hai của những học sinh xa nhà. Đồng cảm với sự thiếu thốn của học sinh, cô Hoàng Thùy Linh, giáo viên Trường Mầm non xã Phú Mỹ (Văn Quan) đã đứng ra vận động bạn bè, người thân ủng hộ quần áo, tất ấm, chăn, xốp trải nền và tiền mặt hỗ trợ học sinh trị giá hàng chục triệu đồng. Cô Bế Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Châu Sơn (Đình Lập) đã vận động xã hội hóa xây dựng trường lớp và các công trình phụ trợ ở các điểm trường Khe Luồng và Nà Van – điểm trường khó khăn nhất của huyện Đình Lập, mang lại sự yên tâm cho người dân khi có con theo học. Thầy Vi Văn Hưng, Trường Tiểu học xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình tiên phong xây dựng mô hình “Trường học công viên”, tạo điểm nhấn để vận động bà con người Dao thực hiện ăn ở vệ sinh, đề phòng dịch bệnh.
Tỉnh Lạng Sơn có 63 xã khu vực 2 và 125 xã khu vực 3 với tổng số 1.125 thôn đặc biệt khó khăn và có tới 105 trường phổ thông dân tộc bán trú, trên 1.100 điểm trường lẻ. Trong điều kiện tỉnh còn nhiều khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất cho giáo dục còn thiếu thì những công việc thầm lặng hằng ngày của các thầy, cô giáo, không quản ngại khó, ngại khổ đã góp phần mang lại công bằng về giáo dục giữa các vùng miền trong tỉnh. Và mỗi năm, khi đến dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, trên bàn của các thầy, cô giáo vùng cao không có hoa và quà nhưng nhân dân luôn ghi nhớ việc làm của họ. Họ chính là những nốt nhạc làm nên bài ca Người giáo viên nhân dân và các thế hệ nhà giáo hôm nay đã, đang và sẽ tiếp thêm năng lượng cho bài ca ấy mãi vang xa.
Ý kiến ()