Thảo quả, "vàng đỏ" của đồng bào vùng cao Hà Giang. Trên chuyến xe vào huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang), ông cụ người dân tộc Nùng chỉ lên dãy Tây Côn Lĩnh mù sương, bảo với mọi người: Trên núi có vàng đỏ đấy, bán được nhiều tiền lắm, chăn trâu chăn bò không nhiều tiền bằng đâu. Vàng đỏ? Tôi giật mình hỏi. Ông cụ giải thích: quả mac hâu có mầu đỏ, sai lắm, nó mọc ra từ đất, người Trung Quốc sang mua hết.Hỏi kỹ tôi mới biết ông cụ nói về thảo quả, một đặc sản của Hoàng Su Phì. Người Nùng, người Dao, người Mông gọi loài cây này bằng nhiều tên khác nhau, nào là đò ho, tò ho, mac hâu, may mac hâu... Ban đầu cứ ngỡ thảo quả là một loại quả trên rừng, sau mới biết đó là tên của một loài cây thuộc họ gừng, thân thấp, lá bẹ, rễ mọc ngang thân hơi giống cây riềng nhưng mọc thành búi to hơn nhiều. Cây ra hoa vào mùa hè, ra quả vào mùa đông, sinh trưởng tốt trên các vùng núi mù sương có độ cao hơn 800...
Thảo quả, “vàng đỏ” của đồng bào vùng cao Hà Giang. |
Trên chuyến xe vào huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang), ông cụ người dân tộc Nùng chỉ lên dãy Tây Côn Lĩnh mù sương, bảo với mọi người: Trên núi có vàng đỏ đấy, bán được nhiều tiền lắm, chăn trâu chăn bò không nhiều tiền bằng đâu. Vàng đỏ? Tôi giật mình hỏi. Ông cụ giải thích: quả mac hâu có mầu đỏ, sai lắm, nó mọc ra từ đất, người Trung Quốc sang mua hết.
Hỏi kỹ tôi mới biết ông cụ nói về thảo quả, một đặc sản của Hoàng Su Phì. Người Nùng, người Dao, người Mông gọi loài cây này bằng nhiều tên khác nhau, nào là đò ho, tò ho, mac hâu, may mac hâu… Ban đầu cứ ngỡ thảo quả là một loại quả trên rừng, sau mới biết đó là tên của một loài cây thuộc họ gừng, thân thấp, lá bẹ, rễ mọc ngang thân hơi giống cây riềng nhưng mọc thành búi to hơn nhiều. Cây ra hoa vào mùa hè, ra quả vào mùa đông, sinh trưởng tốt trên các vùng núi mù sương có độ cao hơn 800 m, khí hậu mát lạnh và phải dưới tán rừng nguyên sinh. Quả mọc thành chùm như quả cọ, có hình tròn hoặc hình nón, mầu đỏ thẫm, bên trong quả có nhiều hạt hình tháp ép vào nhau, hương vị cay đặc biệt, được dùng để làm gia vị hoặc chế thành thuốc đông y.
Nói về thảo quả, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Trần Công Bằng chỉ lên rặng núi phía bắc: Trên đó là xã Hồ Thầu, nhiều thảo quả lắm. Đường lên Hồ Thầu khúc khuỷu men theo vách núi, bên dưới là ruộng bậc thang, tầng tầng, lớp lớp. Tuy nhiên, những thửa ruộng bậc thang ở đây chỉ trồng được ngũ cốc một vụ, không mong gì làm giàu cho người nông dân. Thảo quả ở Hồ Thầu được trồng nhiều trên sườn núi Chiêu Lầu Thi, nơi có đỉnh cao nhất hơn 2.400 m. Theo tiếng Dao, Chiêu Lầu Thi là “chín bậc thang”, còn Hồ Thầu có nghĩa là “đầu nguồn nước”. Trên đó, không khí trong veo, mây mù bao phủ gần như quanh năm, lý tưởng cho loài thảo quả sinh sôi, nảy nở. Nương thảo quả cao nhất xã nằm trong rừng nguyên sinh, có độ cao hơn 2.200 m so mực nước biển. Bí thư Đảng ủy xã Triệu Sành Quấy phấn khởi nói: Cả tám thôn bản ở Hồ Thầu đều trồng thảo quả, vụ trước bán được 49 tấn thảo quả tươi, bình quân 20 nghìn đồng/kg. Thời điểm giá cao có lúc lên đến 28.000 đồng/kg. Xã Hồ Thầu chủ yếu là người Dao, còn lại là người Nùng và người Mông. Anh Phùng Thanh Quân, một nông dân nổi tiếng khắp vùng vì có hơn mười ha thảo quả trồng tập trung. Chỉ riêng tiền bán cây giống anh đã thu được hơn 50 triệu đồng. Anh Quân ở suốt trên rừng già để trông coi chăm sóc nương rẫy. Từ trung tâm xã đến nương thảo quả xa nhất của anh đi mất hơn nửa ngày đường. Còn anh Vương Văn Thảo, không những chăm sóc gần chục ha thảo quả, mà còn mua cả xe tải để kinh doanh mặt hàng này. Phong trào làm giàu từ thảo quả lan khắp Hồ Thầu, có những hộ thu tới hàng trăm triệu đồng từ loại cây này như gia đình ông Lê Văn Thảo, ông Phượng Chòi Chìu, ông Bàn Văn Đằng… Thảo quả còn có công dụng “giữ rừng”, do các khu vực có thảo quả đều là rừng nguyên sinh, mà muốn có ánh sáng tán xạ thì cần giữ được cây lớn, cho nên người dân ở đây tự nguyện bảo vệ rừng. Họ còn nuôi lợn rừng và gà đen trong các nương thảo quả để có thêm thu nhập.
Cách Hồ Thầu khoảng 40 km là xã Đản Ván, nằm lưng chừng dãy núi Tây Côn Lĩnh, cách biên giới Việt-Trung vài giờ đi bộ. Địa hình ở đây vô cùng hiểm trở. Để tạo ra mặt bằng khoảng 200 m2, Nhà nước phải đầu tư khoảng 25 tỷ đồng để xây những bức kè bê-tông cao. Chủ tịch xã Lộc Đức Dăm hào hứng cho biết: Diện tích thảo quả của Đản Ván tăng từ 50 ha năm 2005 lên 130 ha năm 2012. Tuy nhiên, do giống bản địa cho quả nhỏ, cho nên bà con thường lấy giống từ nước ngoài về trồng, cho năng suất cao hơn. Gia đình ông Sèn Seo Pha, dân tộc Nùng ở thôn Lủng Nàng, trồng được 15 ha trong khu rừng già của thôn. Mỗi năm ông thu về mấy chục triệu đồng, một khoản thu nhập mơ ước của đồng bào vùng cao này. Trồng thảo quả khá dễ dàng, thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, lại không tốn công chăm sóc, không cần bón phân, chỉ cần phát quang vài lần là xong. Vất vả nhất có lẽ là lúc thu hoạch, người dân phải vận chuyển thảo quả xuống dốc đứng bằng gùi cho đến chỗ xe máy có thể lên được, rồi đưa về trung tâm xã để bán cho thương lái.
Thảo quả thật sự trở thành loại cây lợi thế của huyện Hoàng Su Phì, liên tục được đầu tư, mở rộng diện tích. Đến nay, có 17 trong tổng số 25 xã của toàn huyện trồng thảo quả. Các xã có diện tích thảo quả lớn nhất là Túng Sán, Hồ Thầu, Nam Sơn, Thèn Chu Phìn, Nậm Ty. Trong hai năm 2011 – 2012, hơn 240 ha thảo quả được trồng mới, nâng tổng diện tích cây thảo quả toàn huyện lên 1.235 ha, trong đó, hơn 440 ha đã cho thu hoạch. Sản lượng năm 2011 đạt 340 tấn, cho thu nhập hơn tám tỷ đồng. Tỉnh và huyện hỗ trợ giống ban đầu theo Đề án phát triển cây dược liệu giai đoạn 2011-2015 của Hà Giang, sau này người dân tự tìm mua cây giống. Để tăng năng suất, người dân đã chuyển từ phương thức gieo hạt để cây mọc tự nhiên sang dùng giống thảo quả lai. Một số hộ còn xây những lò sấy để bán thảo quả khô với giá từ 80 đến 120 nghìn đồng/kg. Về đến Hà Nội, mặt hàng này có giá gấp đôi.
Không chỉ Hoàng Su Phì mà nhiều địa phương khác ở các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái đua nhau phát triển cây thảo quả, đưa tổng diện tích trồng loại cây này lên hơn 15 nghìn ha. Điều khiến nhiều người lo ngại là thị trường tiêu thụ hiện chủ yếu phụ thuộc vào kênh xuất khẩu sang nước bạn. Trong khi đó, nước ta chưa có cơ sở chế biến dược liệu từ thảo quả. Vì vậy, để bảo đảm cho sản phẩm thảo quả có đầu ra ổn định, đã đến lúc tính đến việc đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến tại chỗ, song song với tìm kiếm các thị trường mới, từng bước phát triển thương hiệu thảo quả Việt Nam.
Ngắm những người nông dân miền núi tươi cười thu hoạch “vàng đỏ” trên đỉnh Chiêu Lầu Thi và Tây Côn Lĩnh, càng cảm nhận rõ hơn giá trị của “rừng vàng” trên mảnh đất biên thùy.
Theo Nhandan
Ý kiến ()