Vẫn tranh luận việc nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi
Thảo luận về nội dung nâng độ tuổi trẻ em từ 16 lên dưới 18 tuổi trong dự án Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em (sửa đổi) ngày 23-11, nhiều ý kiến đại biểu nhất trí cho là phù hợp với công ước quốc tế về quyền trẻ em và sẽ mở rộng được phạm vi áp dụng quyền trẻ em; tuy nhiên, có ý kiến lại cho rằng nhóm tuổi này sẽ vướng quy định của một số bộ luật đang hiện hành.
Lứa tuổi ăn chưa no, lo chưa tới
Thống nhất với việc dự thảo luật nâng độ tuổi trẻ em từ dưới 16 tuổi lên dưới 18 tuổi, đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) cho rằng, việc nâng độ tuổi như vậy phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em với hội nhập quốc tế mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1990.
Theo đại biểu Lưu Thị Huyền, về mặt khoa học khi con người ở giai đoạn từ 16 đến dưới 18 là người chưa thành niên, chưa phát triển đầy đủ về nhận thức, sức khỏe, chưa đủ các điều kiện cần thiết để trở thành người lớn và chưa hoàn thiện về thể chất và tinh thần; đặc biệt, về mặt nhận thức xã hội và ý thức của bản thân. Mặt khác, đại biểu Huyền cho rằng, việc nâng độ tuổi như vậy thì đối tượng hưởng lợi chính là trẻ em do các chính sách ưu đãi dành cho trẻ em chưa thành niên trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội.
“Như vậy, việc mở rộng phạm vi bảo đảm quyền, các chính sách đối với người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi là trọng tâm của tiến bộ xã hội. Nếu tăng độ tuổi trẻ em dưới 18 tuổi thì dân số trẻ em là 30,3 triệu, chiếm 34%. Việc tăng tỷ lệ dân số trẻ em không làm ảnh hưởng đến hệ thống chính sách và nguồn ngân sách cho y tế, giáo dục trợ giúp xã hội hiện nay” – đại biểu Lưu Thị Huyền nói.
Cũng nhất trí nâng độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi, đại biểu Vũ Thị Hương Sen (Hải Dương) khẳng định, “việc nâng độ tuổi sẽ có ý nghĩa đối với những trẻ em cần sự bảo vệ đặc biệt gồm trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em khuyết tật, trẻ nhiễm HIV”. Hơn nữa, theo đại biểu Hương Sen, đối với nhóm trẻ em vi phạm pháp luật việc nâng độ tuổi trẻ em sẽ tạo điều kiện để người chưa thành niên vi phạm pháp luật từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phòng ngừa, can thiệp sớm, tái hòa nhập cộng đồng.
Đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) cho rằng, đến thời điểm này mới điều chỉnh tuổi trẻ em từ dưới 16 lên dưới 18 đã là muộn. Cho dù trong thực tế hiện nay các em có vi phạm pháp luật, dù các em có phải “làm mẹ” ngay trong độ tuổi trẻ em thì tất cả các em vẫn cần được bảo vệ bởi các em đang ở độ tuổi ăn-chưa-no, lo-chưa-tới.
“Cho dù có phải tốn kém để điều chỉnh các bộ luật, hay có phải tiết kiệm các nguồn chi khác để có nguồn lực cho việc bảo đảm các quyền của trẻ em thì cũng là việc nên làm, phải làm vì thế hệ tương lai của đất nước” – đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn quả quyết.
Cũng khẳng định việc nâng độ tuổi là cần thiết, đó là quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi – vừa bảo đảm quyền trẻ em, vừa tuân thủ Công ước quốc tế về quyền trẻ em – đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) phân tích, nói đến trẻ em là nói đến nguồn nhân lực của tương lai và việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em là tạo nguồn nhân lực, tạo nên sự phát triển bền vững cho ngày mai. Vì vậy, trẻ em cần được giáo dục, chăm sóc đặc biệt.
“Quy định như vậy là phù hợp với Công ước về quyền trẻ em và các Điều ước quốc tế mà nước ta là quốc gia thành viên và phê chuẩn” – đại biểu Tô Văn Tám nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đại biểu Tô Văn Tám lưu ý, cần phải phân tích làm rõ hơn cơ sở của việc “không ảnh hưởng” đến khái niệm người lao động chưa thành niên trong Bộ Luật Lao động, không ảnh hưởng đến quy định trong Bộ Luật Hình sự về độ tuổi của người chưa thành niên chịu trách nhiệm hình sự, về độ tuổi bị xử lý vi phạm hành chính.
Từ 16 đến 18 tuổi là thanh niên nhưng chưa thành niên…
Bên cạnh đó, một số đại biểu lại tỏ ra không đồng tình với dự thảo Luật nâng độ tuổi quy định trẻ em lên dưới 18, theo đại biểu Triệu thị Thu Phương (Bắc Cạn), việc luật hiện hành quy định độ tuổi trẻ em từ dưới 16 tuổi so với Công ước quốc tế là không trái. Vì theo Điều 1 Công ước quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi trừ trường hợp luật pháp áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi trưởng thành sớm hơn. Do đó, quy định này hoàn toàn mở, không bị bó buộc.
Đại biểu Triệu Thị Thu Phương phân tích, quy định độ tuổi trẻ em ở các văn bản pháp luật hiện hành đều “có độ vênh”, quy định độ tuổi khác nhau dẫn tới việc hiểu khái niệm trẻ em rất khó. Cụ thể, Điều 37 Hiến pháp năm 2013 cũng không quy định độ tuổi của trẻ em mà chỉ quy định quyền của trẻ em là trẻ em được nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được tham gia vào các vấn đề về trẻ em, nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.
Trong khi Bộ Luật Lao động quy định người từ đủ 15 tuổi trở lên được ký kết hợp đồng lao động, Luật Thanh niên quy định thanh niên là công dân từ đủ 16 đến 30 tuổi thì khi nào gọi là thanh niên và khi nào gọi là trẻ em nếu người đó từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi. Và Luật Hôn nhân và Gia đình đã hạ độ tuổi phải hỏi ý kiến trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên thay vì luật cũ là từ đủ 9 tuổi trở lên, tuổi kết hôn của nữ là 18 tuổi nếu trẻ em là người dưới 18 tuổi thì chưa phù hợp với trẻ em gái do vừa hết quyền trẻ em đã phải làm người lớn, làm vợ, làm mẹ. Mặt khác, những đối tượng phạm tội hiếp dâm, giao cấu, cưỡng dâm với đối tượng là người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi lại không coi là hiếp dâm trẻ em. Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) quy định cụ thể các tội danh mà người chưa thành niên là từ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự. “Vậy việc tăng độ tuổi cho trẻ em lên dưới 18 là không nên” – đại biểu Triệu Thị Thu Phương đề nghị
Đề nghị không tăng độ tuổi trẻ em mà giữ như quy định trước đây, đó là trẻ em là người dưới 16 tuổi, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng, chúng ta đã có các luật quy định quyền của nhóm tuổi cho đủ 16 tuổi đến 18 tuổi được ưu tiên hơn người thành niên như Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Dân sự, Luật Lao động, Luật Hôn nhân và Gia đình và đặc biệt là Luật Thanh niên.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, trong những năm gần đây, tình hình phạm tội bạo lực học đường, xuống cấp đạo đức của người chưa thành niên tăng lên, gây bức xúc trong dư luận và lo lắng của các bậc phụ huynh. Để nhóm tuổi 16 đến 18 trở nên tốt hơn, các chính sách bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ dưới 16 tuổi cần được thực hiện tốt hơn nữa. Bên cạnh đó, việc bồi dưỡng giáo dục trẻ vị thành niên có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và xã hội, không nhất thiết luật nâng độ tuổi trẻ em lên 18 thì các em sẽ tốt hơn.
“Để tạo điều kiện cho các em nhóm tuổi 16 đến dưới 18 phát triển toàn diện chúng ta cần tập trung làm tốt các chính sách đã ban hành về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ dưới 16 tuổi. Tiếp tục bổ sung kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng sống, đào tạo việc làm để các em vị thành niên phát triển toàn diện. Nên xem các em 16 đến 18 tuổi là thanh-niên nhưng chưa-thành-niên để các em sớm biết tự lập, tự chịu trách nhiệm với bản thân, không nên xem các em là trẻ em” – đại biểu Nguyễn Văn Cảnh kiến nghị.
Theo Nhandan.org.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()