Vân Thủy: Tăng thu từ trồng thông
– Những năm qua, người dân xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng đã tập trung phát triển lâm nghiệp, trong đó mũi nhọn là phát triển cây thông. Hướng đi này đã mang lại hiệu quả cao, giúp nhiều hộ dân trên địa bàn xã có thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu.
Là một trong những hộ có thu nhập cao từ trồng thông, ông Hoàng Văn Phong, thôn Nà Pất phấn khởi cho biết: Nhận thấy cây thông có nhiều ưu điểm, phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã, năm 2000, gia đình tôi đầu tư trồng 1 ha thông. Trong quá trình trồng và chăm sóc, nhận thấy cây phát triển tốt nên gia đình tôi tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích lên 6 ha thông. Năm 2015, gia đình tôi bắt đầu khai thác nhựa, trung bình mỗi năm cho thu được từ 5 đến 6 tấn nhựa thông, đem lại thu nhập gần 150 triệu đồng/năm. Năm 2020, gia đình tôi bán 5 ha cây thông đã già, cho ít nhựa với giá 330 triệu đồng.
Người dân thôn Nà Pất khai thác nhựa thông
Tương tự gia đình ông Phong, ông Kiềng Văn Sương, thôn Bản Dù cho biết: So với các cây trồng khác như: keo, bạch đàn thì cây thông phù hợp với điều kiện tự nhiên ở đây hơn. Năm 2000, tôi đầu tư trồng hơn 4 ha thông. Năm 2015, cây thông đến tuổi cho khai thác, gia đình tôi chọn lọc khai thác nhựa trên 2 ha. Trung bình mỗi năm, tôi thu được 4 đến 5 tấn nhựa, với giá bán từ 30.000 đến 38.000 đồng/kg. Riêng nhựa thông đã đem lại thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm, chưa kể tiền bán gỗ sau khi cây đã già.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cây thông đã được người dân xã Vân Thủy đưa vào trồng cách đây khoảng 20 năm. Trước nhu cầu ngày càng cao của thị trường và hiệu quả kinh tế thiết thực từ trồng thông, từ năm 2011 trở lại đây, phong trào trồng thông phát triển mạnh. Hiện nay, toàn xã có 557 hộ thì có đến 80% hộ trồng thông tại 4/4 thôn, hộ trồng ít có 1 ha, hộ trồng nhiều lên tới 10 ha.
Ông Hoàng Văn Phách, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vân Thủy cho biết: Xác định thông là cây trồng chủ lực, là giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền xã đã quan tâm định hướng, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ người dân. Để khuyến khích người dân phát triển và mở rộng diện tích trồng thông, mỗi năm, UBND xã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện tổ chức từ 2 đến 4 lớp tập huấn cho bà con về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây thông. Đồng thời, chỉ đạo sát sao các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác hướng dẫn, tạo điều kiện giúp người dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế rừng, trong đó có cây thông. Từ năm 2016 đến nay, toàn xã có 200 hộ dân được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để trồng và chăm sóc thông với tổng dư nợ trên 11 tỷ đồng. Không chỉ chú trọng phát triển rừng theo số lượng, chính quyền xã còn phối hợp với cơ quan chuyên môn kiểm tra chất lượng trồng thông; hướng dẫn người cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.
Từ định hướng của xã và sự chủ động của người dân, diện tích rừng trồng mới hằng năm trên địa bàn xã ngày càng tăng. Riêng năm 2021, toàn xã trồng mới 30 ha, nâng tổng diện tích trồng thông trên địa bàn xã lên 1.200 ha, trong đó, hơn 700 ha đang cho thu hoạch nhựa. Từ năm 2019 đến nay, trung bình một năm, sản lượng khai thác nhựa toàn xã đạt trên 100 tấn, đem lại doanh thu khoảng 3 tỷ đồng. Hiện nay, 70% hộ dân trên địa bàn xã phát triển kinh tế từ rừng thông. Trung bình các hộ dân thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng/năm; hộ có diện tích lớn hơn có thể thu nhập từ trên 200 đến 300 triệu đồng/năm từ việc khai thác, thu hoạch nhựa và gỗ thông.
Hiệu quả kinh tế từ cây thông đã và đang giúp nhiều người dân trên địa bàn xã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Nhờ thông, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã. Nếu như năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt 12 triệu đồng/người/năm thì đến nay đạt 29 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 8,98% (giảm 23,5% so với năm 2016).
Ý kiến ()