Vạn Thủy: Lưu giữ mãi sắc chàm
–Với một màu chàm đơn giản, không thêu thùa trang trí, áo chàm – trang phục truyền thống của người dân tộc Nùng ở xã Vạn Thuỷ, huyện Bắc Sơn mang nét đẹp giản dị, mộc mạc, được cắt may đơn giản từ tấm vải chàm do bàn tay của người phụ nữ làm nên. Trải qua thăng trầm của thời gian, áo chàm vẫn giữ được nét đẹp riêng có, được người dân trên địa bàn xã Vạn Thuỷ bảo tồn và phát huy.
Người dân tộc Nùng chỉnh sửa trang phục cho nhau
Vạn Thủy là xã vùng III của huyện Bắc Sơn với gần 400 hộ, trên 1.700 nhân khẩu, gồm 4 dân tộc Nùng, Tày, Kinh, Dao cùng chung sống, trong đó người Nùng chiếm đến 48% dân số của xã (gồm Nùng Cháo và Nùng Phàn Slình). Người dân tộc Nùng đã sinh sống ở đây từ lâu đời với nhiều nét văn hóa đặc sắc từ ẩm thực đến phong tục tập quán, đặc biệt là gìn giữ trang phục truyền thống.
Theo cán bộ văn hóa xã, chúng tôi đến thôn Nà Thí gặp bà Hoàng Thị Niệm, 60 tuổi, một trong những người đang lưu giữ cách nhuộm chàm. Bà Niệm cho biết: Ngay từ khi còn nhỏ tôi đã thường xuyên mặc áo chàm trong lao động, sản xuất hằng ngày. Đến tuổi 15 – 16, tôi được các bà, các mẹ truyền lại bí quyết để thành thạo cách ủ chàm, nhuộm vải. Xưa kia việc nhuộm chàm được thực hiện tỉ mỉ ra sao thì đến nay, tôi vẫn giữ nguyên cách nhuộm mà thế hệ đi trước đã truyền dạy. Hằng năm, tôi đều tự trồng cây chàm để phục vụ cho việc nhuộm vải, may trang phục cho các con, các cháu trong gia đình.
Bà Niệm cho chúng tôi biết thêm: Một bộ trang phục truyền thống của người Nùng gồm khăn, thắt lưng, áo dài và quần (cho nữ), còn nam thì chỉ có áo dài. Để có được một bộ áo chàm phải trải qua nhiều công đoạn rất tỉ mỉ, từ trồng, thu hoạch cây chàm đến nhuộm, phơi, may áo. Muốn nhuộm 10 m vải thì cần đến 5kg cây chàm, công đoạn ngâm, vắt, phơi cứ lặp đi lặp lại trong suốt 4 lần nhuộm. Nếu thời tiết thuận lợi, nắng đẹp thì chỉ cần phơi vải chàm dưới nắng từ 10 đến 15 ngày, còn nếu có mưa thì công đoạn này kéo dài cả một tháng. Sau khi được phơi nắng, tấm vải trở thành màu xanh lam đậm thì mới có thể dùng để may thành quần áo, khăn, mũ đội đầu, túi đựng…
Được trực tiếp quan sát thao tác nhuộm vải chàm của bà Niệm, chúng tôi nhận thấy nhuộm chàm thủ công là một quy trình đòi hỏi sự kiên nhẫn, bền bỉ của người phụ nữ dân tộc Nùng. Từ sự công phu, tỉ mỉ đó mà những tấm vải làm ra đều bền, đẹp, có màu chàm tươi xanh, vải chàm mặc rất mát và sạch sẽ, không gây ngứa hay kích ứng da và rất bền màu. Trong suốt mùa nhuộm vải, bàn tay của người phụ nữ Nùng cũng xanh theo màu chàm.
Lưu giữ việc nhuộm chàm thủ công thay cho các sản phẩm vải chàm công nghiệp là một giải pháp lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa đối với trang phục dân tộc của người Nùng xã Vạn Thuỷ. Được biết, trong những năm qua, việc bảo tồn, phát huy giá trị trang phục áo chàm đã được chính quyền và người dân, nhất là thế hệ trẻ trên địa bàn xã quan tâm. Hiện, toàn xã có khoảng 80% người dân tộc Nùng đều có ít nhất một bộ trang phục dân tộc, trong đó có khoảng 20% người biết nhuộm vải chàm. Hằng năm, vào các dịp lễ như hội Bản Cầm (6/1 âm lịch); ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc… thậm chí trong ngày cưới, cô dâu và chú rể là người dân tộc Nùng cũng sẽ chọn áo chàm làm áo cưới.
Chị Nguyễn Diệu Linh, 27 tuổi, thôn Bản Cầm chia sẻ: Tôi là người dân tộc Nùng. Mỗi thành viên trong gia đình tôi đều có ít nhất một bộ trang phục dân tộc. Hằng năm, các thành viên trong gia đình tôi thường mặc áo chàm vào các dịp lễ, tết. Tôi rất tự hào về trang phục truyền thống của dân tộc mình, vì vậy trong ngày cưới của mình, vợ chồng tôi đã quyết định mặc áo chàm làm áo cưới, qua đó góp phần gìn giữ, bảo tồn nét đẹp văn hoá của dân tộc mình.
Cùng với người dân, cấp ủy, chính quyền nơi đây luôn chú trọng tới việc bảo tồn nghề nhuộm chàm cũng như lưu giữ, phát huy trang phục truyền thống. Ông Lưu Văn Hòa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để nghề nhuộm chàm và trang phục áo chàm không bị mai một, cấp ủy, chính quyền đã tích cực động viên, khuyến khích người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ học cách nhuộm chàm; đưa quy định mặc áo dân tộc trong ngày lễ, tết, vào quy ước, hương ước của thôn; phối hợp với Phòng Văn hoá – Thông tin huyện tiến hành khảo sát, đánh giá và đề ra các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy trang phục dân tộc Nùng cũng như cách nhuộm chàm như: tích cực tuyên truyền người dân lưu giữ cách nhuộm chàm; khuyến khích các trường học vận động phụ huynh may trang phục dân tộc cho con mặc đến trường và các ngày lễ, đồng thời đưa nội dung về trang phục truyền thống dân tộc Nùng nói riêng, các dân tộc khác nói chung vào các tiết học để học sinh thêm yêu quý trang phục của dân tộc mình… Hằng năm, chúng tôi đều tổ chức các hoạt động lồng ghép mặc trang phục dân tộc gắn với hát sli vào các ngày lễ hội, ngày hội văn hóa các dân tộc trên địa bàn.
Bà Đỗ Thanh Loan, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện cho biết: Xã Vạn Thủy là một trong những nơi làm tốt việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trang phục truyền thống của người dân tộc Nùng Cháo, Nùng Phàn Slình. Để trang phục dân tộc Nùng tiếp tục được lưu giữ, phát huy, phòng đã tham mưu cho UBND huyện triển khai kế hoạch thực hiện Đề án phát triển du lịch huyện Bắc Sơn giai đoạn 2021 – 2025, trong đó khai thác sản phẩm du lịch gắn với các nghề thủ công truyền thống là hoạt động nhuộm chàm của người dân tộc Nùng xã Vạn Thủy; phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về tầm quan trọng của việc bảo tồn giá trị văn hóa trang phục. Thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn nữa các nội dung, đề án về việc bảo tồn, phát huy giá trị trang phục các dân tộc nói chung, dân tộc Nùng nói riêng.
Đến xã Vạn Thuỷ, chúng tôi dễ dàng thấy những luống chàm tốt tươi được trồng trên sườn đồi, trong vườn nhà hay ở nương rẫy của người dân. Có thể thấy, ngày nay, dẫu có nhiều loại thuốc nhuộm vải công nghiệp, thuốc nhuộm vải chàm bán sẵn, thế nhưng người dân tộc Nùng xã Vạn Thuỷ vẫn lựa chọn tự nhuộm chàm theo cách thủ công từ bao đời nay để lưu giữ nét đẹp của dân tộc và truyền dạy cho thế hệ nối tiếp.
DƯƠNG KIM
Ý kiến ()