Vận tải đường sắt thúc đẩy thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu
Tính đến ngày 21/8, đã có tổng cộng 10.000 chuyến tàu được vận hành giữa Trung Quốc và châu Âu, vận chuyển 972.000 TEU* , tăng 5% so cùng kỳ năm ngoái, với tỷ lệ lấp đầy hàng hóa đạt 98,4%.
Chuyến tàu chở hàng khởi hành từ thành phố Liễu Châu, Quảng Tây, Trung Quốc đến Moskva, Nga. (Ảnh: Nhân dân nhật báo) |
Báo chí Trung Quốc dẫn lời đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Đường sắt quốc gia Trung Quốc cho biết, từ đầu năm đến nay, đường sắt giữa nước này và châu Âu được thúc đẩy tích cực và phát triển với chất lượng cao, góp phần hình thành kênh logistics quốc tế khối lượng lớn, xanh và carbon thấp, vận hành thông suốt, an toàn trong mọi điều kiện thời tiết, từ đó bảo đảm sự ổn định và thông suốt của chuỗi công nghiệp và cung ứng toàn cầu.
Năm nay, đã có thêm các tuyến vận tải kết hợp đường sắt và đường biển được mở ra giữa các thành phố Tây An, Trùng Khánh (Trung Quốc) với Constanta (Romania) qua Biển Đen và Biển Caspi.
Đáng chú ý, đường sắt Trung Quốc-châu Âu còn kết nối với tuyến đường phía tây giữa Trung Quốc và các nước ASEAN và tuyến đường sắt vận tải hàng hóa Trung Quốc-Lào, hình thành mạng lưới liên vận thương mại hàng hóa thông suốt, hiệu quả và mở rộng ra nhiều hướng.
Với sự nỗ lực của ngành đường sắt, vận chuyển hàng hóa cân bằng hai chiều đã được cải thiện rõ rệt, với tỷ lệ hàng hóa chiều về từ châu Âu sang Trung Quốc bằng 88% chiều đi. Năng lực hạ tầng kết nối đồng bộ với các quốc gia dọc tuyến đường sắt cũng được nâng lên, khiến khả năng chuyên chở hàng hóa bình quân các tuyến phía tây, trung và đông của đường sắt Trung Quốc-châu Âu lần lượt tăng 20,7%, 15,2% và 41,3% so năm 2020.
Được biết, hiện nay, mạng lưới đường sắt giữa Trung Quốc và châu Âu đã vận hành 82 tuyến, kết nối Trung Quốc với 200 thành phố của 24 quốc gia châu Âu, cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa bao phủ toàn bộ châu Âu, với hơn 50.000 sản phẩm thuộc 53 nhóm hàng hóa như: hàng dệt may, giày dép, mũ, ô-tô và phụ tùng, lương thực, đồ gỗ…
Ý kiến ()