Văn Quan trên chặng đường giảm nghèo
(LSO) – Văn Quan là 1 trong 3 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất trên địa bàn tỉnh. Năm 2018, Văn Quan được bổ sung vào danh sách huyện nghèo thụ hưởng chương trình 30a của Chính phủ. Nhiều năm qua, nhờ thực hiện hiệu quả các chương trình giảm nghèo nên bộ mặt nông thôn và đời sống nhân dân nơi đây đã có nhiều khởi sắc.
Văn Quan có 23 xã và 1 thị trấn với 188 thôn, khu phố, trong đó có 18 xã vùng III và 9 thôn đặc biệt khó khăn của các xã vùng II. Điều kiện tự nhiên nơi đây không mấy thuận lợi do hệ thống sông, suối trên địa bàn khá dày đặc, địa hình bị chia cắt bởi các dãy núi. Mặt khác, hạ tầng giao thông còn hạn chế, chưa có tính liên kết cao giữa các vùng. Cùng với đó, trình độ dân trí còn hạn chế, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, chỉ chiếm 46%.
Ông Đổng Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Quan cho biết: Văn Quan là huyện nghèo, có điểm xuất phát thấp, quy mô kinh tế nhỏ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, dịch vụ nhỏ lẻ, chậm phát triển; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn… Năm 2012, toàn huyện có 5.939 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 45,3%.
Đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, nâng cấp tuyến đường liên xã trên địa bàn huyện Văn Quan
Trước thực trạng đó, huyện Văn Quan xác định đầu tư hạ tầng thiết yếu để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Trong giai đoạn 2012 – 2018, nguồn vốn thực hiện chương trình 135 trên địa bàn huyện là trên 145,5 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, huyện đã phân bổ, đầu tư xây dựng mới, tu bổ, sửa chữa và chuyển tiếp 154 công trình hạ tầng, qua đó góp phần tạo điều kiện cho nhân dân trên địa bàn được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ cơ bản nhất.
Không chỉ chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, huyện Văn Quan còn xác định giảm nghèo từ các mô hình, dự án phát triển sản xuất. Năm 2012, huyện đã xây dựng Dự án nhân rộng mô hình chăn nuôi lợn nái cho 35 hộ nghèo của xã Tràng Phái, tổng kinh phí thực hiện là 250 triệu đồng do ngân sách trung ương hỗ trợ. Sau 2 năm thực hiện mô hình, số hộ nghèo giảm 33 hộ/35 hộ tham gia, đạt 94,28% mục tiêu đề ra.
Ông Hoàng Văn Luân, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội – Dân tộc huyện Văn Quan cho biết: Tổng kinh phí phân bổ cho thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn huyện Văn Quan từ năm 2016 – 2018 là trên 17 tỷ đồng từ ngân sách trung ương. Theo đó, đã có 10.657 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được hỗ trợ.
Năm 2018, khi huyện Văn Quan được Chính phủ phê duyệt bổ sung vào danh sách các huyện nghèo theo chương trình 30a, huyện có thêm nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế với kinh phí trên 3,3 tỷ đồng, thực hiện 11 dự án/10 xã. Theo đó, khi triển khai đã có 655 hộ tham gia thực hiện, dự án hỗ trợ giống cây trồng và vật tư phân bón. Cùng với đó, năm 2018, huyện được phân bổ 500 triệu đồng để thực hiện 2 mô hình nhân rộng giảm nghèo về hỗ trợ giống cây trồng và vật nuôi cho 53 hộ tại 2 xã trên địa bàn huyện.
Với những nỗ lực trong thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, thời gian qua, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đã giảm rõ rệt, đến cuối năm 2018 còn 3.512 hộ nghèo, chiếm 25,65% (theo chuẩn nghèo mới đa chiều). Thu nhập bình quân đầu người/năm từ 11,44 triệu đồng (năm 2012) đã tăng lên 23,8 triệu đồng (năm 2018). Riêng năm 2018, tỷ lệ giảm nghèo của huyện đạt 5,56%, cao hơn mức giảm 4% đối với các huyện nghèo của tỉnh cũng như trong toàn quốc.
Tuy kết quả giảm nghèo đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, hộ thoát nghèo nhiều nhưng chưa bền vững, số hộ tái nghèo vẫn còn. Chính vì vậy, năm 2019 và những năm tiếp theo, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về các chính sách, chương trình giảm nghèo để người dân tự chủ, tự lực vươn lên thoát nghèo.
Ông Nguyễn Đình Đại, Bí thư Huyện uỷ cho biết: Huyện uỷ đã có nghị quyết phát triển các cây, con chủ lực, trong đó tập trung thành 4 nhóm gồm: rau, gỗ, cây công nghiệp và cây dược liệu. Chúng tôi mong muốn thời gian tới, Chính phủ điều chỉnh chính sách cho phù hợp, cần giảm đầu tư trực tiếp, thay vào đó là hỗ trợ có điều kiện và hỗ trợ có thời hạn. Đồng thời cũng xác định gắn công tác giảm nghèo với phát triển kinh tế, không chỉ hỗ trợ hộ nghèo mà phải hỗ trợ các hộ có khả năng làm kinh tế giỏi để hình thành các mô hình sản xuất hiệu quả và nhân rộng.
Từ một huyện điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, qua gần 7 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Văn Quan đã có những bứt phá đáng ghi nhận. Đây sẽ là tiền đề để huyện tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình này trong 2 năm cuối của giai đoạn 2016 – 2020.
THANH HUYỀN - DƯƠNG KIM
Ý kiến ()