Văn Quan: Quan tâm mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất
(LSO) – Trong xây dựng nông thôn mới, cùng với thực hiện các tiêu chí, việc thực hiện mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất được huyện Văn Quan chú trọng. Qua đó, các mô hình được triển khai thực hiện hiệu quả.
Những ngày đầu tháng 9 này, chúng tôi đến thôn Khòn Háo, xã Văn An, hai bên đường trục thôn, những ruộng trồng cây nghệ đen cao ngang tầm mắt. Ông Phùng Văn An đang chăm sóc ruộng nghệ cho biết: Gia đình tôi trồng 2 sào nghệ đen, từ khi trồng đến nay, tôi được hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch. Hiện nay, cây nghệ sinh trưởng, phát triển tốt và sẽ cho thu hoạch vào tháng 12 dương lịch. Đặc biệt, tôi ký hợp đồng bán sản phẩm với Hợp tác xã Hợp Thịnh (Cao Lộc) với giá tối thiểu 7.000 đồng/kg nghệ tươi. Qua đó, góp phần tạo đầu ra ổn định cho cây nghệ, tránh bị tư thương ép giá.
Không chỉ riêng gia đình ông An, nhiều ruộng trồng nghệ khác của các hộ dân trong thôn Khòn Háo cũng phát triển tốt, như các hộ ông Triệu Văn Cảnh, Triệu Văn Cút,… Theo người dân trồng nghệ, dự tính mỗi sào đạt khoảng 1,8 – 2 tấn nghệ tươi, thu đạt từ 12 triệu đồng đến 14 triệu đồng/sào (theo mức giá tối thiểu ký hợp đồng bao tiêu với hợp tác xã). Với mức thu nhập như vậy, nhiều người dân cho biết sẽ mở rộng diện tích trồng nghệ trong vụ tới.
Người dân thôn Khòn Háo, xã Văn An chăm sóc cây nghệ đen
Ông Hoàng Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND xã Văn An cho biết: Năm 2018, xã được Nhà nước hỗ trợ giống, phân bón để thực hiện mô hình trồng cây nghệ đen, tổng vốn là 240 triệu đồng. Sau khi nhận được văn bản của UBND huyện, xã triển khai đến các thôn, và sau khi thống nhất với người dân, mô hình trồng cây nghệ đen được triển khai tại thôn Khòn Háo với diện tích 1,6 ha, gồm 16 hộ tham gia. Để mô hình đạt hiệu quả, xã thành lập nhóm hộ trồng nghệ, nhóm hộ cử đại diện ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Hợp tác xã Hợp Thịnh. Cùng với đó, hợp tác xã tổ chức tập huấn tại xã về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cho các hộ trồng nghệ. Hiện nay, cây nghệ phát triển tốt. “Đây là vụ đầu tiên trồng cây nghệ đen, sau khi thu hoạch, cho giá trị kinh tế cao, xã sẽ tuyên truyền người dân mở rộng diện tích trong vụ tiếp theo”- ông Vũ nhấn mạnh.
Không chỉ xã Văn An, tại xã Vân Mộng, bà Lương Thị Hiền, thôn Khòn Tẩu cho biết: Được sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình tôi trồng 2,5 sào nghệ đỏ. Đến nay, cây nghệ phát triển tốt, khi thu hoạch sẽ được Hợp tác xã Hợp Thịnh cam kết thu mua, tôi rất phấn khởi và sẽ tiếp tục chăm sóc cây nghệ để đạt hiệu quả cao nhất.
Năm 2018, thực hiện mô hình phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới, huyện Văn Quan được phân bổ 2,650 tỷ đồng. Trong đó, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất 1,750 tỷ đồng, gồm: mô hình trồng cây cà gai leo tại các xã: Xuân Mai, Tràng Phái; mô hình trồng cây nghệ đen tại các xã: Văn An, Hữu Lễ; mô hình trồng cây nghệ đỏ tại xã Vân Mộng; mô hình hỗ trợ nồi nấu rượu bán tự động (thuộc kế hoạch xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm rượu men lá Hữu Lễ- xã Hữu Lễ). Và mô hình sản xuất hồi hữu cơ tại xã Vân Mộng với tổng vốn 900 triệu đồng, bước đầu được triển khai thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Sáng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất có hiệu quả, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của các cấp, phòng phối hợp với UBND các xã lựa chọn dự án, mô hình phát triển sản xuất phù hợp với kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp và quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của huyện giai đoạn 2011-2020; tổ chức thẩm định và phê duyệt các mô hình dự án xong trong tháng 6/2018. Cùng với đó, các mô hình trồng cây cà gai leo, cây nghệ được triển khai theo hình thức liên doanh, liên kết và tiêu thụ sản phẩm với Hợp tác xã Hợp Thịnh (Cao Lộc). Với sự quyết tâm của các cấp chính quyền và người dân, đến nay, các mô hình được thực hiện hiệu quả, theo đúng kế hoạch đề ra.
ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()