Văn Quan: Phòng, chống rét cho cá lồng
(LSO) – Thời tiết đã bước vào mùa đông với nhiều đợt rét đã và sẽ còn tiếp tục xảy ra. Để tránh cho đàn cá lồng bị chết do rét, dịch bệnh, ngay từ đầu mùa đông, cơ quan chức năng và các hộ chăn nuôi cá lồng ở huyện Văn Quan đã đồng thời thực hiện một số biện pháp.
Vào những ngày cuối tháng 12/2019, chúng tôi có mặt tại Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi cá lồng Tân Minh (thị trấn Văn Quan). Hiện nay, hợp tác xã có trên 20 thành viên, nuôi hơn 40 lồng cá. Đã một tháng nay, HTX luôn chủ động kiểm tra, theo dõi tình hình đàn cá, đảm bảo cá không bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu.
Ông Triệu Văn Vượng, Giám đốc HTX Chăn nuôi cá lồng Tân Minh cho biết: HTX chủ yếu nuôi cá trắm cỏ, đây là loài có khả năng chịu rét khá tốt, thức ăn chủ yếu của chúng là cỏ, rong, bèo… Tuy nhiên, vào mùa đông, thức ăn của cá trắm cỏ rất khan hiếm, vì thế, chúng tôi thường xuyên bổ sung thức ăn tinh như: ngô, cám gạo. Bên cạnh đó, bổ sung một số loại vitamin và khoáng chất cho cá, nếu không đủ sức khỏe, cá có thể bị mắc bệnh và quá trình phát triển bị gián đoạn.
Người dân thị trấn Văn Quan chủ động bổ sung nguồn thức ăn cho cá lồng khi vào đông
Cũng là người chăn nuôi cá lồng nhiều năm, anh Triệu Mạnh Từ, phố Minh Sơn, thị trấn Văn Quan đang nuôi 2 lồng cá, tổng diện tích lồng nuôi gần 70 m2. Theo anh Từ, vào mùa đông, nên tiến hành phủ kín mặt lồng nuôi bằng nilon sáng màu hoặc thả sâu lồng nuôi từ 1,8 đến 2,0 m để giữ ấm cho cá.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Văn Quan có trên 100 hộ nuôi cá lồng với 257 lồng cá, tập trung chủ yếu tại địa bàn thị trấn Văn Quan và xã Xuân Mai. Trong năm 2019, huyện đã nhân rộng mô hình nuôi cá lồng ra một số xã như: Bình Phúc, Tú Xuyên, tăng số lồng cá lên 35 lồng so với năm 2018. Nuôi cá lồng là mô hình giúp cho nhiều hộ phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập từ mô hình này.
Để chủ động ứng phó với thời tiết giá rét, ngay từ đầu mùa đông, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Quan đã tích cực phối hợp với chính quyền xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn người dân biện pháp phòng chống rét cho thủy sản, đặc biệt đối với cá lồng.
Theo đó, các hộ chăn nuôi cá lồng chủ động dự trữ thức ăn và bổ sung chất dinh dưỡng cho cá; di chuyển lồng vào khu vực kín gió, đảm bảo hệ thống che chắn các lồng cá để hạn chế sương muối; giữ ấm cho cá bằng cách tạo độ sâu, thả sâu lồng nuôi từ 1,8 đến 2,0 m; vào mùa đông cá rất hay bị bệnh đốm đỏ, vì vậy, các hộ nuôi cá cần dọn dẹp rác mắc vào lồng cá, giữ môi trường ở khu vực thả cá thật sạch sẽ, tránh để nước bị ô nhiễm và gây bệnh ở cá.
Ông Nguyễn Văn Sáng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Quan cho biết: Hằng năm, phòng đều tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi thủy sản, trong đó lồng ghép nội dung phòng, chống rét cho cá lồng vào mùa đông. Cùng với đó, các hộ nuôi cá lồng lâu năm, có kinh nghiệm nên đã chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng chống đói, rét cho cá. Vì vậy những năm qua, thủy sản nói chung và cá lồng nói riêng trên địa bàn huyện chưa xảy ra thiệt hại đáng kể do thời tiết xấu.
Bên cạnh thực hiện các biện pháp chống rét cho thủy sản nói chung và cá lồng nói riêng, trong thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn chỉ đạo, hướng dẫn các hộ tập trung cải tạo lồng cá, thay thế lồng quây bằng lồng treo. Qua đó nhằm bảo vệ môi trường nước, tạo điều kiện thuận lợi cho cá lồng phát triển tốt – Ông Sáng cho biết thêm.
Ý kiến ()