Văn Quan: Phát triển mô hình nuôi ong lấy mật
– Những năm gần đây, một số hộ dân trên địa bàn huyện Văn Quan đã phát triển mô hình nuôi ong lấy mật, bước đầu đem lại hiệu quả, góp phần giúp người dân tăng thu nhập.
Gia đình ông Luân Văn Đài, thôn Bản Nhang, xã Liên Hội là một trong những hộ nuôi ong với số lượng nhiều trên địa bàn xã. Ông Đài cho biết: Gia đình tôi bắt đầu nuôi ong lấy mật khoảng 10 năm trước, nhưng chỉ nuôi với số lượng ít để phục vụ gia đình. Từ năm 2017, nhận thấy nhu cầu thị trường và hiệu quả kinh tế cao nên gia đình tôi đã học hỏi cách nhân đàn để mở rộng quy mô. Từ đó đến nay, gia đình tôi duy trì ổn định từ 16 đến 20 tổ/năm, bình quân thu được 100 lít mật/năm, nhờ đó, mỗi năm, gia đình có thêm thu nhập 40 triệu đồng.
Người dân xã Hòa Bình kiểm tra chất lượng đàn ong
Nhận thấy hiệu quả kinh tế của của mô hình nuôi ong lấy mật nên nhiều gia đình ở xã Liên Hội cũng học hỏi kỹ thuật để thực hiện mô hình này. Ông Lương Thế Cường, Chủ tịch UBND xã cho biết: Khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã phát triển mô hình nuôi ong lấy mật. Hiện nay, toàn xã có hơn 100 hộ phát triển mô hình nuôi ong lấy mật với gần 300 tổ, từ mô hình nuôi ong, nhiều hộ có thu nhập từ 30 đến 40 triệu đồng/năm. Xác định mô hình nuôi ong lấy mật là hướng đi góp phần tăng thu nhập cho bà con nên thời gian qua, từ nguồn vốn chương trình 30a (chương trình hôxỗ trợ giảm nghèo), xã đã hỗ trợ người dân thực hiện mô hình. Cùng với đó, người dân không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, năm 2022, Mật ong Liên Hội được công nhận sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) .
Không chỉ xã Liên Hội, những năm gần đây, người dân một số xã khác trên địa bàn huyện cũng đã phát triển mô hình nuôi ong lấy mật như: Hòa Bình, Lương Năng, Tú Xuyên, Tri Lễ… với tổng 2.205 đàn, tăng 727 đàn so với cùng kỳ năm 2021.
Qua trao đổi với người dân được biết, nghề nuôi ong mật có vốn đầu tư ít, không tốn nhân lực, thu nhập đem lại tương đối ổn định. Tuy vậy, việc nuôi ong cũng đòi hỏi kỹ thuật tỉ mỉ trong từng công đoạn. Điều quan trọng nhất là chọn ong chúa, ong chúa khỏe mạnh thì đàn ong mới sinh trưởng và phát triển tốt, đồng thời, tổ được đặt ở nơi nhiều hoa sẽ cho số lượng, chất lượng mật cao hơn. Trung bình một tổ ong sẽ cho thu hoạch mật 2 lần/năm và có thể cho thu được từ 6 đến 9 lít mật/tổ/lần khai thác. Tại huyện Văn Quan, hiện nay, người dân chủ yếu nuôi ong mật lấy hoa rừng tự nhiên nên chất lượng mật tốt, nhiều khách hàng tìm đến tận nhà mua với giá từ 350 đến 400 nghìn đồng/lít. Để nâng cao hơn nữa giá trị mật ong, hiện nay, người dân trên địa bàn huyện đã thành lập 2 hợp tác xã về nuôi ong lấy mật gồm: Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Liên Hội (xã Liên Hội) và Hợp tác xã Bình An (xã Hòa Bình).
Ông Hoàng Trường Cửu, Giám đốc Hợp tác xã Bình An, xã Hòa Bình cho biết: Hợp tác xã được thành lập từ năm 2018, với 15 thành viên nhằm liên kết các hộ nuôi ong trên địa bàn xã và tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định. Theo đó đến nay, hợp tác xã đăng ký nhãn hiệu sản phẩm mật ong An Bình, có tem nhãn, tem truy xuất nguồn gốc, lọ đựng. Từ khi thành lập hợp tác xã, thị trường tiêu thụ mở rộng ra các tỉnh, thành khác như: Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang…
Thời gian qua, các cơ quan chuyên môn của huyện đã tuyên truyền bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi ong để nâng cao hiệu quả. Theo đó, hằng năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với ngành chức năng, UBND các xã tổ chức từ 2 đến 3 lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi ong.
Ông Chu Văn Vượng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để góp phần tăng thu nhập cho bà con, phòng đã tham mưu UBND huyện phân bổ nguồn vốn cho các xã để hỗ trợ người dân và các hợp tác xã tái đàn và nhân rộng đàn ong. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các phòng chuyên môn khác tổ chức tập huấn cho bà con về kỹ thuật nuôi ong, đồng thời, xây dựng kế hoạch quảng bá cho sản phẩm để đầu ra ổn định hơn.
Huyện Văn Quan có điều kiện tự nhiên phù hợp phát triển mô hình nuôi ong lấy mật, từ mô hình này đã giúp nhiều hộ có thêm thu nhập từ 30 đến 40 triệu đồng/năm, góp phần nâng cao thu nhập.
HIỂU LAM
Ý kiến ()