Văn Quan nỗ lực nâng cao hiệu quả chăn nuôi
LSO-Mặc dù chăn nuôi hiện gặp nhiều khó khăn như giá con giống cao, ảnh hưởng của dịch bệnh, thời tiết, diện tích chăn thả bị thu hẹp, thế nhưng Văn Quan vẫn tìm ra cho mình hướng phát triển mới, từ đó duy trì và từng bước nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Người dân chọn mua gia cầm giống ở chợ Khánh Khê |
Hữu Lễ là một xã thuần nông với tỷ lệ hộ nghèo vào hàng đầu của huyện Văn Quan. Tuy là xã thuần nông song diện tích đất nông nghiệp của xã không nhiều nên từ lâu, chăn nuôi là một hướng phát triển quan trọng của xã. Ông Hoàng Thế Việt, Chủ tịch UBND xã cho biết: bên cạnh lợn, gà thì ở hầu hết các hộ dân trong xã đều có trâu hoặc bò. Nhà ít cũng có 1 con, nhà nào nhiều có đến cả chục con. Nếu như nuôi lợn, gà để phục vụ sinh hoạt cũng như tăng thêm thu nhập trước mắt để phục vụ cuộc sống thì chăn nuôi trâu, bò đã đem lại nguồn thu nhập lớn hơn, giúp người dân xây nhà, mua xe máy. Mặc dù giá trị từ chăn nuôi không quá lớn bởi để bán được con trâu 20 triệu đồng thì người dân cũng phải mất từ 5-6 năm, tuy nhiên đối với một xã nghèo như Hữu Lễ, thu nhập như vậy cũng giúp người dân cải thiện được cuộc sống rất nhiều. Thế nhưng mấy năm trở lại đây, do dịch bệnh, giá cả bấp bênh rồi diện tích chăn thả trâu bò bị thu hẹp, cơ giới hóa phát triển mạnh mẽ khiến cho việc chăn nuôi ở Hữu Lễ gặp rất nhiều khó khăn. Đứng trước thách thức như vậy, người dân lại phải tìm cách thay đổi để nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Một mặt vẫn tiếp tục duy trì chăn nuôi phổ biến như lợn, gà nhưng mặt khác, người dân trong xã đã chịu khó học hỏi, mạnh dạn phát triển đàn dê. Mới chỉ vài năm, từ những hộ đầu tiên chỉ nuôi một vài con, đến nay, phong trào nuôi dê ở xã đã phát triển mạnh mẽ với tổng đàn trên 200 con. Một số hộ vươn lên phát triển kinh tế từ nuôi dê như gia đình ông Hoàng Văn Nhiêu, thôn Nà Lùng; gia đình ông Bế Văn Nguyên, thôn Đon Chợ. Cũng theo những hộ chăn nuôi này cho biết, đàn dê ở đây phát triển khá nhanh, ít dịch bệnh và giá cả lại cao, thị trường tiêu thụ rộng rãi. Theo ông Việt, với tốc độ phát triển như hiện nay, tổng đàn dê sẽ không ngừng tăng, từ đó hiệu quả chăn nuôi cũng được nâng lên một cách rõ rệt.
Không chỉ Hữu Lễ mà nhiều xã, thị trấn khác trên địa bàn huyện Văn Quan cũng gặp phải những khó khăn tương tự trong phát triển chăn nuôi, thế nhưng ở mỗi nơi lại tìm ra cho mình một hướng chăn nuôi mới phù hợp hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn. Ông Lương Đình Bảo, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: trước hết phải khẳng định, lĩnh vực chăn nuôi theo hướng truyền thống như trâu, bò, lợn, gà đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Từ dịch bệnh cho đến giá cả thị trường; từ việc đẩy mạnh cơ giới hóa, diện tích chăn thả bị thu hẹp; nhân lực ngày một ít đi đã ảnh hưởng đến tổng đàn vật nuôi. Nếu như năm 2009, tổng đàn trâu của huyện còn lên tới gần 20.000 con thì đến nay, con số này chỉ còn khoảng 15.000 con. Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, huyện cũng đã chỉ đạo các xã, thị trấn một mặt duy trì các giống vật nuôi phổ biến như lợn, gà, mặt khác tìm những loại vật nuôi phù hợp với thực tiễn từng nơi để phát triển như dê, cá. Một số xã có phong trào chăn nuôi dê phát triển như Xuân Mai, Tràng Phái, Văn An, Hòa Bình, Hữu Lễ với tổng đàn dê hiện nay khoảng trên 3.000 con. Bên cạnh phát triển đàn dê, các mô hình nuôi cá cũng đang phát huy hiệu quả và đem lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định. Tiêu biểu như mô hình nuôi cá lồng ở thị trấn Văn Quan hay các mô hình nuôi cá ở hồ, đập ở xã Tân Đoàn, xã Tú Xuyên, có những mô hình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển chăn nuôi song với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền cùng sự nỗ lực, quyết tâm của người dân trong việc tìm tòi, học hỏi, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu vật nuôi phù hợp với thực tiễn, với nhu cầu thị trường. Từ đó đã từng bước nâng cao hiệu quả chăn nuôi ở Văn Quan một cách rõ rệt, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung của huyện.
TÂN AN
Ý kiến ()