Văn Quan: Nhiều hạn chế trong xây dựng sản phẩm OCOP
– Sau gần 3 năm triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), huyện Văn Quan mới chỉ có 4 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 hoặc 4 sao cấp tỉnh (là một trong những huyện có số lượng sản phẩm đạt OCOP thấp của tỉnh). Bên cạnh các xã đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP, vẫn còn nhiều xã đang loay hoay tìm và xây dựng sản phẩm riêng, do đó, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và người dân.
Tìm hiểu thực tế về xây dựng sản phẩm OCOP ở xã An Sơn, chúng tôi được ông Nông Trần Cảnh, Chủ tịch UBND xã An Sơn chia sẻ: Đặc thù của xã là sản xuất nông nghiệp và trồng một số loại rau vụ đông như: cải ngồng, bắp cải với diện tích hằng năm khoảng 70 ha. Ngoài ra, trên địa bàn xã có khoảng 7 hộ sản xuất bánh khẩu sli. Tuy nhiên, qua khảo sát, đánh giá thì các sản phẩm trên người dân chỉ sản xuất theo mùa vụ với sản lượng ít, các hộ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa đáp ứng được yêu cầu về quy mô, tính độc đáo, đáp ứng nhu cầu thị trường với số lượng lớn, lâu dài. Thời gian tới, để có thể xây dựng thành công sản phẩm rau ngồng và bánh khẩu sli thành sản phẩm OCOP, xã sẽ vận động người dân mở rộng diện tích sản xuất, thành lập hợp tác xã liên kết đưa sản phẩm ra thị trường.
Sản phẩm tinh dầu hồi Văn Quan đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh
Tương tự xã An Sơn, hiện nay, nhiều xã trên địa bàn huyện chưa xác định được sản phẩm đặc sản đặc thù, dẫn đến lúng túng trong việc lựa chọn sản phẩm chủ lực để phát triển sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, nhiều nơi mặc dù có sản phẩm đang được sản xuất, nhưng đều trong tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, mang tính thời vụ, tự phát, sản xuất không tập trung, không có sự đầu tư, thiếu liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến sản phẩm khó tìm được đầu ra.
Ông Hoàng Trường Cửu, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Bình An, thôn Nà Thượng, xã Hòa Bình cho biết: Xuất phát từ nghề nuôi ong truyền thống, năm 2018, chúng tôi thành lập HTX chuyên sản xuất mật ong với 12 thành viên, tổng đàn ong có gần 300 tổ. Để nâng cao giá trị sản phẩm, trong năm 2022, HTX hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP, tuy nhiên, HTX vẫn còn gặp một số khó khăn như sản lượng mật còn ít, thị trường tiêu thụ khó khăn, do đó, trong thời gian tới, HTX tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Thời gian qua, nhằm giúp các cơ sở phát triển sản phẩm đặc trưng, gắn với xây dựng sản phẩm OCOP, UBND huyện Văn Quan đã triển khai nhiều giải pháp như: tổ chức tập huấn cho các chủ thể về xây dựng phương án kinh doanh và phát triển sản phẩm; hỗ trợ xây dựng thiết kế tem nhãn, bao bì, tem truy suất nguồn gốc và quảng bá sản phẩm tại các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Từ khi triển khai chương trình (năm 2019) đến nay, từ nguồn kinh phí chương trình OCOP trên 900 triệu đồng, UBND huyện đã phân bổ hỗ trợ chủ thể của các sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Đồng thời, hỗ trợ khoảng 22.000 mã truy xuất nguồn gốc; 39.000 tem, nhãn mác sản phẩm; tổ chức tập huấn được 4 lớp với 202 người tham dự, tuyên truyền lồng ghép tại các hội nghị được 25 cuộc với 1.342 người tham dự…
Đến nay, toàn huyện có 4 sản phẩm OCOP được chứng nhận 3 sao hoặc 4 sao cấp tỉnh. Việc thực hiện chương trình OCOP tại huyện vẫn còn gặp một số khó khăn. Một số nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong xây dựng sản phẩm OCOP ở huyện như: quy mô, năng lực quản trị của các chủ thể tham gia chương trình OCOP còn nhỏ và yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị; sự hiểu biết của một số cán bộ cơ sở và chủ thể sản xuất về quản lý chất lượng sản phẩm còn hạn chế, nhiều nội dung còn phụ thuộc vào tư vấn; một số sản phẩm chủ lực gặp khó khăn về vốn và công nghệ chế biến, bảo quản.
Bên cạnh đó, người dân, chủ thể phần lớn là nông dân, trình độ còn hạn chế. Do đó, việc tiếp cận công nghệ áp dụng vào sản xuất còn yếu; việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa chủ động tham gia. Công tác truyền thông còn hạn chế nên nhiều chủ thể sản phẩm OCOP tiềm năng chưa hiểu rõ và nhận thức đầy đủ về lợi ích khi tham gia chương trình.
Ông Lý Văn Đàm, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Thời gian tới, phòng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, chủ thể kinh tế về tầm quan trọng và ý nghĩa của chương trình OCOP. Bên cạnh đó, tăng cường tập huấn cho cán bộ quản lý, chủ thể thực hiện chương trình OCOP đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm; đẩy mạnh việc đưa các sản phẩm OCOP, nông nghiệp lên sàn giao dịch thương mại điện tử, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Mục tiêu trong năm 2022, huyện xây dựng thành công 2 sản phẩm OCOP.
Với những giải pháp nêu trên, hy vọng huyện Văn Quan sẽ sớm có thêm góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm.
Ý kiến ()