Chủ nhật, 24/11/2024 19:07 [(GMT +7)]
Văn Quan: Hướng đến chăn nuôi bền vững
Thứ 4, 29/02/2012 | 08:24:00 [(GMT +7)] A A
Hiện nay, các địa phương trong cả nước đang phải gồng mình để khống chế dịch bệnh gia súc, gia cầm, cùng với các huyện, thành phố trong tỉnh Văn Quan đang nỗ lực ngăn chặn từ xa các nguy cơ xâm nhiễm, bùng phát của bệnh dịch, đồng thời tích cực triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp để hướng tới chăn nuôi bền vững và hiệu quả.
LSO-Với hệ thống giao thông tương đối thuận tiện bao gồm tuyến quốc lộ 1B, đường 279, tỉnh lộ 232 chạy qua địa bàn và 24 xã, thị trấn của huyện đều có đường ô tô đến tận trung tâm. Đây là thuận lợi cơ bản để Văn Quan phát triển chăn nuôi hàng hóa.
Phát triển chăn nuôi lợn nái ở xã Xuân Mai, huyện Văn Quan
Trong những năm qua, chăn nuôi trên địa bàn huyện Văn Quan đã có sự phát triển nhất định. Nhiều mô hình được đưa vào thử nghiệm và mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét như mô hình nuôi ngan Pháp; lợn nái; dê núi…và hàng loạt các biện pháp như thụ tinh bò nhân tạo, tuyển lựa trâu đực giống đã góp phần đáng kể cải tạo đàn đại gia súc của địa phương. Đóng góp chung vào sự phát triển chăn nuôi của huyện. Song, nhìn một cách tổng quát, chăn nuôi trên địa bàn vẫn còn mang nặng tính tự phát và tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro. Ông Hoàng Văn Ngân, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện phân tích: Đối với chăn nuôi trâu, bò, chủ yếu là theo quy mô nhỏ lẻ, thả rông trên đồng cỏ tự nhiên, không bổ sung thêm các loại thức ăn nên thể trạng của đàn đại gia súc rất kém. Đồng thời người chăn nuôi cũng chưa chú trọng tới trồng, dữ trữ thức ăn qua đông cho trâu, bò, nên con số bị chết đói, rét hàng năm tương đối cao. Cuối năm 2010, đầu 2011, toàn huyện đã có 3.811 con gia súc chết rét. Tính đến hết năm 2011, tổng đàn gia súc của toàn huyện chỉ khoảng 25.000 con, giảm hơn 1.000 con so với năm 2008.
Trong khi đó chăn nuôi lợn có tăng, nhưng mức tăng còn chậm. Mô hình chăn nuôi lợn nái được áp dụng khá nhiều, nhưng thực chất còn rất nhiều mặt hạn chế. Một số hộ chăn nuôi mua giống tự phát, chưa đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng; khả năng đầu tư, phương thức chăn nuôi kém, công tác phòng chống dịch còn yếu…nên phần lớn chỉ đủ tự cung, tự cấp, chưa chưa đáp ứng nổi nhu cầu con giống cho thị trường nội huyện. Đến nay, ước tính tổng đàn gia cầm của toàn huyện đạt khoảng 374.000 con, tăng khoảng 60.000 con so với 3 năm trước đó, nhưng cũng giống như chăn nuôi gia súc, sự phát triển của gia cầm chưa đáp ứng được cả về số lượng, chất lượng cũng như quy mô chăn nuôi. Do vậy sản phẩm vẫn chỉ mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ, chưa thể trở thành hàng hóa.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội huyện Văn Quan giai đoạn 2011-2015 đã đề ra một trong những giải pháp quan trọng là chuyển đổi cơ cấu vật nuôi hợp lý, chuyển dần từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân, đẩy nhanh sự phát triển của địa phương. Thực hiện nhiệm vụ đó, trong thời gian vừa qua, các phòng, ban chuyên môn của huyện đã tham mưu cho UBND huyện khá nhiều các giải pháp để phát triển và cải tạo đàn vật nuôi của địa phương. Ông Ngân cho biết: Phòng NN&PTNT huyện cùng với Trạm Thú y đã và đang xây dựng đề án phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện Văn Quan giai đoạn 2011-2015 với mục tiêu và các nhóm giải pháp cụ thể.
Qua phân tích về tiềm năng về đất đai, khí hậu, lao động…Văn Quan định hướng giữ mức tăng trưởng ổn định đàn trâu là 3%/năm; đàn bò tăng trưởng 4%/năm; đàn lợn và đàn gia cầm tăng trưởng 2%/năm. Đồng thời tiếp tục thực hiện các biện pháp cải tạo đàn trâu, bò bằng các biện pháp chọn lọc nhân giống, thụ tinh nhân tạo. Trong khi đó, đối với đàn lợn và đàn gia cầm chú trọng tới sản xuất giống nhằm bước đầu có thể tự chủ động được con giống cho nhu cầu nội huyện. Gắn liền với đó, huyện đã và đang tích cực triển khai tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực của đội ngũ thú y và người chăn nuôi, xây dựng các mô hình điểm chăn nuôi với quy mô lớn, tập trung, an toàn sinh học…kèm theo đó là giải pháp về cơ chế chính sách như hỗ trợ vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, phát triển chăn nuôi gắn liền với thị trường tiêu thụ, vệ sinh môi trường.
Hiện nay, các địa phương trong cả nước đang phải gồng mình để khống chế dịch bệnh gia súc, gia cầm, cùng với các huyện, thành phố trong tỉnh Văn Quan đang nỗ lực ngăn chặn từ xa các nguy cơ xâm nhiễm, bùng phát của bệnh dịch, đồng thời tích cực triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp để hướng tới chăn nuôi bền vững và hiệu quả.
Vũ Như Phong
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()