Văn Quan: Hối hả thu hoạch rau vụ đông
– Thời điểm này, trên nhiều cánh đồng của huyện Văn Quan, người dân đang tất bật thu hoạch rau vụ đông. Năm nay, niềm vui như được nhân đôi bởi rau vụ đông không những được mùa mà giá cao gấp 3 lần so với năm ngoái nên người dân trên địa bàn rất phấn khởi.
Trung tuần tháng 2/2022, có mặt tại các cánh đồng trên địa bàn xã An Sơn, không khó bắt gặp hình ảnh những luống rau xanh mơn mởn đã đến kỳ thu hoạch. Trên các cánh đồng, người dân đang khẩn trương thu hái. Bà Nông Thị Na, thôn Bản Noóc phấn khởi chia sẻ: Vụ đông năm nay, gia đình tôi trồng được 5 sào rau cải ngồng. Năm nay, thời tiết mưa ẩm nên rau phát triển tốt, trung bình mỗi ngày, gia đình tôi thu hái được 50 đến 80 kg rau, với giá bán từ 16 đến 18 nghìn đồng/kg (cao gấp 3 lần so với năm 2021), gia đình tôi có thu nhập 1 triệu đồng/ngày. Hiện tại, gia đình tôi vẫn đang thu hoạch rau, dự kiến đến cuối vụ sẽ có thu nhập khoảng 30 triệu đồng.
Người dân thôn Bản Noóc, xã An Sơn thu hoạch rau vụ đông
Không chỉ gia đình bà Na mà nhiều hộ dân trên địa bàn xã An Sơn đã coi cây rau vụ đông là cây trồng chính mang lại thu nhập cao hằng năm. Hiện nay, An Sơn là xã có diện tích trồng rau vụ đông nhiều nhất huyện, năm nay, người dân trên địa bàn xã trồng được trên 75 ha rau, chủ yếu là cải ngồng và bắp cải. Ông Nông Trần Cảnh, Chủ tịch UBND xã An Sơn cho biết: Diện tích rau tập trung tại các thôn như: Bản Noóc, Nà Mìn, Đoàn Kết… Để cây rau ngồng vụ đông phát triển và có đầu ra ổn định, xã đã phối hợp, vận động thành lập Hợp tác xã Phai Xả trồng rau an toàn vào cuối năm 2019, từ đó, giới thiệu sản phẩm, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Thời gian tới, xã tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích cây trồng vụ đông lên 140 ha.
Theo thông tin từ cơ quan chuyên môn, vụ đông năm nay, người dân trên địa bàn huyện Văn Quan trồng được 410 ha rau vụ đông các loại. Trong đó, chủ yếu là rau ngồng bắp cải (102 ha), tập trung tại các xã: An Sơn, Tràng Các, Khánh Khê… Năm nay, năng suất rau cải ngồng ước đạt 79 tạ/ha, sản lượng rau ước đạt 2.195 tấn, giá trị kinh tế đem lại trên 2 tỷ đồng. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã thành lập 3 hợp tác xã về trồng rau nhằm liên kết tiêu thụ sản phẩm với các thương lái trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, tại xã Tràng Các có Hợp tác xã Tràng Các ký kết hợp đồng tiệu thụ rau cho bà con với một số tư thương ở Hà Nội. Do vậy, người dân yên tâm mở rộng diện tích trồng rau.
Ông Chu Văn Vượng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Quan cho biết: Để sản xuất rau màu vụ đông đạt kết quả cao, ngay từ đầu vụ, cơ quan chức năng của huyện đã phối hợp với các xã xuống từng thôn vận động, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại rau; các tổ chức, đoàn thể chủ động lồng ghép nội dung phát triển, hướng dẫn sản xuất vụ đông vào các phong trào và trong sinh hoạt của các tổ chức hội nhằm tăng năng suất, chất lượng rau màu, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con…Vụ đông năm nay, người dân đã trồng 4 ha rau an toàn tại xã Tú Xuyên.
Để giúp người dân có kiến thức trồng và chăm sóc rau, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con. Từ đầu năm 2020 đến nay, huyện đã tổ chức 10 lớp tập huấn lồng ghép về kỹ thuật trồng và chăm sóc rau, qua đó, giúp người dân áp dụng vào sản xuất, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao.
Thời gian tới, để từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, huyện Văn Quan tiếp tục triển khai trồng rau an toàn tại các xã: Tú Xuyên, An Sơn, Tràng Các với diện tích trên 100 ha. Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn huyện tiếp tục phối hợp với UBND các xã tuyên truyền, vận động người dân sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng đến đưa sản phẩm ra chuỗi cửa hàng nông sản sạch; định hướng người dân tiếp tục phát triển, mở rộng diện tích. Đồng thời, khuyến khích người dân trồng thêm các loại rau giống mới có giá trị kinh tế cao hơn.
Ý kiến ()