Văn Quan đẩy nhanh tiến độ phổ cập giáo dục mầm non
LSO-Tháo gỡ nhiều khó khăn, chỉ đạo sát sao từng phần việc cụ thể cho các địa phương, năm 2013, huyện Văn Quan đã có thêm 8 xã đạt chuẩn phổ cập Giáo dục mầm non (GDMN), đưa tổng số xã hoàn thành lên 12 xã, vượt kế hoạch đề ra 2 xã.
Học sinh Trường Mầm non xã Tân Đoàn, huyện Văn Quan rửa tay đúng cách đề phòng các bệnh truyền nhiễm |
Bước vào năm học 2013-2014, Văn Quan có 25 trường mầm non, trong đó có 17 trường độc lập và 8 trường phổ thông gắn với mầm non. Điều đáng chú ý là khi tách trường, thành lập trường mới, các trường mầm non ở Văn Quan đã ưu tiên xây dựng các bếp ăn độc lập để thực hiện ăn bán trú và học 2 buổi/ngày. Đến cuối tháng 10/2013, toàn cấp học đã có 2.836 trẻ được ăn bán trú và học 2 buổi/ngày, bằng 92% tổng số trẻ, tăng 3% so với năm học trước, trong đó có 674 trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 2.055 trẻ mẫu giáo. Nhờ đó, chất lượng giáo dục và nuôi dưỡng được nâng lên, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân độ tuổi nhà trẻ còn 3,07%, mẫu giáo là 3,3% (ở trẻ 5 tuổi là 3,2%); tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở nhà trẻ là 4,1%, mẫu giáo là 4,8% (ở trẻ 5 tuổi là 4,3%). Chất lượng giáo dục được nâng lên với tỷ lệ chuyên cần đạt trên 90%. Có 100% trẻ được theo dõi bằng biểu đồ tăng trưởng và khám sức khỏe định kỳ mỗi năm 2 lần.
Để đạt được kết quả đó, ngành GD&ĐT huyện Văn Quan đã giải quyết một loạt vấn đề khó: đó là tăng cường số lượng đội ngũ và đảm bảo cơ sở vật chất. Ngay trong tháng 8/2013, cùng với công tác chuẩn bị cho năm học mới, ngành đã tiến hành tuyển dụng, ký hợp đồng thêm 54 giáo viên bổ sung cho các nhà trường. Do thực hiện chu đáo chế độ tiền lương, tiền công và các loại phụ cấp nghề, nên đội ngũ giáo viên mới phấn khởi nhận nhiệm vụ tại các nhà trường, góp phần giảm sức ép về đội ngũ cho cấp học này. Cùng với đó, đội ngũ nhân viên trường học như bảo vệ, kế toán, cô nuôi và y tế trường học được đảm bảo đủ về số lượng và nâng cao về chất lượng. Đây là điều kiện tiên quyết cho các nhà trường thực hiện nuôi ăn bán trú và học sinh được học 2 buổi/ngày. Về cơ sở vật chất, ngành tiến hành trang bị bằng 2 nguồn, nguồn đóng góp của chính cán bộ giáo viên toàn ngành và nguồn từ xã hội hóa. Bằng nguồn này, trong hai năm qua, ngành đã có thể xây dựng bếp ăn tuy còn tạm bợ nhưng đáp ứng được yêu cầu; trang bị cho các nhà trường máy lọc nước, tủ lạnh dự trữ thực phẩm và lưu mẫu thức ăn. Đặc biệt như xã Tân Đoàn đã huy động sự đóng góp của giáo viên, cán bộ nhân viên các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương được 137 triệu đồng, nhân dân đóng góp 32 triệu đồng, phối hợp với nguồn hỗ trợ của phòng GD đã xây dựng được bếp ăn 1 chiều khang trang rộng rãi trị giá 186 triệu đồng, phục vụ các cháu. Cô giáo Hoàng Thủy Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường MN xã Tân Đoàn cho biết, bếp ăn một chiều là sự gắn kết trách nhiệm giữa cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, người dân và ngành GD&ĐT; là điều kiện để nhà trường nâng cao chất lượng bữa ăn cho các cháu và đảm bảo vệ sinh ATTP.
Đối với những trường còn phải học nhờ nhà dân, hoặc phòng học tạm, ngành đã chủ động nguồn hỗ trợ như nguồn từ Công đoàn giáo dục tỉnh chi 50 triệu đồng cho xã Khánh Khê xóa phòng học tạm tại phân trường Kỳ Mông, chi 30 triệu cho xóa phòng học tạm tại phân trường Bản Bang (Tri Lễ), chi 20 triệu cho xóa phòng tạm tại thôn Nà Lốc (thị trấn Văn Quan); tiếp tục huy động từ nguồn đóng góp của trên 1.000 giáo viên, nhân viên ngành GD&ĐT và nguồn từ xã hội hóa…
Theo kế hoạch, năm 2014, Văn Quan sẽ phấn đấu có thêm 6 xã đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi. Để giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất, Văn Quan đã và đang phối hợp các nguồn lực để xây dựng trường lớp học. Cụ thể như vốn thuộc chương trình 135 ở Song Giang xây 4 phòng học, xã Đại An đã được phê duyệt xây dựng trường MN mới với tổng số vốn đầu tư lên đến trên 9 tỷ đồng; trên cơ sở người dân hiến đất, xã Vân Mộng sẽ dùng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới cho trường MN, xã Hữu Lễ dùng nguồn vốn 135 để xóa phòng học tạm tại 2 phân trường… Để tiến độ phổ cập đạt kế hoạch, ngành GD&ĐT đã tham mưu cho Ban chỉ đạo cấp huyện kiện toàn Ban chỉ đạo phổ cập cấp xã, ban hành quyết định thành lập các tổ điều tra phổ cập tới các gia đình, thôn bản, khu dân cư. Làm việc với chúng tôi, đồng chí Lành Kim Huệ, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan cho biết, để kịp tiến độ và đảm bảo chất lượng phổ cập, ngành luôn nắm chắc thực trạng để đề ra kế hoạch cụ thể cho từng trường, từng địa phương về những điều kiện đảm bảo. Có như vậy Văn Quan mới hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2015 như kế hoạch đề ra.
Ý kiến ()