Văn Quan: Củng cố, kiện toàn tổ tiết kiệm và vay vốn
– Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) được ví như “cánh tay” nối dài của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), do vậy, những năm qua, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Văn Quan đã quan tâm củng cố, kiện toàn các tổ TK&VV. Từ đó, các tổ phát huy hiệu quả, đưa vốn kịp thời đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
Gia đình ông Hà Văn Kiệm, thôn Nà Hấy, xã Bình Phúc là một trong những hộ vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH. Ông Kiệm cho biết: Trước đây, kinh tế gia đình tôi rất khó khăn, mặc dù có diện tích rừng lớn nhưng thiếu vốn để sản xuất, một số diện tích hồi trồng trước nhưng không có vốn mua phân chăm sóc nên cây phát triển chậm. Năm 2016, tôi được Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn hướng dẫn vay vốn của NHCSXH với lãi suất ưu đãi, tôi đã vay 50 triệu đồng để chăm sóc, trồng mới 3 ha hồi và trồng được 1.000 cây cam Canh. Nhờ đó, từ năm 2020 đến nay, mỗi năm gia đình thu nhập 100 triệu đồng, đầu năm 2022, gia đình tôi tiếp tục vay NHCSXH 100 triệu đồng để mở rộng mô hình kinh tế.
Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện nộp lãi tại điểm giao dịch xã Điềm He
Không chỉ gia đình ông Kiệm, thời gian qua, với sự hướng dẫn, giúp đỡ của đội ngũ tổ trưởng tổ TK&VV, nhiều hộ đã được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi nhanh chóng, kịp thời. Hiện nay, trên địa bàn huyện Văn Quan có 194 tổ TK&VV với 6.478 tổ viên. Để thực hiện hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi trên địa bàn, NHCSXH huyện Văn Quan đã chú trọng công tác củng cố, kiện toàn các tổ TK&VV.
Ông Hoàng Tuấn Nghị, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cho biết: Để nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ, hằng tháng, đơn vị luôn theo dõi sát sao hoạt động của các tổ thông qua tình hình sử dụng vốn, biến động về số dư nợ, huy động tiết kiệm, thu nợ, thu lãi… Trên cơ sở đó, cán bộ tín dụng sẽ phối hợp với các tổ chức hội xem xét nguyên nhân, thực hiện giải pháp phù hợp để chỉ đạo hoạt động của tổ trung bình, yếu. Đối với các tổ hoạt động trung bình, yếu, đơn vị thực hiện hướng dẫn các tổ trưởng trong khâu quản lý vốn, hoặc sáp nhập các tổ không đủ thành viên; thay thế các tổ trưởng không nhiệt tình, năng lực yếu… nhờ đó, đến nay, số tổ TK&VV trên địa bàn huyện đã giảm 10 tổ so với đầu năm 2022.
Đặc biệt, đơn vị tổ chức tập huấn cho Ban Quản lý tổ TK&VV theo phương thức cầm tay chỉ việc, hướng dẫn tổ trưởng kỹ các nội dung theo hợp đồng uỷ nhiệm. Từ đầu năm 2022 đến nay, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã tổ chức được 17 lớp tập huấn về kỹ năng tuyên truyền, nghiệp vụ quản lý vốn cho 616 người tham gia. Ngoài ra, tại mỗi phiên giao dịch ở các xã, cán bộ ngân hàng đều quan tâm lồng ghép tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ, nhắc nhở những tổ chưa sát sao trong quản lý vốn, tổ có huy động tiền gửi tiết kiệm không đạt, nợ quá hạn cao, thu lãi thấp…
Với sự quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động các tổ TK&VV, đến nay, 100% tổ đảm bảo hoạt động đúng quy định, đủ số thành viên; 190/190 tổ hoạt động tốt. Tỷ lệ thu nợ đạt 98%, thu lãi đạt 100%. Nhờ đó, hiện nay, Văn Quan là huyện có tỷ lệ tổ tốt cao nhất trong toàn tỉnh với 100% TK&VV xếp loại tốt.
Bà Hoàng Thị Chuyên, Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Tân Tiến, xã An Sơn cho biết: Tính đến nay, tổ TK&VV của thôn đang quản lý 24 hộ vay với số tiền trên 1,7 tỷ đồng. Trong những năm qua, các tổ viên luôn yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, trong tổ không có thành viên nào nợ quá hạn, nộp lãi chậm. Để có được kết quả đó, đầu tiên phải tuyên truyền đến tổ viên các chương trình cho vay ưu đãi kịp thời, ngoài ra, Ban Quản lý tổ TK&VV thôn xây dựng quy ước hoạt động riêng của tổ như: hằng tháng nộp lãi vào ngày 11 tại nhà văn hóa thôn, mức gửi tiết kiệm tối thiểu là 50 nghìn đồng/tổ viên… nhờ đó, hoạt động của tổ đi vào nền nếp, các hộ sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ, lãi cho ngân hàng đúng hạn.
Từ chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ TK&VV đã góp phần giúp NHCSXH huyện quản lý tốt nguồn vốn vay. Qua đó, nguồn vốn tín dụng được đưa đến đúng đối tượng thụ hưởng, tín dụng đạt cao so với kế hoạch, chất lượng tín dụng được nâng lên. Đến nay, tổng dư nợ tại Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đạt trên 375 tỷ đồng, tăng 28,7 tỷ đồng so với năm 2021. Nợ quá hạn thấp, chỉ chiếm 0,03%, huy động tiết kiệm qua tổ đạt 12,4 tỷ đồng, số tổ viên gửi thường xuyên đạt 90%.
Ý kiến ()