Văn Quan: Chú trọng tuyên truyền giảm thiểu chênh lệch giới tính khi sinh
– Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực của đội ngũ làm công tác dân số và sự đồng thuận của người dân, việc giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh của huyện Văn Quan đã đạt được những kết quả tích cực. Để thực hiện tốt công tác này, huyện Văn Quan đã áp dụng nhiều biện pháp, trong đó lấy tuyên truyền làm giải pháp trọng tâm.
Chị Chu Thị Tấm, cán bộ chuyên trách dân số xã Điềm He cho biết: Trước đây, người dân trên địa bàn còn giữ tư tưởng “trọng nam khinh nữ” nên nhiều gia đình lựa chọn giới tính thai nhi, dẫn đến tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh còn ở mức cao. Riêng năm 2017, tỷ lệ giới tính khi sinh trên địa bàn xã là 124 bé trai/100 bé gái. Để thay đổi nhận thức người dân, chúng tôi đã chủ động tuyên truyền đến những hộ sinh con một bề là gái, vận động các gia đình tham gia sinh hoạt tại câu lạc bộ giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh… Nhờ đó, năm 2021, tỷ lệ giới tính giảm còn 116 bé trai/100 bé gái, 8 tháng đầu năm 2022 đã ở mức cân bằng là 100 bé trai/100 bé gái.
Tiểu phẩm “Chuyện thường ngày ở huyện” do Đội thi dân số huyện Văn Quan biểu diễn tại Hội thi liên hoan tuyên truyền viên dân số năm 2021
Không chỉ ở xã Điềm He, công tác tuyên truyền được tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Văn Quan chú trọng. Ông Hoàng Văn Tạ, Trưởng Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện cho biết: Xác định lấy tuyên truyền làm giải pháp chính trong việc giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, thời gian qua, chúng tôi đã chủ động phối hợp với các cấp, ngành liên quan đẩy mạnh truyền thông bằng nhiều cách như: tuyên truyền miệng, phát tờ rơi, tư vấn trực tiếp… Bên cạnh đó, để thực hiện tốt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh của UBND tỉnh, Phòng Dân số đã tham mưu với lãnh đạo cấp trên ban hành kế hoạch thực hiện đề án trong giai đoạn 2022 – 2025.
Theo đó, 17/17 xã, thị trấn đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể để tuyên truyền lồng ghép các nội dung về dân số – kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ); tuyên truyền tại các đợt cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tại các trạm y tế; đến thăm các gia đình, vận động người dân xóa bỏ tư tưởng “trọng nam khinh nữ”… Từ năm 2017 đến nay, hằng năm, cơ quan dân số huyện đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền được trên 100 cuộc cho trên 3.500 lượt người nghe; phát trên 2.000 tờ rơi, sách mỏng, sổ tay về chính sách DS-KHHGĐ. Cùng đó tư vấn tại hộ dân, các câu lạc bộ được trên 300 cuộc cho hơn 2.000 lượt người nghe về thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; tuyên truyền không lựa chọn giới tính thai nhi qua hệ thống truyền thanh tại xã cho hơn 50.000 lượt người nghe; thành lập 6 câu lạc bộ giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại 6 xã, thị trấn; kết hợp tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok…
Qua tuyên truyền, người dân trên địa bàn đã dần thay đổi nhận thức về việc lựa chọn giới tính thai nhi. Chị L.T.P.T, thôn Khòn Cải, xã Liên Hội cho biết: Vì đã sinh 2 con gái nên cách đây vài năm, vợ chồng tôi có ý định đẻ thêm để có con trai. Tuy nhiên khi được tuyên truyền, tôi nhận thấy không nên đẻ nhiều, nuôi dạy con như thế nào cho tốt mới là quan trọng. Vì vậy, vợ chồng tôi đã quyết định không sinh thêm mà tập trung nuôi dạy các con và phát triển kinh tế gia đình.
Với giải pháp trọng tâm là tuyên truyền nên tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh trên địa bàn huyện Văn Quan đã giảm dần qua các năm. Năm 2017, tỷ lệ này của toàn huyện là 112,1 bé trai/100 bé gái, đến hết năm 2021, giảm còn 110 bé trai/100 bé gái, 8 tháng đầu năm 2022 giảm còn 102,4 bé trai/100 bé gái.
Bà Vũ Vân Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Văn Quan là một trong những huyện có nhiều nỗ lực trong tuyên truyền giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Năm 2021, tỷ lệ chênh lệch giới của Văn Quan thấp hơn 4,6 điểm % so với mặt bằng chung của tỉnh (114,6 bé trai/100 bé gái); 8 tháng đầu năm 2022, Văn Quan thấp hơn 12 điểm % so với mặt bằng chung của tỉnh (114,3 bé trai/100 bé gái). Với kết quả của huyện đạt được đã góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh của tỉnh nói chung.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ huyện Văn Quan tiếp tục thực hiện các giải pháp đã đề ra để giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, phấn đấu giảm từ 0,6 đến 0,7 điểm %/năm; duy trì tỷ số giới tính ở mức cân bằng tự nhiên, góp phần nâng cao chất lượng dân số, bảo đảm an sinh xã hội.
Ý kiến ()