Văn Quan: Chú trọng phát triển chế biến lâm sản ngoài gỗ
– Những năm gần đây, huyện Văn Quan đã tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân đẩy mạnh trồng, chăm sóc gắn với phát triển chế biến lâm sản ngoài gỗ. Cùng đó, tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp trong đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, qua đó góp phần đa dạng hóa sản phẩm, tăng giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân.
Huyện Văn Quan có tổng diện tích đất tự nhiên trên 54.775,91 ha, trong đó, diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp trên 36.764,11 ha; diện tích đất có rừng trên 31.231,3 ha. Toàn huyện hiện có khoảng 1.300 ha sở, trong đó có 450 ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt 2.400 tấn quả/năm; trên 14.500 ha hồi, chiếm hơn 42% diện tích hồi toàn tỉnh, sản lượng đạt từ 26.000 đến 30.000 tấn hoa hồi tươi/năm.
Sản phẩm tinh dầu hồi huyện Văn Quan thu hút được nhiều khách hàng lựa chọn tại Tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản tỉnh Lạng Sơn diễn ra vào tháng 8/2022 tại Hà Nội
Đặc biệt, theo các nghiên cứu cho thấy, các chỉ số về hàm lượng tinh dầu của hoa hồi tại huyện Văn Quan đều đạt và vượt trội so với sản phẩm cùng chủng loại ở địa phương khác. Với tiềm năng, lợi thế đó, hằng năm, UBND huyện xây dựng kế hoạch phát triển lâm sản ngoài gỗ; giao chỉ tiêu và chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia trồng và chăm sóc gắn với phát triển chế biến.
Ông Nông Văn Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Quan cho biết: Để phát triển lâm sản ngoài gỗ theo hướng bền vững, phòng đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban liên quan, các xã, thị trấn quan tâm, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) phát triển sản xuất gắn với chế biến và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Cùng đó, phòng tăng cường tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, nâng cao năng suất, chất lượng sở, hồi, qua đó mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập cho người dân.
Cụ thể, từ năm 2019, UBND huyện đã tạo điều kiện thuận lợi để Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng và Giao thông Hà Nội đầu tư xây dựng nhà máy chế biến hoa hồi trên địa bàn. Theo đó, các ngành chức năng của huyện, UBND thị trấn Văn Quan đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng tạo quỹ đất sạch để doanh nghiệp xây dựng nhà máy, dự kiến khởi công trong quý I/2023 với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, nhà máy sẽ đưa vào vận hành trong quý I/2025 để sản xuất các sản phẩm tinh chất từ hồi, phục vụ cho xuất khẩu.
Ngoài ra, UBND huyện cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn huyện tích cực hỗ trợ HTX và các hộ dân phát triển chế biến tinh dầu sở, tinh dầu hồi gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm… Theo đó, năm 2020, huyện Văn Quan đã quan tâm hỗ trợ chủ thể xây dựng sản phẩm tinh dầu hồi thành sản phẩm OCOP.
Ông Nông Văn Tú, thôn Nà Hấy, xã Bình Phúc cho biết: Gia đình tôi làm nghề chưng cất tinh dầu hồi đã nhiều năm, tuy nhiên, trước đây gia đình chưng cất theo phương pháp thủ công. Năm 2019, gia đình tôi đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua hệ thống chưng cất tinh dầu hồi bằng nồi hơi áp suất chạy bằng điện, nhờ đó năng suất, chất lượng sản phẩm được tăng lên. Năm 2020, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ trên 220 triệu đồng để xây dựng sản phẩm tinh dầu hồi thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Theo đó, tôi được ngành chức năng huyện hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ; hỗ trợ thiết kế, bộ nhận diện thương hiệu (logo, bao bì, tem truy xuất, website); đăng ký chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến… Kết quả, tháng 1/2021, sản phẩm tinh dầu hồi của gia đình đạt sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Qua đó, sản phẩm được nhiều người biết đến, thị trường tiêu thụ rộng mở, giá trị được nâng cao, mang lại thu nhập cho gia đình từ 300 đến 400 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, với vùng nguyên liệu sở trên 1.300 ha, huyện đã quan tâm, hỗ trợ phát triển chế biến dầu sở. Bà Chu Thị Mai, Giám đốc HTX Văn Quan Xanh, thị trấn Văn Quan cho biết: Năm 2020, HTX được Nhà nước hỗ trợ hơn 3 tỷ đồng để xây dựng nhà kho và hệ thống lưới điện phục vụ cho hoạt động chế biến dầu sở. Cùng đó, HTX đối ứng thêm kinh phí để đầu tư hệ thống máy móc. Đến nay, sản phẩm dầu sở Văn Quan của HTX đã được xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, đáp ứng đủ điều kiện để đưa ra thị trường… Tại các chương trình hội chợ, tuần lễ quảng bá, sản phẩm tinh dầu sở của HTX đã thu hút được sự quan tâm của nhiều khách hàng và được đánh giá cao về chất lượng.
Bà Hứa Phong Lan, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Quan cho biết: Để phát triển lâm sản ngoài gỗ theo hướng bền vững, trong giai đoạn 2022 – 2025, huyện sẽ tiếp tục mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng vùng trồng hồi, sở trên địa bàn; phấn đấu đến năm 2025, diện tích hồi trên địa bàn toàn huyện đạt 15.000 ha, sở đạt trên 1.400 ha. Cùng với đó, huyện cũng tập trung chỉ đạo ngành chuyên môn hướng dẫn người dân chăm sóc, cải tạo, thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng hồi và sở trên địa bàn.
Đồng thời, huyện phấn đấu đến năm 2025, nhà máy chế biến hoa hồi được đưa vào hoạt động ổn định với quy mô công suất chế biến đạt 5.000 tấn hồi khô/năm; phát triển mở rộng các cơ sở, HTX chế biến tinh dầu sở để đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài… Từ đó, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về lâm sản ngoài gỗ trên địa bàn.
Việc phát triển trồng, chăm sóc gắn với chế biến lâm sản ngoài gỗ là hướng phát triển lâm nghiệp bền vững. Qua đó, không chỉ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, ổn định về giá, giải quyết việc làm cho người lao động mà còn nâng cao giá trị và tăng thu nhập cho người dân.
Ý kiến ()