Văn Quan: Chủ động phòng trừ bọ ánh kim hại hồi
(LSO) – Hiện nay, diện tích cây hồi tại một số xã trên địa bàn huyện Văn Quan đang bị bọ ánh kim gây hại ở mức độ nhẹ. Để mức độ sâu không gia tăng gây hại, cơ quan chuyên môn và người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ.
Huyện Văn Quan hiện có trên 9.800 ha hồi, trong đó diện tích cho thu hoạch là trên 8.100 ha, sản lượng năm 2019 đạt trên 5.500 tấn hồi khô. Đây là một trong những nguồn thu chủ yếu của bà con nhân dân trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, từ ngày 24/2/2020, sâu non bọ ánh kim xuất hiện gây hại trên cây hồi. Đến nay, 150 ha hồi bị bọ ánh kim gây hại, mật độ sâu non trung bình 3 đến 5 con/cây, tập trung tại các xã như: Khánh Khê, Yên Phúc, Tân Đoàn, Tràng Phái, An Sơn. Trong đó, diện tích đến ngưỡng gây hại kinh tế là 30 ha, với mật độ sâu non trung bình 10-30 con/cây, cao 50-70 con/cây.
Ông Mã Văn Trưởng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Để phòng trừ và giảm thiểu thiệt hại do bọ ánh kim gây ra, trung tâm thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo các hộ có rừng hồi chủ động thăm rừng, kịp thời phát hiện có bọ ánh kim và phun trừ kịp thời. Cùng với đó, chỉ đạo các cán bộ thường xuyên bám sát, điều tra theo dõi định kỳ và mở rộng tuyến điều tra, kịp thời ra các văn bản thông báo, dự báo tình hình bọ ánh kim gây hại.
Bọ ánh kim hại cây hồi
Ông Hoàng Văn Chèo, thôn Thanh Sơn, xã Khánh Khê cho biết: Hơn một tháng trước, khi đi hái hồi trái vụ, tôi phát hiện hơn 2 ha rừng hồi của mình bắt đầu bị bọ ánh kim gây hại, tôi đã báo cáo chính quyền xã. Được cán bộ hướng dẫn cách phòng trừ, cùng với kiến thức được tập huấn năm 2019 nên trong khi vừa hái hồi, thấy cây có ổ trứng và sâu non bọ ánh kim thì tôi ngắt để tiêu hủy ngay. Do diện tích rừng lớn, chưa kiểm tra được hết, hiện hơn 1 ha hồi của tôi vẫn bị bọ ánh kim gây hại. Tôi đã mua sẵn thuốc để kịp phun ngay vào đầu tháng 5/2020, vì thời điểm đó, bọ mới vũ hóa khỏi mặt đất, chưa thực sự linh hoạt, sức bay còn yếu, phun thuốc lúc đó có hiệu quả nhất.
Không riêng ông Chèo, nhiều hộ dân tại thôn Thanh Sơn cũng đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ bọ ánh kim hại hồi. Hiện xã Khánh Khê có 15 ha hồi bị bọ ánh kim gây hại, trong đó có 2 ha hồi đến ngưỡng gây hại về kinh tế. Ông Hoàng Văn Mẫn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Cây hồi là cây đem lại nguồn thu lớn cho nhiều hộ dân trong xã, vì vậy, xã rất quan tâm đến công tác phòng trừ sâu bệnh hại hồi. Xã chỉ đạo cán bộ phụ trách lĩnh vực trồng trọt, khuyến nông viên bám sát cơ sở, theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu bệnh, để kịp thời phát hiện và phòng trừ. Khi có thông tin hồi bị bọ ánh kim gây hại, các hộ dân có rừng hồi đã chủ động áp dụng biện pháp thủ công để bắt sâu và chuẩn bị thuốc phun. Nhờ đó, diện tích hồi bị bọ ánh kim gây hại ở giai đoạn này ít hơn những năm trước.
Tuy vậy, theo ông Mã Văn Trưởng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Văn Quan, đối với bọ ánh kim, giai đoạn phát triển và gây hại mạnh nhất vào thời điểm tháng 5 đến cuối tháng 8 và khi sâu trưởng thành thì việc phòng trừ sẽ càng khó. Do vây, đây là thời điểm mà bà con trồng hồi cần chủ động phun thuốc để diệt trừ sâu còn non. Bên cạnh đó, bà con nông dân cần tăng cường kiểm tra, thăm rừng để kịp thời phát hiện sâu bệnh hại và phun trừ, không để gia tăng trên diện rộng.
Ý kiến ()