Văn Quan: Chủ động phòng chống sâu bệnh hại cây hồi
(LSO) -Hiện nay, diện tích cây hồi trên địa bàn huyện Văn Quan bị bệnh đốm lá (thán thư), bọ ánh kim gây hại. Để hạn chế, không bùng phát sâu bệnh gây hại thành dịch, cơ quan chuyên môn, người dân tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ.
Những ngày đầu tháng 8/2019, chúng tôi gặp anh Vy Văn Chiến, thôn Pò Xè, xã Tân Đoàn khi anh đang thu hái quả hồi. Trèo lên cây hồi, sau mỗi lần hái quả bỏ vào túi đựng, anh Chiến lại vạch từng kẽ lá, nhành cây như tìm kiếm một vật gì đó. Thấy chúng tôi thắc mắc, anh Chiến cho biết: Tôi vừa thu hái hồi, vừa kiểm tra xem có bọ ánh kim gây hại hay không để bắt. Đặc biệt vào thời điểm này, bọ ánh kim đã chuyển sang giai đoạn đẻ trứng. Vì vậy, trong quá trình thu hái quả, tôi tìm và bắt ngay bọ ánh kim và các ổ trứng. Một ổ trứng của bọ ánh kim có thể nở ra hàng trăm con, việc bắt bỏ các ổ trứng sẽ tránh được thiệt hại nặng do bọ ánh kim gây ra. Bởi nếu bọ ánh kim gây hại nặng, việc diệt trừ bằng phun thuốc rất khó khăn, một bình phun 20 lít chỉ phun được từ 6 đến 7 cây hồi, do địa hình đồi dốc, cây cao, rất khó phun.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn người dân xã Tân Đoàn cách phòng trừ bọ ánh kim gây hại
Không chỉ anh Chiến, nhiều gia đình trong thôn cũng chủ động bắt bọ ánh kim gây hại. Bà Nguyễn Thị Hải Yến, cán bộ nông lâm xã Tân Đoàn cho biết: Toàn xã có trên 200 ha hồi, việc phòng trừ sâu bệnh cho hồi được xã quan tâm chỉ đạo. Trong đó, hằng năm, xã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh mở lớp tập huấn về chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại hồi. Do xã và người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ nên bọ ánh kim được khống chế, mật độ gây hại thấp. Hiện nay, bọ ánh kim tiếp tục gây hại rải rác ở các thôn của xã nhưng với mật độ thấp. Trong tháng 7 vừa qua, xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh mở lớp tập huấn tại xã cho trưởng thôn, người dân của 11/11 thôn về chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây hồi. Qua đó không để sâu bệnh, nhất là bọ ánh kim gây hại.
Tại xã Tràng Phái, ngay sau khi phát hiện bệnh đốm lá trên cây hồi vào tháng 5/2019, anh Hoàng Văn Ba, thôn Còn Chuông báo cáo với UBND xã. Sau khi nhận được phản ánh, UBND xã thông tin đến phòng chuyên môn huyện và được cán bộ chuyên môn xuống kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ. Anh Ba cho biết: Qua theo dõi tình hình bệnh đốm lá gây hại và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, hiện nay, tôi chuẩn bị mua thuốc về phun phòng trừ. Một số gia đình trong thôn xuất hiện bệnh đốm lá trên cây hồi đã chủ động mua thuốc về phun.
Xã Tràng Phái có gần 460 ha hồi, hiện bệnh đốm lá và bọ ánh kim đang gây hại. Trong đó, cây hồi các thôn: Còn Chuông, Phai Làng, Túng Nọi, Còn Riềng bị bệnh đốm lá gây hại; thôn Túng Nọi, Còn Riềng bị bọ ánh kim gây hại với mật độ thấp. Hiện đang là mùa thu hoạch quả hồi, nên người dân vừa thu hái vừa dùng biện pháp thủ công (bằng tay) để loại bỏ sâu bệnh gây hại. Ngoài ra, trong tháng 7/2019, xã phối hợp tổ chức tập huấn cho người dân các biện pháp phòng trừ sâu bệnh gây hại cây hồi.
Huyện Văn Quan có khoảng 13.000 ha hồi, từ đầu năm đến nay có bọ ánh kim, bệnh đốm lá gây hại. Để phòng trừ sâu bệnh gây hại, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thường xuyên theo dõi, dự báo tình hình sâu bệnh; tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây hồi. Cùng với đó, trong tháng 7/2019, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh tổ chức tập huấn về chăm sóc phòng trừ sâu bệnh hại cây hồi cho một số xã như: Tràng Phái, Tân Đoàn, Bình Phúc. Qua đó, cây hồi phát triển ổn định, không có sâu bệnh gây hại thành dịch.
Ông Mã Văn Trưởng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Hiện nay, bọ ánh kim gây hại, mật độ 2 – 4 con/cây và trứng từ 6 – 10 ổ/cây; bệnh đốm lá gây hại tỉ lệ 8% – 15% lá tập trung ở các xã: Bình Phúc,Yên Phúc, Tân Đoàn,Tràng Phái, Chu Túc. Dự báo thời gian tới, bọ ánh kim trưởng thành tiếp tục đẻ trứng, bệnh đốm lá tỉ lệ bệnh phát triển tăng dần. Vì vậy, Trung tâm cử cán bộ theo dõi chặt chẽ, dự báo kịp thời tình hình sâu bệnh gây hại. Ngoài ra, người dân cần chủ động vệ sinh rừng, bắt bọ ánh kim và trứng để hạn chế trứng nở thành sâu non gây hại vào năm sau.
Ý kiến ()