Văn Quan: Chủ động khắc phục hậu quả sau mưa bão
- Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều đợt mưa lớn, gây thiệt hại về kinh tế. Trong đó, Văn Quan là địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề, ước tính thiệt hại gần 8 tỷ đồng. Trước thực tế đó, UBND huyện đã chủ động thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả sau mưa bão, ổn định đời sống người dân.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) huyện, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn huyện đã chịu ảnh hưởng của 4 đợt mưa dông gây thiệt hại lớn về giao thông, nhà ở và hoa màu. Trong đó, điển hình có hai đợt mưa lớn ngày 21/4 và 30/7 vừa qua.
Do ảnh hưởng của thiên tai, toàn huyện đã có 4 người bị thương; 354 nhà ở và nhà bếp bị ảnh hưởng; có 36 điểm sạt lở trên các tuyến đường; hơn 280 ha lúa, hoa màu thiệt hại từ 30 – 70%... Ước tổng thiệt hại gần 8 tỷ đồng.
Ông Hoàng Văn Thuận, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chủ động ban hành kế hoạch PCTT và TKCN trên địa bàn huyện và phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai; phân công các cơ quan, đơn vị, tổ chức theo chức năng, nhiệm vụ chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức PCTT và TKCN theo ngành, lĩnh vực và bám sát địa bàn, chỉ đạo các xã xây dựng các văn bản chỉ đạo và phân công tổ chức thực hiện, chủ động phương tiện, lực lượng, công tác hậu cần tại chỗ theo phương châm 4 tại chỗ, trực ban để nắm bắt, hỗ trợ, khắc phục và báo cáo kịp thời. Ngay sau khi có mưa bão xảy ra trên địa bàn huyện, UBND huyện đã thành lập đoàn trực tiếp kiểm tra tại hiện trường, chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện phối hợp với các xã, thị trấn rà soát, thống kế mức độ thiệt hại và báo cáo cấp tỉnh theo quy định.
Đồng thời, chỉ đạo các xã chủ động bố trí hỗ trợ người dân, không để hộ nào thiếu lương thực, nước uống, thuốc men và các nhu yếu phẩm cần thiết khác; bố trí phương tiện, huy động nguồn lực tại chỗ hỗ trợ người dân di chuyển tài sản, con người đảm bảo an toàn và hỗ trợ, giúp đỡ các hộ bị thiệt hại khắc phục thiệt hại.
Bà Hoàng Thị Hiếu, Chủ tịch UBND xã Điềm He cho biết: Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn xảy ra nhiều trận mưa lớn, đặc biệt ngày 30/7, mưa lớn đã gây thiệt hại về giao thông, nhà ở, hoa màu trên địa bàn xã. Cụ thể, mưa lớn gây tốc mái và sạt lở đất ở 11 nhà dân, thiệt hại 6,2 ha hoa mùa và sạt lở trên các tuyến đường thôn với chiều dài 100 m, tổng khối lượng đất đá sạt lở 300 m3... Để khắc phục hậu quả của mưa lớn, ngày 31/7, Ban Chỉ đạo PCTT và TCKN xã đã kiểm tra các điểm bị ảnh hưởng và huy động 1 máy xúc và 3 xe ô tô chở đất, đá để khắc phục những điểm sạt lở trên các tuyến đường, huy động lực lượng dân quân, các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn xã với tổng số hơn 60 người tham gia hỗ trợ các gia đình bị sạt lở đất. Đồng thời, tuyên truyền người dân chủ động số lượng giống dự phòng để gieo lại những diện tích lúa, hoa màu bị ngập úng. Đến thời điểm hiện tại, các điểm sạt lở trên các tuyến đường đã cơ bản được khắc phục và lưu thông, ổn định đời sống cho người dân.
Ông Hứa Văn Bến, thôn Nà Bung, xã Điềm He cho biết: Do ảnh hưởng của mưa lớn ngày 30/7, đất từ trên đồi cao sạt lở xuống đằng sau nhà tôi với khối lượng khoảng 70 m3. Ngay sau đó gia đình tôi đã được lực lượng dân quân, các tổ chức hội, đoàn thể, thanh niên trên địa bàn xã hỗ trợ khắc phục kịp thời. Đến nay, khối lượng đất đá được dọn sạch sẽ, đảm bảo ổn định cuộc sống của gia đình.
Bên cạnh đó, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan huy động máy móc để thực hiện khắc phục tạm thời các điểm sạt lở tại các tuyến đường giao thông.
Đơn cử, riêng sau đợt mưa lớn ngày 30/7, UBND huyện đã huy động 3 máy xúc, 8 xe ô tô tải để xúc đất, đảm bảo thông xe đối với các điểm có khối lượng sạt lở nhỏ. Đối với các điểm sạt lở lớn yêu cầu kinh phí khắc phục và kỹ thuật cao, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các đơn vị liên quan xin ý kiến Sở Giao thông vận tải để xây dựng phương án và biện pháp khắc phục...
Nhờ sự chủ động của UBND huyện cùng sự nỗ lực của các xã, thị trấn, công tác khắc phục hậu quả do thiên tai đã và đang tiếp tục được đẩy mạnh, đến thời điểm này, đã cơ bản ổn định đời sống người dân, giao thông đảm bảo thông suốt.
Thời gian tới, để chủ động ứng phó thiên tai trong mùa mưa bão, hạn chế tối đa thiệt hại, UBND huyện tiếp tục tăng cường công tác rà soát các vị trị trọng yếu có nguy cơ sạt lở, ngập úng để có giải pháp cảnh báo, di dời khi có mưa bão; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị bám sát kế hoạch, phương án, nhiệm vụ được phân công để chủ động tham mưu ứng phó với các tình huống thiên tai; chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, cảnh báo của các cấp, các ngành và thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ). Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân về diễn biến thời tiết, tình hình thiên tai để chủ động ứng phó.
Ý kiến ()