Văn Quan: Cần quản lý chặt các vườn ươm cây hồi giống
– Văn Quan là huyện có diện tích trồng hồi lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Vài năm trở lại đây, hồi được giá nên người dân trên địa bàn huyện đã chú trọng hơn đến công tác trồng, chăm sóc, do đó nhu cầu về cây hồi giống ngày càng tăng cao. Để đảm bảo chất lượng, nguồn gốc cây giống, việc tăng cường quản lý đối với các vườn ươm trên địa bàn là rất cần thiết.
Vài năm trở lại đây, nhiều gia đình trên địa bàn huyện Văn Quan đã đẩy mạnh phát triển các vườn ươm giống cây lâm nghiệp để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Quan kiểm tra vườn ươm cây hồi giống trên địa bàn huyện
Là hợp tác xã (HTX) duy nhất trên địa bàn huyện phát triển ươm cây giống lâm nghiệp, mỗi năm HTX Văn Quan Xanh (thị trấn Văn Quan) cung cấp ra thị trường 500.000 – 600.000 cây hồi giống. Bà Chu Thị Mai, Giám đốc HTX cho biết: Để đảm bảo chất lượng cây giống, HTX đã lựa chọn các lô hạt giống có nguồn gốc rõ ràng, được công nhận và ghi chép đầy đủ hồ sơ cây giống khi xuất bán.
Trái với vườn ươm của bà Mai, nhiều vườn ươm trên địa bàn huyện dù chưa đáp ứng điều kiện sản xuất giống cây lâm nghiệp vẫn tiến hành sản xuất, kinh doanh và bán ra thị trường với hàng chục nghìn cây giống mỗi năm. Ông N.V.B, chủ vườn ươm tại phố Điềm He 2, xã Điềm He cho biết: Nhận thấy nhu cầu về cây hồi giống để trồng rừng của người dân tăng cao nên từ đầu năm 2022, tôi quay lại phát triển vườn ươm sau 3 năm tạm dừng. Từ đầu năm 2022 đến nay, vườn ươm của gia đình tôi xuất bán khoảng 70.000 cây hồi giống ra thị trường. Về hạt giống, hiện tôi mua hạt từ những cây hồi trội của các hộ dân trên địa bàn về ươm, quy trình sản xuất chủ yếu dựa trên kinh nghiệm bản thân, chưa theo tiêu chuẩn hay kỹ thuật nào.
Không chỉ vườn ươm trên, thực tế trên địa bàn huyện còn nhiều vườn ươm chưa đáp ứng các điều kiện quy định trong sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp. Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện, toàn huyện hiện có 9 vườn ươm giống cây lâm nghiệp, chủ yếu ươm cây hồi giống. Trong đó, hiện chỉ có 2 cơ sở đáp ứng đủ các quy định trong sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp như: có hồ sơ đảm bảo truy xuất nguồn gốc lô giống; có giấy phép đăng ký kinh doanh… Ngoài ra, các vườn ươm còn lại đều hoạt động theo hình thức tự phát, một số vườn sản xuất theo thời vụ; chưa có hồ sơ chứng minh nguồn gốc hạt giống, chưa có quy trình sản xuất theo đúng tiêu chuẩn. Khi xuất bán, các chủ vườn chưa ghi chép hồ sơ lô hàng; cây giống khi bán cũng không được kiểm tra các điều kiện về chiều cao, đường kính cây… theo quy định.
Bà Hứa Thị Yếm, thôn Nà Bung, xã Điềm He cho biết: Hằng năm, gia đình tôi đều tiến hành trồng mới, trồng thay thế những diện tích hồi già cỗi, thoái hóa. Thường mỗi năm, gia đình trồng mới từ 100 đến 200 cây hồi. Do chưa chú trọng khâu chọn cây giống nên nhiều năm liền gia đình tôi mua phải cây giống chất lượng không đảm bảo. Cây sau khi trồng có tỷ lệ sống thấp, còi cọc, chậm phát triển. Gia đình đã phải bỏ thêm chi phí để mua cây giống mới về trồng lại.
Hiện nay, việc quản lý các vườn ươm cây giống lâm nghiệp tự phát trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các chủ vườn chưa nắm rõ các quy định trong sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp nên chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy trình; một số vườn hoạt động theo thời vụ, chỉ sản xuất vào các thời điểm thị trường cây giống có nhu cầu cao. Khi được kiểm tra, các chủ vườn đều đưa ra lý do tự ươm cây giống để phục vụ gia đình… Do đó, rất khó để lực lượng chức năng xử lý.
Ông Hứa Nguyễn Hoàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Quan cho biết: Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân các quy định về quản lý giống. Cùng đó, hỗ trợ các chủ vườn trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục; phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn thực hiện liên kết các hộ sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp thành các tổ hợp tác, HTX. Qua đó, đồng bộ quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng cây giống, tạo thuận lợi cho công tác quản lý của cơ quan Nhà nước.
Được biết, trung bình mỗi năm, các vườn ươm trên địa bàn huyện xuất bán ra thị trường từ 2,7 đến 3 triệu cây hồi giống (nhiều nhất trong các huyện trên địa bàn tỉnh); phục vụ thị trường trong tỉnh và các tỉnh như: Cao Bằng, Bắc Kạn… Riêng tại huyện Văn Quan, từ đầu năm 2022 đến nay, toàn huyện đã trồng mới được trên 800 ha hồi. Để đảm bảo chất lượng cây giống, đáp ứng nhu cầu của người dân, thiết nghĩ các cấp, ngành chức năng trên địa bàn cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát đối với các vườn ươm. Từ đó hướng dẫn, hỗ trợ các chủ vườn thực hiện đúng quy định trong sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp.
Ý kiến ()