Văn Quan: Cần khắc phục hạn chế trong hỗ trợ phát triển sản xuất
– Từ năm 2018 đến nay, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất (PTSX) thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Văn Quan đã phân bổ 13,5 tỷ đồng hỗ trợ cho 451 lượt hộ dân. Tuy vậy, hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ còn thấp, việc nhân rộng mô hình PTSX chưa thực sự rõ nét.
Năm 2019, Tú Xuyên vẫn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Quan. Từ nguồn vốn hỗ trợ PTSX của chương trình xây dựng NTM, tháng 9/2019, xã được phân bổ 350 triệu đồng hỗ trợ mô hình trồng ngô sinh khối tại thôn Lũng Cải với quy mô 16,3 ha do Hợp tác xã (HTX) Nông sản sạch Lạng Sơn thực hiện.
Bà Hoàng Ngọc Anh, Giám đốc HTX Nông sản sạch Lạng Sơn cho biết: Khác với những loại ngô trồng để lấy bắp, ngô sinh khối trồng chủ yếu để lấy cây phục vụ chăn nuôi gia súc. Từ nguồn vốn được hỗ trợ, HTX đã triển khai thực hiện và liên kết tiêu thụ với Công ty Cổ phần ECI Lạng Sơn. Quá trình thực hiện, cây ngô phát triển tốt, có đầu ra, cho hiệu quả kinh tế khá. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển mô hình đòi hỏi diện tích đất trồng phải rộng, giao thông phải thuận lợi, quy mô lớn thì sản xuất mới có hiệu quả cao, trong khi thực tế quỹ đất của HTX hạn hẹp, việc liên kết với người dân để trồng gặp nhiều khó khăn. Do đó HTX đã không tiếp tục duy trì, phát triển mô hình.
Người dân xã Liên Hội chăm sóc rừng hồi thuộc mô hình sản xuất hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ
Cũng trong năm 2019, từ 250 triệu đồng vốn hỗ trợ sản xuất thuộc chương trình xây dựng NTM, xã Vân Mộng (nay là Liên Hội) đã hỗ trợ 13 hộ dân trên địa bàn gà giống, thức ăn và kỹ thuật chăm sóc giống gà Tiên Yên. Theo đó, mỗi hộ dân nhận được 380 con gà giống, nuôi với hình thức chăn thả dưới tán rừng hồi. Tuy nhiên, đến nay mô hình cũng không còn duy trì. Ông Lương Thế Cường, Chủ tịch UBND xã cho biết: Vốn quen với việc chăn nuôi nhỏ, lẻ theo kiểu truyền thống nên sau khi xuất bán hết lứa gà được hỗ trợ, người dân lại quay về nuôi giống gà ta với quy mô nhỏ chỉ từ 30 đến 70 con, chủ yếu để phục vụ nhu cầu của gia đình.
Theo số liệu thống kê, từ năm 2018 đến hết năm 2020, từ nguồn vốn hỗ trợ PTSX xây dựng NTM (gồm dự án hỗ trợ PTSX; dự án nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả và hỗ trợ đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất), huyện Văn Quan đã phân bổ 13,5 tỷ đồng hỗ trợ cho 451 lượt hộ dân tại 14 xã trên địa bàn để thực hiện 31 mô hình.
Trong đó, riêng tiểu dự án hỗ trợ PTSX thực hiện hỗ trợ 22 mô hình, đến nay chỉ còn duy trì 11 mô hình, tuy nhiên, hiệu quả kinh tế không cao, diện tích giảm dần. Đơn cử như mô hình trồng cúc hoa dược liệu tại xã Điềm He triển khai năm 2020 với quy mô 1,1 ha đến nay chỉ còn duy trì khoảng 0,8 ha; về tiểu dự án nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả và hỗ trợ đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất đã thực hiện hỗ trợ 9 mô hình, đến nay các mô hình vẫn được duy trì nhưng khó nhân rộng. Thực tế cho thấy các mô hình được hỗ trợ, duy trì được đến nay chủ yếu là mô hình trồng cây lâu năm như: hồi, sở, hạt dẻ ở các xã: Tràng Phái, Bình Phúc, Tân Đoàn… và chủ yếu những mô hình mới được triển khai từ cuối năm 2020; còn những mô hình cây ngắn ngày như: cúc hoa, nghệ đỏ, nghệ đen, cà gai leo… triển khai từ các năm 2018, 2019 đều không còn duy trì, nhân rộng.
Bà Hứa Phong Lan, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đầu năm 2021, huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tổng kết các mô hình, dự án giai đoạn 2016 – 2020 để đánh giá, phân tích những hạn chế, nguyên nhân. Qua đó chúng tôi nhận thấy còn nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế thấp, khó nhân rộng, nguyên nhân là do việc lựa chọn cây, con chưa phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như nhu cầu thị trường; trình độ sản xuất của người dân còn hạn chế; khâu tổ chức sản xuất còn yếu và đặc biệt là thị trường tiêu thụ nhỏ, hẹp, không ổn định. Cùng với đó, cơ quan chức năng huyện cũng chưa làm tốt công tác tìm kiếm, liên kết tiêu thụ cho người dân dẫn đến các sản phẩm khó về đầu ra,…. Vậy nên, người dân chỉ làm khi có hỗ trợ, hết hỗ trợ là người dân thôi nên nhiều mô hình không còn duy trì.
Từ thực tế trên, huyện đã đề ra những giải pháp phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện giai đoạn 2021 – 2026 đạt kết quả cao. Trong đó, xác định sản xuất phải gắn liền với định hướng và thị trường tiêu thụ nên thời gian tới, huyện sẽ tập trung phát triển những sản phẩm thế mạnh, chủ lực của địa phương. Xem xét, lựa chọn kỹ các mô hình hỗ trợ phù hợp mang lại hiệu quả cao; tìm kiếm liên kết tiêu thụ nông sản cho bà con; tập trung nâng cao chất lượng sản xuất theo các tiêu chuẩn và cấp chứng chỉ vùng trồng theo yêu cầu thị trường.
Ý kiến ()