Thứ 7, 12/04/2025 07:30 [(GMT +7)]
Văn phòng Thừa phát lại: Vừa làm vừa gỡ
Thứ 3, 01/06/2010 | 09:25:00 [(GMT +7)] A A
Mới đây, năm Văn phòng Thừa phát lại (TPL) đầu tiên của TP Hồ Chí Minh (cũng là của cả nước) đã chính thức nhận quyết định thành lập. Đây là mô hình mới, được triển khai thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh, tạo tiền đề cho việc xã hội hóa hoạt động này trên phạm vi cả nước. Phóng viên NDĐT đã có buổi trao đổi với ông Lê Mạnh Hùng – Trưởng Văn phòng TPL ở quận Bình Thạnh (Thành phố Hồ Chí Minh) (ảnh) về một số vấn đề của văn phòng TPL.
PV: Xin ông cho biết, các văn phòng TPL trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh lại đã thực sự đi vào hoạt động chưa?
Ông Lê Mạnh Hùng :Tuy các văn phòng TPL đã có quyết định thành lập nhưng chính thức hoạt động thì tất cả các văn phòng đều chưa vì có nhiều vướng mắc ở việc khắc dấu, khi nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh. Theo cơ quan tiếp nhận giấy đăng ký kinh doanh, chức năng của văn phòng TPL là công, nhưng lại hoạt động theo hình thức doanh nghiệp tư nhân nên chẳng biết cấp dấu như thế nào, phải chờ. Chúng tôi đã có phản hồi với Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp về vấn đề vướng mắc này. Hiện Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn gửi Công an thành phố, tuần tới chắc sẽ có con dấu, có con dấu thì chúng tôi mới tiến hành các việc tiếp theo được.
PV: Vậy còn vướng mắc gì khác nữa không thưa ông?
Ông Lê Mạnh Hùng:Ý tưởng ban đầu của văn phòng chỉ là lập vi bằng và tống đạt giấy tờ còn THA khó khăn. Tôi cho rằng điều này phụ thuộc rất lớn vào bản lĩnh TPL, đặc biệt trưởng văn phòng, chưa vận hành nên chưa nói vướng mắc cụ thể. Hôm trước trao quyết định, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính có nói trong quá trình làm nếu có vướng mắc (chắc chắn sẽ có) thì cần chủ động phản ánh kịp thời để giải quyết. Hiện nhiều người cho rằng, mô hình hoạt động là loại hình Doanh nghiệp tư nhân sao luật trao quyền cho lớn thế. Nhưng tôi nghĩ dù công hay tư, chấp hành viên hay TPL thì đều là người thực hiện bản án, mục đích cuối cùng là tính hiệu lực của bản án chứ không phải ai là người thực hiện mà công hay tư.
Ngoài ra, hiện chưa có Thông tư hoạt động liên quan đến phí, đặc biệt là về việc tống đạt, vẫn chưa có thống nhất giữa Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và TANDTC.
PV: Những gì thuộc bí mật đời tư, thừa pháp lại có được lập vi bằng?
Ông Lê Mạnh Hùng:Vi bằng được lập ra để ghi nhận sự kiện, hiện tượng mang tính hình thức,còn nội dung của vi bằng có chấp nhận không còn do Thẩm phán, tôi ghi nhận đúng sự thật, hiện tượng đó nhưng khi ra tòa thẩm phán quyết định có công nhận vi bằng không.
Vi bằng cũng mới được quy định không biết giới hạn được làm đến đâu. Ví dụ bắt ông đó đang ngoại tình có được lập vi bằng không, có phải xâm phạm bí mật đời tư không. Ở Pháp nếu lăn tăn người ta có thể thông qua thẩm phán. Ngay cả bí mật đời tư hiện cũng chưa rõ theo Bộ luật Dân sự, và vẫn cớ phải làm theo kiểu cứ mò đi rồi sẽ tỏ…Đương sự sẽ được khiếu nại, cần thiết TPL ra tòa với tư cách người làm chứng.
PV: TPL có phải công ty chuyên đòi nợ thuê không?
Ông Lê Mạnh Hùng:Ngay sau khi khai trương cũng có những khách hàng tìm tới chúng tôi yêu cầu đòi nợ thuê. Tôi nói vui tôi đòi nợ đó nhưng phải có bản án đã có hiệu lực. Tuy nhiên, khi hoạt động sẽ phải linh hoạt hơn, đặc biệt trong thi hành án, ví dụ vấn đề cưỡng chế có thể sẽ “vấp”. Chức năng của TPL được cưỡng chế, nhưng phải có phương án và được phê duyệt của Trưởng Thi hành án. Tôi hứng thú với lập vi bằng và thi hành án, còn tống đạt thì không. Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang có khoảng 30% thời gian là tống đạt, tôi cho rằng 30% là xác minh thi hành án. Nếu không xác minh, không có kết quả thì không thể thi hành.

Poll
Ý kiến ()