Vân Nham: Phát triển đàn gia súc, gia cầm
LSO-Trong quý II năm 2010, bệnh dịch tai xanh ở lợn xuất hiện trên diện rộng tại xã Vân Nham, huyện Hữu Lũng, đã có 4 thôn xuất hiện dịch với 272 con lợn bị mắc bệnh, trong đó số đầu lợn chết phải tổ chức tiêu huỷ theo quy định là 138 con. Dịch bệnh tai xanh đã làm cho ngành chăn nuôi và người chăn nuôi ở Vân Nham khốn đốn, ảnh hưởng trực tiếp tới nhiệm vụ phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo ở đây. Đến cuối tháng 7/2010, do công tác dập dịch được tổ chức quyết liệt, tình hình dịch bệnh tai xanh trên đàn lợn ở Vân Nham đã được khống chế và người dân bắt đầu công cuộc phục hồi, phát triển ngành chăn nuôi vốn là thế mạnh trong cơ cấu kinh tế ở Vân Nham trong nhiều năm qua.Đàn gà của ông Tống Văn Xuyên ở thôn Phổng, xã Vân Nham, huyện Hữu LũngTính đến hết tháng 7, tổng đàn gia súc toàn xã khoảng trên 2700 con, trong đó riêng đàn lợn là 2300 con và đàn gia cầm khoảng 30 nghìn con. Hiện trong xã đang có...
Đàn gà của ông Tống Văn Xuyên ở thôn Phổng, xã Vân Nham, huyện Hữu Lũng |
Tính đến hết tháng 7, tổng đàn gia súc toàn xã khoảng trên 2700 con, trong đó riêng đàn lợn là 2300 con và đàn gia cầm khoảng 30 nghìn con. Hiện trong xã đang có sự chuyển dịch rất lớn về cơ cấu đàn vật nuôi là gia súc, gia cầm đối với ngành chăn nuôi trên địa bàn, biểu hiện rõ nhất là số đầu gia cầm có xu hướng phát triển nhanh mạnh và duy trì đàn lợn trong cơ cấu vật nuôi. Anh Phạm Ngọc Thành, cán bộ thống kê của xã Vân Nham cho biết, hiện nay xu hướng chăn nuôi gà, nhất là đối với giống gà mía (nguồn gốc từ tỉnh Bắc Giang) phát triển theo hướng bán công nghiệp ngày càng lớn cả về quy mô và số lượng, nhiều hộ dựa vào điều kiện đồi rừng phát triển chăn nuôi gà bán chăn thả rất hiệu quả, cho thu nhập cao. Số hộ nuôi gà có quy mô từ 500 đến 2000 con một lứa ngày càng tăng, có thời điểm tổng đàn gia cầm trong xã lên tới 40 nghìn con, trong đó riêng đàn gà chiếm tới 2/3. Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, sở dĩ đàn gà nuôi với quy mô lớn ở Vân Nham ngày càng phát triển bởi người dân đã tìm được giống gà mía phù hợp với điều kiện chăn thả ở địa phương. Đây là giống gà có sức đề kháng tốt, dễ nuôi, chất lượng thịt ngon, dễ tìm đầu ra. Chúng tôi tới khảo sát tại một trang trại có diện tích 3 ha của ông Tống Văn Xuyên, thôn Phổng, một người có thâm niên nuôi gà bán công nghiệp lâu năm, ông cho biết; điều kiện tốt nhất để nuôi gà bán chăn thả với số lượng lớn là phải tạo được mặt bằng rộng, tiếp theo là phải có vốn và sau cùng là chịu khó học hỏi, nghiên cứu, tích luỹ kinh nghiệm qua thực tế các mô hình. Ông cho biết thêm, để đầu tư 2000 gà con lấy giống tại Bắc Giang phải đầu tư khoảng 100 triệu đồng tiền vốn, sau 3 tháng chăn theo hướng bán công nghiệp sẽ đạt từ 1,8 đến 2 kg/con. Từ khi nhập gà con đến khi xuất bán trừ các chi phí đầu tư như gà giống, thuốc thú y, thức ăn cho gà, ông thu lãi một lứa được 20 triệu đồng. Chủ tịch UBND xã Vân Nham, ông Trần Văn Dũng thông tin thêm, hiện trên địa bàn xã, số hộ nuôi có quy mô lớn theo mô hình bán công nghiệp từ 1000 đến 2000 con có khoảng 20 hộ, dự báo trong thời gian tới sẽ còn phát triển nhanh hơn nữa.
Công Quân
Ý kiến ()