Vấn nạn dùng chứng nhận xét nghiệm Covid-19 âm tính giả: Đau đầu tìm cách kiểm soát
Để phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, nhiều quốc gia coi giấy chứng nhận xét nghiệm Covid-19 âm tính như một tấm “thẻ thông hành” bắt buộc cần có nếu muốn đi từ quốc gia này đến quốc gia khác. Tuy nhiên, vấn nạn chứng nhận xét nghiệm Covid-19 giả là bài toán đang khiến các nhà chức trách đau đầu trong việc tìm ra phương thức kiểm soát có hiệu quả. Nếu tình trạng này không được ngăn chặn kịp thời, công tác phòng, chống dịch Covid-19 sẽ ngày càng khó khăn và phức tạp.
Theo Trung tâm Phòng ngừa kiểm soát dịch bệnh Mỹ, hiện có gần 120 nước yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 mới được nhập cảnh. Trong khi đó, các quan chức châu Âu cũng đã công bố kế hoạch cho một “Thẻ xanh kỹ thuật số”, cho phép bất kỳ ai được tiêm chủng phòng Covid-19, hoặc những người đã có kết quả xét nghiệm âm tính, hoặc gần đây đã khỏi bệnh có thể đi du lịch trong Liên minh châu Âu (EU).
Tuy nhiên, một số người vì mục đích cá nhân đã bất chấp mối nguy hại, mua các giấy tờ giả như vậy để qua mắt các chốt kiểm tra ở sân bay và biên giới. Không quá khó để tìm thấy những dòng quảng cáo trên các trang mạng xã hội về việc cung cấp các giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính giả. Tại “chợ đen”, người ta đưa ra những lời chào mời hấp dẫn rằng “hộ chiếu vắc xin giả” có thể giúp người mua đi du lịch nước ngoài, tìm kiếm việc làm hay được tham gia các hoạt động công cộng một cách dễ dàng…
Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA) cho biết, họ đã theo dõi vấn nạn làm giả giấy chứng nhận âm tính với Covid-19 ở nhiều nước, từ Pháp, Đức, Brazil, Bangladesh cho tới Afghanistan. Theo số liệu của cảnh sát Đức, chỉ trong thời gian từ ngày 24-1 đến 8-4, Đức ghi nhận 3.838 vụ đi lại bất hợp pháp có sử dụng giấy tờ y tế giả. Trước thực trạng này, cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) đã phải lên tiếng cảnh báo về tình trạng các băng nhóm tội phạm có tổ chức đang làm và bán giấy chứng nhận giả kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trên khắp châu lục. Europol đã bắt giữ nhiều nghi phạm lừa đảo tại các nước Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha và Anh.
Tại Anh, các đối tượng lừa đảo bị bắt quả tang khi đang bán giấy chứng nhận xét nghiệm Covid-19 giả với giá 137 USD, trong khi Hà Lan phát hiện một số trường hợp có hành vi phạm pháp tương tự thông qua các ứng dụng nhắn tin di động. Các tài khoản trên WhatsApp và Snapchat bán giấy xét nghiệm giả chỉ với giá 60-72 USD/tờ, so với 181 USD chi phí xét nghiệm thật. Thời điểm cuối năm ngoái, cảnh sát Pháp cũng đã triệt phá một đường dây làm giả và bán giấy chứng nhận tại sân bay Charles de Gaulle với giá khoảng 181-363 USD/tờ.
Các hãng hàng không cho biết, vấn nạn hành khách sử dụng giấy chứng nhận xét nghiệm Covid-19 giả đã khiến ngành Hàng không gặp nhiều khó khăn trong việc xác định thật – giả bởi hầu hết nhân viên hàng không chưa được đào tạo về vấn đề này. Để khắc phục tạm thời, nhiều hãng hàng không đang thúc đẩy kế hoạch kiểm tra các loại giấy chứng nhận y tế trên nền tảng kỹ thuật số, kể cả chứng nhận đã tiêm chủng hay đã làm xét nghiệm.
Hãng Hàng không Lufthansa của Đức đã tập hợp một danh sách các trung tâm xét nghiệm uy tín được phép hoạt động ở các nước mà hãng hiện có đường bay tới. Mới đây, Hãng Hàng không Qatar Airways đã yêu cầu giấy kết quả xét nghiệm âm tính của hành khách phải được gửi thẳng tới hãng từ các trung tâm xét nghiệm. Trong trường hợp hành khách nào bị phát hiện dùng giấy tờ giả sẽ bị hãng đưa vào “danh sách đen”.
Giám đốc điều hành Hãng Hàng không Qatar Airways, ông Akbar Al Baker cho rằng, tình trạng sử dụng “hộ chiếu vắc xin” giả hiện nay rất khó kiểm soát. Nếu không được ngăn chặn kịp thời, công tác phòng, chống dịch Covid-19 sẽ ngày càng khó khăn và phức tạp hơn.
Ý kiến ()