Vạn Linh: Điểm sáng phong trào phát triển chăn nuôi
– Những năm gần đây, cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cấp ủy, chính quyền xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng đã tuyên truyền người dân trên địa bàn xã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi. Từ đó, giúp người dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
Trước năm 2018, gia đình anh Lê Văn Quý, thôn Mỏ Rọ đã từng chăn nuôi trâu, bò. Tuy nhiên lúc đó, anh chỉ nuôi 1 hoặc 2 con theo hình thức chăn thả nên thời gian nuôi lâu, khi bán cho thu nhập không cao. Từ năm 2018, anh đã chuyển đổi từ chăn nuôi chăn thả sang hình thức nuôi nhốt chuồng, vỗ béo. Anh Quý cho biết: Từ năm 2018 đến nay, tôi nuôi 4 hoặc 5 con bò/lứa. Mỗi lứa nuôi 3 đến 4 tháng, sau khi xuất bán tôi thu lãi từ 4,5 triệu đến 6 triệu đồng/con. Mỗi năm tôi thu lãi hơn 40 triệu đồng. Từ giữa năm 2021, cùng với chăn nuôi bò vỗ béo, tôi đã đầu tư nuôi thêm bò sinh sản để tăng thu nhập. Hiện tổng đàn bò nhà tôi có 20 con.
Người dân thôn Phố Cũ, xã Vạn Linh chăm sóc đàn gà
Cũng phát triển chăn nuôi, hộ ông Đoàn Văn Chính, thôn Phố Cũ đã chủ động liên kết với doanh nghiệp để xây dựng trang trại chăn nuôi gà gắn với bao tiêu sản phẩm, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Chính cho biết: Trước đây, tôi đã có nhiều năm chăn nuôi gà nhưng với số lượng nhỏ, gà hay bị bệnh, thị trường tiêu thụ không ổn định, hay bị tư thương ép giá. Từ năm 2019, tôi đã liên kết với Công ty Japfa Việt Nam và Công ty Cổ phần 3F Việt để phát triển chăn nuôi. Theo đó, tôi đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại và đầu tư hệ thống máng ăn, uống tự động, hệ thống xử lý chất thải, tăng quy mô đàn. Hiện nay, trung bình mỗi năm, tôi nuôi được 3 lứa, mỗi lứa hơn 20.000 con, mỗi năm, đem lại thu nhập hơn 500 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Không chỉ gia đình anh Quý, ông Chính, thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Vạn Linh đã đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm. Toàn xã có hơn 1.400 hộ dân, trên 6.000 nhân khẩu, thì có hơn 80% số hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó, nổi bật là chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa; chăn nuôi trâu, bò theo hình thức nhốt chuồng vỗ béo; chăn nuôi gà đặc sản (gà vàng Vạn Linh) và hình thành trang trại chăn nuôi gà gắn với bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn xã hơn 66.000 con, trong đó, đàn gia cầm 62.000 con, đàn gia súc hơn 4.000 con.
Được biết, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Vạn Linh đã tạo mọi điều kiện để người dân phát triển chăn nuôi. Đơn cử như hằng năm, UBND xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện mở từ 2 đến 4 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho người dân. Nhân viên thú y tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ chăn nuôi phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi…
Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng cho biết: Chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đang từng bước chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, không tập trung sang chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại nhằm kiểm soát dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Trong đó, xã Vạn Linh là xã phát triển mạnh về chăn nuôi, trở thành điểm sáng của huyện, bước đầu xã đã hình thành được một số trang trại có quy mô như: trang trại chăn nuôi gà thương phẩm, quy mô 28.000 con; thành lập HTX chăn nuôi gà vàng Vạn Linh với quy mô 6.000 con.
Chăn nuôi hiệu quả đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Vạn Linh từ 6,6% năm 2018 xuống còn 4,39% năm 2020; thu nhập bình quân đầu người từ 34 triệu đồng/người/năm (năm 2018) lên 43,5 triệu đồng/người/năm (năm 2020).
Ý kiến ()