Thứ 7, 23/11/2024 06:59 [(GMT +7)]
Văn Lãng với Chỉ thị số 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Thứ 5, 27/10/2011 | 08:54:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Năm 2006, với việc Trường mầm mon (MN) xã Hoàng Văn Thụ đạt chuẩn quốc gia, Văn Lãng đã trở thành một trong những huyện đầu tiên trong tỉnh có trường MN nông thôn chuẩn QG. Tuy nhiên, là một huyện miền núi biên giới, giáo dục Văn Lãng còn gặp nhiều khó khăn, trong đó giáo dục mầm non (GDMN) lại chịu nhiều “thiệt thòi” hơn cả.
Giờ vui chơi ngoài trời của các cháu Trường MN thị trấn Na Sầm |
Năm học 2005-2006, toàn huyện có 39 nhóm trẻ với tổng số trẻ ra lớp là 198 cháu với tỷ lệ huy động là 13,9%, thì đã có 29 nhóm trẻ tư thục với 90 cháu; có 5 trường MN với tổng số 92 lớp, huy động 1506 cháu ra lớp MN, trong đó đã cố gắng huy động 98,24% trẻ trong độ 5 tuổi ra lớp. Năm năm qua là một sự cố gắng không ngừng của cấp học MN trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ trong các tầng lớp nhân dân và đảm bảo nâng cao chất lượng đầu vào của cấp tiểu học.
Đến năm 2010, cùng với sự thành lập mới một số trường MN và có các lớp MN gắn với tiểu học, khả năng thu hút trẻ trong độ tuổi nhà trẻ đã tăng lên đạt 17,3%, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 93,7%, trong đó huy động trẻ 5 tuổi đạt 100%. Điều đáng chú ý là, cùng với sự lớn mạnh của loại hình MN công lập, thì các nhóm trẻ loại hình tư thục giảm nhanh và đến cuối năm 2010 chỉ còn 2 nhóm với 18 cháu.
Tuy vậy, trước thời điểm triển khai Chỉ thị số 05-CT/TU, ngày 11/3/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2011-2015, cấp học MN của huyện Văn Lãng vẫn đứng trước những khó khăn to lớn. Trong 20 đơn vị xã, thị trấn, chỉ có 10 trường được tách khỏi phổ thông. Trong 10 trường này chỉ có 2 đơn vị có riêng cơ sở vật chất (CSVC) là Trường MN xã Hoàng Văn Thụ và Trường MN thị trấn Na Sầm; 8 đơn vị còn lại tuy đã có tên, có bộ máy riêng mà vẫn học nhờ trường phổ thông. Còn lại 12/20 đơn vị chỉ có nhóm trẻ và lớp mẫu giáo gắn với trường tiểu học. Nhìn chung, mạng lưới trường lớp MN chưa đáp ứng được nhu cầu huy động trẻ ra lớp; chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng nuôi và dạy; chỉ có 6 trường tổ chức được bữa ăn bán trú cho các cháu. Đối với các trường thuộc địa bàn khó khăn, do dân cư sống rải rác, nên nhiều nơi không thể tổ chức riêng lớp học cho trẻ 5 tuổi. Đến nay, trên địa bàn huyện vẫn chưa có đơn vị nào hoàn thành công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.
Mặt khác, số lượng và chất lượng đội ngũ CBGV cấp học này còn nhiều bất cập, còn thiếu về số lượng và trình độ chưa đáp ứng tốt so với yêu cầu về đổi mới chương trình. Về CSVC, trừ Trường MN xã Hoàng Văn Thụ được đầu tư khá đồng bộ, trường MN thị trấn với CSVC chật hẹp, số còn lại đều trong tình trạng học nhờ; chính sách đầu tư và cơ chế phân bổ kinh phí cho GDMN còn nhiều bất cập, công tác xã hội hóa GDMN chưa đi vào chiều sâu và chưa thật hiệu quả. Quán triệt Chỉ thị 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh và của ngành, với sự lãnh đạo sát sao của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, ngành GD Văn Lãng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 duy trì 100% số xã, thị trấn có lớp mẫu giáo 5 tuổi và đến cuối năm 2015 có ít nhất 95% số trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ ngày. Theo lộ trình thì đến hết năm 2012 có 30% số đơn vị đạt chuẩn và đến hết năm 2015 có 100% số đơn vị đạt chuẩn.
Bà Bế Thị Vẫn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện nói rằng, với “điểm xuất phát” rất thấp, huyện Văn Lãng đề ra 7 giải pháp chủ yếu. Trong đó tuyên truyền phổ biến nhiệm vụ phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi đi liền với thực hiện đổi mới chương trình, nội dung phương pháp để nâng cao chất lượng và làm tốt công tác xã hội hóa trong lĩnh vực GDMN. Xây dựng đội ngũ cán bộ giáo viên, nâng cao chất lượng đội ngũ gắn liền với việc thực hiện các chế độ chính sách đối với giáo viên MN theo Quyết định 161/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư Liên tịch số 71/2007, ngày 28/11/2007 giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Nội Vụ. Tăng cường CSVC cho cấp học MN, đảm bảo sự cân đối giữa việc tách trường MN ra khỏi phổ thông và trang bị CSVC cho ngành học, nhất là đầu tư xây dựng trường lớp học. Giải pháp có tính chất bao trùm mang ý nghĩa quyết định sự phát triển của cấp học MN trên địa bàn Văn Lãng là tăng cường công tác lãnh đạo chỉ đạo từ Đảng bộ huyện đến từng đảng bộ xã và chi bộ thôn bản, khối phố.
Từ nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhận thức trong nhân dân sẽ được nâng lên, để người dân không thờ ơ hoặc có nhận thức không đúng về cấp học quan trọng này. Cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, tổ chức quần chúng vào cuộc mạnh mẽ, nhân dân ủng hộ nhiệt tình, ngành GD cố gắng… những yếu tố đó sẽ đảm bảo thành công cho mục tiêu lớn vào năm 2015.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()