Văn Lãng: Tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh
LSO-Trong những năm qua, công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm luôn được cấp uỷ, chính quyền, ngành chức năng huyện Văn Lãng quan tâm.
LSO-Trong những năm qua, công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm luôn được cấp uỷ, chính quyền, ngành chức năng huyện Văn Lãng quan tâm. Vì vậy, các dịch bệnh phát sinh cơ bản được khoanh vùng, xử lý kịp thời. Tuy nhiên, việc phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm luôn có nguy cơ xảy ra, bởi người chăn nuôi chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh.
Đàn bò được chăn thả ở bãi rác – nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh |
Chúng tôi có mặt tại điểm tập kết rác thải, thôn Kéo Van, xã Tân Lang. Đập vào mắt chúng tôi là hàng trăm con bò đang được chăn thả tại đây. Mặc dù các ngành chức năng đã nhiều lần tuyên truyền vận động người dân không chăn thả gia súc vào khu vực bãi rác nhằm hạn chế lây nhiễm dịch bệnh. Tuy nhiên, nhiều năm qua, đàn gia súc của Kéo Van và một số địa phương lân cận vẫn hàng ngày tìm kiếm thức ăn, thậm chí ngủ ngay trên bãi rác. Và thực tế đã có những con bò bị ủ, nhiễm bệnh. Năm 2011, trên địa bàn huyện đã xảy ra dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn trâu, bò xảy ra ở 20/20 xã, thị trấn với 1.336 con trâu, bò; 114 con lợn bị mắc bệnh. Theo cán bộ Trạm Thú y huyện, nguồn bệnh được phát hiện đầu tiên ở những con bò trên bãi rác Tân Lang và sau đó lan rộng ra các xã trên địa bàn huyện. Mới đây nhất, vào đầu năm 2013, trên địa bàn huyện lại xảy ra bệnh lở mồm long móng trên đàn bò, và nguyên nhân bệnh xuất hiện cũng từ những con bò chăn thả trên bãi rác.
Bà Lý Thị Dung, Trưởng thôn Kéo Van cho biết: trong thôn có khoảng 10 hộ chăn thả bò trên bãi rác, mặc dù chúng tôi thường xuyên tuyên truyền vận động người dân không thả bò trên bãi rác để tránh lây nhiễm dịch bệnh, thế nhưng tình trạng đó vẫn diễn ra. Qua tìm hiểu một hộ nuôi bò cho biết: thả bò ở bãi rác nhanh lớn, béo hơn so với bò thả đồi, hơn nữa lại không mất thời gian trông nom, cứ sáng thả ra rồi tối lại lùa về nhà. Nếu bò bị bệnh, mua thuốc chữa là lại khỏi. Có thể thấy đó là tâm lý chủ quan của người dân nơi đây, họ không ý thức được hết tác hại khi bò bị nhiễm bệnh không chỉ ảnh hưởng đến chính gia đình mà còn có thể phát sinh thành dịch. Trước thực trạng đó, Trạm Thú y huyện đã báo cáo với các ngành, cấp chính quyền để ngăn chặn tình trạng chăn thả bò trên bãi rác, nhưng cũng chỉ được một thời gian không lâu, tình trạng trên lại diễn ra như cũ. Bên cạnh đó, việc phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện chủ yếu là ở các hộ cá thể, quy mô nhỏ lẻ, chưa có các mô hình trang trại chăn nuôi lớn, nên công tác tiêm phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi chưa thực sự được người dân quan tâm. Anh Luân Văn Nam, cán bộ Trạm Thú y huyện cho biết: công tác tiêm phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi của người dân, trừ những hộ đầu tư phát triển chăn nuôi làm kinh tế, thì người dân có tâm lý là nuôi ít để phục vụ sinh hoạt, nếu bị bệnh chết thì thiệt hại không đáng kể. Theo báo cáo của Trạm Thú y huyện, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh ở gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đã xảy ra một số bệnh, đặc biệt xảy ra bệnh lở mồm long móng trên bò (12 con), tại xã Tân Lang và 2 con lợn tại xã Hoàng Việt; bệnh tai xanh ở lợn (16 con) ở xã Hoàng Văn Thụ; bệnh Niu-cát-xơn trên đàn gia cầm, xảy ra rải rác ở các xã làm 571 con ốm, 482 con chết. Sau khi phát hiện dịch bệnh, các cấp chính quyền, ngành chức năng huyện đã tiến hành khoanh vùng, xử lý kịp thời dịch bệnh. Công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi đã triển khai thực hiện, tuy nhiên, tiêm phòng một số bệnh đạt thấp. Cụ thể, tiêm phòng bệnh tiêm mao trùng cho trâu bò được 332 con, đạt 11,06% kế hoạch; bệnh tụ huyết trùng, niu-cát-xơn ở gia cầm được trên 8 nghìn con, đạt 16% kế hoạch. Một số bệnh do được sự hỗ trợ của Nhà nước, nên công tác tiêm phòng đạt cao hơn như bệnh long móng lở mồm ở trâu, bò đạt 52,08%, dịch tả lợn đạt 61,65%.
Trao đổi với chúng tôi về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn huyện, ông Chu Văn Khánh, Trưởng trạm Thú y huyện cho biết: công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn huyện thời gian qua được các cấp chính quyền, ngành chức năng huyện quan tâm chú trọng, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Tuy nhiên, còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra dịch bệnh. Bởi một số nguyên nhân như: tâm lý chủ quan của người dân trong phòng chống dịch bệnh; việc người dân tự nhập con giống từ địa phương khác về nuôi không qua kiểm dịch; hệ thống thú y viên năng lực còn hạn chế. Đặc biệt, việc chăn thả bò ở bãi rác thôn Kéo Van, xã Tân Lang còn diễn ra, nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất lớn. Vì vậy, để đàn vật nuôi phát triển, không xảy ra dịch bệnh, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp chính quyền trong thực hiện tuyên truyền. Đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm việc chăn thả gia súc vào khu vực bãi rác như hiện nay. Qua đó góp phần nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân.
PHƯƠNG DUNG
Ý kiến ()