Văn Lãng: Tích cực phát triển văn hóa đọc tại các trường học
– Việc xây dựng văn hóa đọc sách trong nhà trường là cần thiết bởi thông qua việc đọc sách giúp học sinh tích lũy tri thức, thư giãn, hình thành kỹ năng sống và nhân cách đẹp. Xác định được ý nghĩa quan trọng đó, các trường học trên địa bàn huyện Văn Lãng đã đẩy mạnh triển khai các mô hình, hoạt động ý nghĩa, thiết thực, góp phần xây dựng, phát triển, lan tỏa văn hóa đọc cho học sinh.
Ông Vũ Hồng Khanh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Văn Lãng cho biết: Nhằm lan tỏa văn hóa đọc đến học sinh, phòng đã chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch cụ thể; hướng dẫn các thủ thư xây dựng kế hoạch hoạt động của thư viện; khuyến khích các trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hưởng ứng các cuộc thi, hội thi, tham gia chuỗi hoạt động hưởng ứng ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam.
Học sinh Trường Tiểu học xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng đọc sách tại thư viện trường
Những năm gần đây, các trường trên địa bàn huyện đã chú trọng đổi mới công tác thư viện, thường xuyên bổ sung, cập nhật đầu sách phục vụ nhu cầu đọc của giáo viên, học sinh. Bà Đường Thị Thanh Nga, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Tân Mỹ cho biết: Đối với thư viện truyền thống, nhà trường đã trang bị hệ thống giá sách, bàn ghế mới, trang trí không gian sinh động, hấp dẫn hơn. Đồng thời, nhà trường cũng bố trí xây dựng thêm thư viện thân thiện ngoài sân trường, tạo không gian mở, thoáng đãng để các em đọc sách. Hiện nay, trong chương trình học của bậc tiểu học, nhà trường cũng chỉ đạo các lớp thực hiện ít nhất 1 tiết đọc tại thư viện/tuần nhằm tăng cường vốn tiếng Việt và góp phần tạo thói quen đọc, lan tỏa văn hóa đọc sách cho các em học sinh.
Hiện nay, 33/33 trường học thuộc bậc tiểu học, THCS và liên cấp trên địa bàn đều xây dựng được thư viện, trong đó 24 thư viện trường đã đạt chuẩn mức độ 1 và mức độ 2. Ngoài thư viện truyền thống, thư viện ngoài trời, các lớp cũng bố trí được “góc thư viện lớp”, một số trường cũng bố trí tủ sách ở hành lang để đáp ứng nhu cầu đọc cho học sinh.
Riêng đối với bậc mầm non, hằng năm, các trường bổ sung đầu sách (chủ yếu là truyện tranh), chỉ đạo tổ chức các tiết kể chuyện theo sách để từng bước khơi dậy niềm đam mê đọc sách, đọc truyện cho các bé. Đặc biệt, từ đầu năm 2023, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các trường mầm non quan tâm xây dựng, bố trí thư viện riêng, mỗi lớp cũng xây dựng “góc thư viện lớp” để đựng sách, truyện, tạo điều kiện để các bé làm quen và hình thành văn hóa đọc từ sớm.
Trong hai năm trở lại đây, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các trường tích cực hưởng ứng các cuộc thi, hội thi, chuỗi hoạt động hưởng ứng ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam. Điển hình là năm 2022 vừa qua, Phòng GD&ĐT huyện đã tổ chức thành công hội thi tuyên truyền, giới thiệu sách với sự tham gia của hơn 100 thí sinh là học sinh của 33 trường tiểu học, THCS trên địa bàn. Tham gia hội thi, mỗi trường dự thi thực hiện video giới thiệu về hoạt động của thư viện và văn hóa đọc của các trường, đồng thời cử thí sinh dự thi hai nội dung là giới thiệu về một cuốn sách hay và thuyết trình gian trưng bày sách.
Em Lưu Phương Lan, lớp 8A1 Trường THCS thị trấn Na Sầm (Giải Nhì hội thi) cho biết: Tham gia hội thi em lựa chọn cuốn sách Hồ Chí Minh – Hành trình 79 mùa xuân để giới thiệu đến mọi người. Qua hội thi này em đã được tham khảo nhiều cuốn sách hay và mong muốn góp phần nhỏ bé vào việc lan tỏa phong trào đọc sách, chia sẻ sở thích đọc sách của mình với nhiều bạn học khác.
Bên cạnh đó, từ năm 2021, các trường trên địa bàn huyện cũng tích cực tham gia cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”. Qua 2 năm triển khai, Văn Lãng là đơn vị đạt được nhiều giải, trong đó, có 1 giải nhất, 2 giải nhì, 4 giải khuyến khích cấp tỉnh và 1 giải ba toàn quốc. Năm 2022, Phòng GD&ĐT huyện Văn Lãng đạt giải tập thể đơn vị có nhiều thí sinh đạt giải cấp tỉnh.
Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin nên nhu cầu đọc sách trực tuyến của học sinh ngày càng nhiều. Thời gian vừa qua, các trường cũng trang bị thêm hệ thống máy tính, Phòng GD&ĐT huyện cũng đã bàn giao một số máy tỉnh bảng (thuộc chương trình sóng và máy tính cho em) cho một số trường để giáo viên hướng dẫn các em khai thác, sử dụng phục vụ nhu cầu đọc sách cũng như học tập nói chung.
Từ những giải pháp cụ thể, thiết thực đã từng bước khơi dậy, phát triển văn hóa đọc trong học sinh, qua đó góp phần lan tỏa những thông điệp tốt đẹp, chia sẻ nhiều kết thức bổ ích, tạo hành trang để các em tiếp tục học tập và phấn đấu trong thời gian tới.
Ý kiến ()