Văn Lãng sau hơn 1 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
LSO – Là huyện vùng cao biên giới còn gặp nhiều khó khăn về công tác GD&ĐT nói chung và cấp học mầm non (MN) nói riêng, sau hơn một năm triển khai thực hiện chỉ thị số 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em 5 tuổi, huyện Văn Lãng có cách làm phù hợp và thu được những kết quả quan trọng.
Giờ tập thể dục của học sinh Trường mầm non xã Hoàng Văn Thụ – Văn Lãng
Bước vào thực hiện nhiệm vụ, Văn Lãng còn đến 50% xã, thị trấn chưa có trường MN, có đến 70% số trường MN chưa có địa điểm riêng và trên 79% số lớp MN chưa có phòng học riêng. Toàn cấp học chỉ có 22 phòng học, trong đó có 7 phòng kiên cố và 15 phòng cấp 4; tổng số CBGV nhân viên chỉ có 206 người.
Với điểm xuất phát rất thấp, muốn thực hiện được kế hoạch, tiến tới hoàn thành công tác phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2015, Văn Lãng đồng thời phải giải quyết nhiều vấn đề như quy hoạch, xây dựng trường, lớp MN, huy động trẻ ra lớp, tuyển dụng, phân công đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, đảm bảo công tác hậu cần để tăng tỷ lệ học sinh học bán trú, ăn bán trú, nâng cao chất lượng nuôi và dạy. Theo kế hoạch, trong năm học 2010-2011- năm đầu tiên thực hiện Chỉ thị 05, địa phương hoàn thành phổ cập tại 4 đơn vị là thị trấn Na Sầm, các xã Tân Mỹ, Tân Thanh và xã Hoàng Văn Thụ. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế cả 4 đơn vị đều chưa đạt vì còn “vướng” điều kiện CSVC riêng cho trẻ em 5 tuổi, tỷ lệ trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ ngày và ăn bán trú…
Rút kinh nghiệm của năm đầu tiên thực hiện phổ cập, Ban chỉ đạo phổ cập từ huyện đến các xã đã khâu nối chặt chẽ hơn trách nhiệm chính trị của các phòng chuyên môn, các đoàn thể dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng để tập trung khắc phục các “khâu yếu”ở địa phương. Các giải pháp được thực hiện là tập trung ưu tiên dành cho trẻ 5 tuổi phòng học riêng và đồ dùng đồ chơi, kể cả các điểm trường; bố trí giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, thực hiện đúng định mức biên chế giảng dạy tại các lớp MN 5 tuổi. Nhờ đó, đến thời điểm tháng 8/2012 toàn cấp học MN Văn Lãng đã có 13 trường MN, trong đó có 7 trường có địa điểm riêng. Số nhóm lớp MN có phòng học riêng là 103/127 nhóm lớp, trong đó đã có 66 lớp mẫu giáo 5 tuổi có phòng học riêng, đạt tỷ lệ 94,3%. Về đội ngũ CBGV, nhân viên, bằng nhiều giải pháp địa phương vừa tăng cường tuyển dụng, ký hợp đồng ngắn hạn, dài hạn và cử CBGV đi đào taọ bồi dưỡng. Nếu năm 2010 chỉ tuyển dụng được 18 người, thì năm 2011 tuyển dụng được 23 người và dự kiến trong năm 2012 tuyển dụng 32 người; toàn cấp học hiện có 239 người, trong đó tỷ lệ hợp đồng ngắn hạn đã giảm. Việc thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ giáo viên và học sinh được coi là khâu quan trọng để đảm bảo duy trì sĩ số trẻ em 5 tuổi và nâng cao chất lượng nuôi dạy. Ngoài việc thực hiện đúng, đủ và kịp thời các chế độ, đưa các khoản đầu tư của cấp trên xuống các nhà trường, bằng nguồn vốn ngân sách huyện, từ năm 2010 đến nay, Văn Lãng đã dành trên 1 tỷ đồng cho GDMN; các đơn vị cá nhân đã ủng hộ tiền, vật chất, và công sức cho cấp học trị giá trên 500 triệu đồng.
Với sự nỗ lực không ngừng của toàn hệ thống chính trị, đến cuối năm học 2011-2012, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp đạt 19,2%, trẻ trong độ tuổi mẫu giáo ra lớp đạt tỷ lệ 99,4%, trong đó tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%. Tất cả 13 trường MN với tổng số 54 nhóm lớp 1245 trẻ đã tổ chức ăn bán trú, đạt tỷ lệ 57% so với tổng số trẻ huy động. Tất cả các nhà trường đều khám, theo dõi sức khỏe cho các cháu bằng biểu đồ; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chiếm 3,45%, (riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi là 2,87%), tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi chiếm 3,03% (riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi là 2,7%). Thời điểm tháng 5/2012, toàn huyện đã có 6 đơn vị là thị trấn Na Sầm, các xã Tân Lang, Hoàng Việt, Tân Mỹ, Thanh Long, Hoàng Văn Thụ đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, vượt 2 xã so với kế hoạch 2012 và đạt chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn. Trường MN xã Hoàng Văn Thụ đạt chuẩn QG năm 2012.
Theo lộ trình đến năm 2015, Văn Lãng sẽ có tất cả 20 đơn vị xã, thị trấn đạt chuẩn GDMN cho trẻ em 5 tuổi. Bà Đường Thị Xuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng địa phương cần phải nỗ lực nhiều hơn, vì đến nay toàn huyện vẫn còn đến 7 xã chưa có trường MN. Đặc biệt, CSVC trường lớp học của cấp học rất thiếu thốn, tỷ lệ phòng học tạm, học mượn học nhờ vẫn rất cao.
Ý kiến ()