Sau 6 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 37- NQ/TW của Bộ Chính trị, huyện Văn Lãng đã đạt được những thành tựu và tiến bộ mới trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, cũng còn nhiều hạn chế như: kinh tế tăng trưởng chậm, thiếu ổn định và bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa rõ nét, các lĩnh vực văn hóa- xã hội còn có mặt yếu kém….
LSO-Ngay sau khi có Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị (Khóa IX) về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du, miền núi Bắc bộ đến năm 2010, Ban Thường vụ Huyện ủy Văn Lãng đã xây dựng kế hoạch triển khai, quán triệt Nghị quyết.
Việc tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết đã tạo ra sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc trong huyện. Qua đó, đã góp phần quan trọng phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế- xã hội; ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
|
Khu vực Cửa khẩu Na Hình, huyện Văn Lãng đang được đầu tư xây dựng – Ảnh: Mai Hoa |
Điều nhận thấy rõ nhất qua 6 năm thực hiện nghị quyết, đó là nền kinh tế của huyện tiếp tục có bước tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng sản phẩm nội huyện (GDP) bình quân hàng năm tăng khoảng 10,7%, tốc độ tăng của ngành nông, lâm nghiệp là 5,2%, công nghiệp, xây dựng 12,9%. GDP bình quân đầu người năm 2010 tính theo giá thực tế đạt 10 triệu đồng, gấp 1,38 lần năm 2005. Đặc biệt xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ngày càng tăng, tổng vốn đầu tư 6 năm đạt trên 312 tỷ đồng.
Đến nay, 20/20 xã có đường ô tô vào đến trung tâm xã, trong đó có 17 xã có đường ô tô đi lại được 4 mùa. Những năm qua, ngoài các nguồn vốn từ các chương trình 134, 135, 120, 143, 167…, huyện Văn Lãng đã tích cực phát huy nội lực, vận động nhân dân đóng góp xây dựng một số công trình điện lưới nông thôn, nước sạch cho nhân dân, nâng cấp sửa chữa một số tuyến đường, trường học, trạm xá, nhà văn hóa, nhà họp thôn… góp phần tăng cường cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ nhân dân, nâng cao năng lực sản xuất, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển.
Hiện nay, 7/20 xã, thị trấn có trụ sở làm việc kiên cố; 100% số xã có trạm y tế, trường học được đầu tư xây dựng khang trang, 100% số xã có điện thoại cố định và phủ sóng các mạng điện thoại di động; 20/20 xã có báo đọc trong ngày; 89% số dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Cùng với các thành tích đạt được trên, thì công tác XĐGN, giải quyết việc làm, thực hiện chính sách đối với người có công, gia đình hưởng chính sách được quan tâm chỉ đạo. Quốc phòng, an ninh luôn được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; công tác đối ngoại được duy trì và củng cố; công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở được tăng cường. Số tổ chức cơ sở Đảng đạt TSVM năm 2010 là 56,6%; 100% thôn, bản, khu phố đều có chi bộ, tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm trở lên, đạt 65%. Đa số các tổ chức cơ sở Đảng đều phát huy dược vai trò hạt nhân chính trị, việc thực hiện tốt chế độ sinh hoạt chi bộ trong các loại hình tổ chức cơ sở Đảng có chuyển biến tích cực.
Sau 6 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 37- NQ/TW của Bộ Chính trị, huyện Văn Lãng đã đạt được những thành tựu và tiến bộ mới trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, cũng còn nhiều hạn chế như: kinh tế tăng trưởng chậm, thiếu ổn định và bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa rõ nét, các lĩnh vực văn hóa- xã hội còn có mặt yếu kém….
|
San nền đường giao thông vào xã Thụy Hùng, huyện Văn Lãng |
Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết về tăng cường phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi, đòi hỏi các cấp, ngành chức năng tiếp tục chú trọng nghiên cứu ban hành các cơ chế chính sách đặc thù phù hợp với từng vùng, từng địa phương; quan tâm tăng mức vốn hỗ trợ và lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia để giúp huyện đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế- xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới; hỗ trợ sản xuất cho đồng bào định cư biên giới và di cư ra biên giới nhằm ổn định cuộc sống, đảm bảo giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia; tiếp tục quan tâm xây dựng cơ chế chính sách ưu tiên cho đào tạo bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực cấp huyện, nhất là đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ cho các xã đặc biệt khó khăn và biên giới.
Mai Văn Hoa
Ý kiến ()