Văn Lãng: Phát huy hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn
LSO-Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Văn Lãng luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chú trọng và đang phát huy hiệu quả thiết thực.
LSO-Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Văn Lãng luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chú trọng và đang phát huy hiệu quả thiết thực. Dù là nghề nông – lâm nghiệp hay phi nông – lâm nghiệp, sau khi hoàn thành chương trình tại các lớp đào tạo nghề, phần lớn các học viên đã phát huy được nghề ngay tại địa phương, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Nông dân xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng trồng rau màu theo hướng sản xuất hàng hoá |
Theo thống kê của Phòng Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện Văn Lãng, sau 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến nay, Trung tâm dạy nghề huyện và chính quyền các địa phương đã phối hợp tổ chức mở được 13 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 282 lao động nông thôn theo học về các ngành nghề: sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp, chăn nuôi thú y, nấu ăn, trồng cây nông -lâm nghiệp và 56 học viên là cán bộ cấp xã về kiến thức tin học văn phòng. Để phát huy hiệu quả công tác dạy nghề; các lớp đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) được tổ chức tại cộng đồng luôn lấy nhu cầu từ phía người dân. Trên cơ sở đó, trước khi mở lớp, Trung tâm dạy nghề huyện và các đơn vị chức năng đều tư vấn cho từng học viên, giúp họ lựa chọn ngành nghề phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh gia đình. Chính từ các lớp tập huấn, đào tạo nghề này, nhiều hộ gia đình đã vận dụng hiệu quả vào phát triển kinh tế, có thu nhập ổn định và từng bước vươn lên thoát nghèo. Đánh giá về công tác đào tạo nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Văn Sài, Phó Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Văn Lãng cho biết: thông qua các lớp đào tạo chất lượng nguồn nhân lực của huyện được cải thiện đáng kể, người lao động sau khi được đào tạo đã nắm bắt được những kiến thức cơ bản, cần thiết về KHKT, áp dụng vào sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và tăng thu nhập, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bản thân và gia đình. Theo khảo sát của Phòng LĐTB&XH huyện Văn Lãng, số lao động đã qua đào tạo nghề hiện nay, đối với nghề nấu ăn 100% có việc làm; nghề cơ khí máy nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi, thú y trên 80% có việc làm hoặc đã áp dụng vào phát triển sản xuất tại gia đình, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế – xã hội của địa phương phát triển.
Chúng tôi đến thăm gia đình chị Lưu Thị Sáu ở thôn Lù Thẳm, xã Hoàng Việt được biết: trước đây gia đình chị đã chăn nuôi lợn nhưng số lượng ít và chưa hiểu biết cách chăm sóc, tiêm phòng dịch bệnh, nên hiệu quả thấp. Từ khi được tham gia lớp học nghề về chăn nuôi thú y do Trung tâm dạy nghề huyện tổ chức, chị đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi lợn thịt và nuôi thêm lợn nái. Kể từ đó đến nay, đời sống của gia đình chị đã ổn định, hàng năm thu nhập thêm 30 triệu đồng. Các phương pháp và kiến thức khoa học về lựa chọn giống lợn, cách chăm sóc, tiêm phòng dịch bệnh được học ở lớp tập huấn chị Sáu đã vận dụng vào chăn nuôi đạt hiệu quả. Điều đáng ghi nhận là, trước đây, người dân địa phương khi mua máy cơ khí nông nghiệp về phục vụ sản xuất, phải đi mời thợ về hướng dẫn sử dụng, hỏng hóc thì thuê sửa chữa, nên chi phí và công đi lại rất tốn kém. Nhưng, từ khi Trung tâm dạy nghề của huyện mở các lớp học nghề tại địa phương, nhiều người dân đã được truyền đạt kiến thức về vận hành, sử dụng và tự sửa chữa được máy cơ khí nông nghiệp trong gia đình.
Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Văn Lãng còn gặp khó khăn như: nguồn nhân lực phục vụ công tác đào tạo nghề và giáo viên cơ hữu còn thiếu; kinh phí cho công tác đào tạo nghề còn ít; đối tượng có nhu cầu học nghề đa phần là lao động chính của hộ nghèo (khi đi học thường tiếc ngày công lao động), do đó dẫn đến số lượng học viên tham gia học nghề còn ít. Hiện nay, số lao động chính và lao động trong độ tuổi của toàn huyện Văn Lãng khoảng 28.000 người, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, chiếm tỷ lệ khoảng 17%. Để công tác đào tạo nghề lao động nông thôn, đảm bảo đáp ứng nguồn nhân lực cho việc xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả, thời gian tới, Văn Lãng sẽ tập trung đào tạo nghề gắn với tạo việc làm mới thông qua nhiều hình thức tuyên truyền tới từng nhóm đối tượng cho phù hợp; theo địa chỉ; chú trọng công tác khảo sát, rà soát nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn.
THẾ BẢO
Ý kiến ()