LSO-Mặc dù còn gặp nhiều trở ngại trong thực hiện chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em (PCSDDTE) ... song đến hết năm 2011, huyện Văn Lãng đã giảm được tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi SDD xuống còn 16,6%. Nỗ lực của ngành y tế, sự vào cuộc của các cấp, ngành và nhân dân trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em đã và đang góp phần tích cực cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em nơi đây. Cán bộ Trung tâm y tế huyện Văn Lãng hướng dẫn bà mẹ trẻ nuôi con bằng sữa mẹMang thai tháng thứ 9, chị Lê Thị Mừng, ở thôn Pắc Cú, xã Thanh Long, huyện Văn Lãng được cả ông xã và mẹ chồng “hộ tống” ra Trung tâm Y tế huyện để chuẩn bị cho kỳ sinh nở. Chia sẻ với chúng tôi, chị Mừng cho biết: Lần mang thai bé thứ hai này, chị tăng được hơn 15kg. Qua đài báo và nhờ thường xuyên được cán bộ y tế xã, thôn bản tuyên truyền, trong thời gian mang thai, chị đều đi khám thai đúng kỳ và đầy đủ để theo dõi...
LSO-Mặc dù còn gặp nhiều trở ngại trong thực hiện chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em (PCSDDTE) … song đến hết năm 2011, huyện Văn Lãng đã giảm được tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi SDD xuống còn 16,6%. Nỗ lực của ngành y tế, sự vào cuộc của các cấp, ngành và nhân dân trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em đã và đang góp phần tích cực cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em nơi đây.
Cán bộ Trung tâm y tế huyện Văn Lãng hướng dẫn bà mẹ trẻ nuôi con bằng sữa mẹ
Mang thai tháng thứ 9, chị Lê Thị Mừng, ở thôn Pắc Cú, xã Thanh Long, huyện Văn Lãng được cả ông xã và mẹ chồng “hộ tống” ra Trung tâm Y tế huyện để chuẩn bị cho kỳ sinh nở. Chia sẻ với chúng tôi, chị Mừng cho biết: Lần mang thai bé thứ hai này, chị tăng được hơn 15kg. Qua đài báo và nhờ thường xuyên được cán bộ y tế xã, thôn bản tuyên truyền, trong thời gian mang thai, chị đều đi khám thai đúng kỳ và đầy đủ để theo dõi sự phát triển của em bé trong bụng. Anh Phan Văn Hậu-chồng chị Mừng bộc bạch: Từ lúc vợ có bầu, mình chú ý chăm lo bữa ăn cho vợ hơn, không để vợ làm việc nặng, thức khuya dậy sớm vì khoa học “nói” phụ nữ mang thai phải ăn đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý thì em bé sinh ra mới khỏe mạnh.
Theo chị Hoàng Thị Hoàn-Đội trưởng Đội Bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em-Trung tâm Y tế huyện Văn Lãng, qua hơn mười năm chương trình PCSDDTE được triển khai thực hiện, nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe, bà mẹ trẻ em đã từng bước được nâng lên. Không chỉ ở khu vực thị trấn mà cả những xã, những thôn bản vùng sâu, vùng xa, nhiều phụ nữ mang thai, các bà mẹ nuôi con nhỏ đã biết chủ động phòng tránh SDDTE như: thực hiện khám thai định kỳ, thực hiện chế độ ăn uống, lao động, nghỉ ngơi hợp lý; sử dụng các nguồn thực phẩm sẵn có tại địa phương để đảm bảo bữa ăn đủ dinh dưỡng cho trẻ…. Và họ cũng nhận được sự giúp sức từ các thành viên trong gia đình qua việc chăm sóc về dinh dưỡng, tạo điều kiện cho các bà mẹ nghỉ ngơi, làm việc vừa sức trong thời gian mang thai và nuôi con nhỏ… Từ sự đổi thay tích cực về nhận thức và hành vi của người dân đối với việc PCSDDTE mà trung bình hàng năm, Văn Lãng giảm được từ 1-2% tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi SDD và đến hết 2011 chỉ còn 16,6%. Nhiều kiến thức khoa học về PCSDDTE đã được các bà mẹ thực hiện hiệu quả như khám thai đủ 3 lần/3 kỳ, nuôi con bằng sữa mẹ, cân đo trẻ để theo dõi sự phát triển chiều cao, cân nặng; thực hành dinh dưỡng; đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bổ sung Vitamin A và tẩy giun…. Năm vừa qua, tỷ lệ phụ nữ mang thai trên địa bàn huyện được khám thai đủ 3 lần/3 kỳ đạt 70%; trong tổng số 708 trẻ được sinh ra trong năm có 702 bé được bú mẹ ngay trong giờ đầu sau sinh và chỉ có 20 trẻ sinh ra có cân nặng dưới 2.500gram (nhẹ cân).
Có được những kết quả tích cực trong PCSDDTE, bên cạnh sự nỗ lực của mỗi gia đình, có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ những người làm công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Bác sĩ Đặng Văn Năm-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Văn Lãng cho biết: Để triển khai hiệu quả chương trình PCSDDTE, đơn vị chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em; thường xuyên cử cán bộ y tế tham dự các lớp tập huấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, PCSDDTE để nâng cao kiến thức, kỹ năng từ đó triển khai hiệu quả các hoạt động PCSDDTE tại địa phương. Với mạng lưới phủ kín địa bàn bao gồm Đội Bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại Trung tâm y tế; 20 cán bộ phụ trách chương trình dinh dưỡng tại các xã, thị trấn và 214 cộng tác viên dinh dưỡng thôn, bản; những cán bộ làm công tác PCSDDTE huyện Văn Lãng đã tích cực tuyên truyền, vận động, tư vấn và hướng dẫn người dân kiến thức chăm sóc bà mẹ, trẻ em; phòng tránh SDD cho trẻ. Thông qua các buổi tuyên truyền, thực hành dinh dưỡng tại Trạm y tế, tuyên truyền lồng ghép qua các cuộc họp khu dân cư; các đợt cân, đo trẻ kết hợp bổ sung Vitamin A và tẩy giun hàng năm; qua việc thăm khám tại cơ sở y tế…; kiến thức về phòng tránh SDDTE đã được chuyển tải đến các bà mẹ, chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và cả những thành viên trong gia đình họ để công tác PCSDDTE ngày càng nhận được sự quan tâm, chung sức của cộng đồng.
Thời gian tới, đi đôi với củng cố đội ngũ cán bộ y tế, Văn Lãng sẽ đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động truyền thông, tư vấn, hướng dẫn thực hành dinh dưỡng, gắn chương trình PCSDDTE với phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo trong đó chú trọng các địa bàn vùng sâu, vùng xa, các xã còn khó khăn để từ đó góp phần cải thiện tình trạng tầm vóc, trí tuệ cho thế hệ trẻ, giảm nhanh tỷ lệ trẻ em SDD trên địa bàn.
Bảo Vy
Ý kiến ()