Văn Lãng: Nỗ lực cải thiện chỉ số DDCI
– Năm 2021, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương (DDCI) huyện Văn Lãng đã có sự thay đổi vượt bậc với 77,24 điểm, tăng 8,85 điểm so với năm 2020, đứng thứ thứ 2/11 huyện, thành phố. Với sự quyết tâm và cách làm đúng đắn, huyện Văn Lãng ngày càng “ghi điểm” với người dân và doanh nghiệp tham gia đầu tư, kinh doanh trên địa bàn.
Tổng điểm chỉ số DDCI năm 2020 của huyện Văn Lãng đạt 68,39 điểm, xếp thứ 6/11 huyện, thành phố. Trong đó, còn tới 5/8 chỉ số xếp hạng từ 6 đến 9, với 4 chỉ số thấp điểm nhất gồm: “tính minh bạch và tiếp cận thông tin” đạt 7,26 điểm, xếp hạng 7/11; “chi phí thời gian” đạt 7,17 điểm, xếp hạng 8/11; “tiếp cận đất đai và tính ổn định trong sử dụng đất” đạt 5,06 điểm, xếp hạng 9/11; “cạnh tranh bình đẳng” đạt 3,63 điểm, xếp hạng 9/11.
Người dân và doanh nghiệp đến giải quyết TTHC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, UBND huyện Văn Lãng
Ông Lê Tuấn Minh, Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng cho biết: Ngay sau khi chỉ số DDCI năm 2020 được công bố, chúng tôi đã tập trung rà soát, phân tích, chỉ rõ những mặt hạn chế, xác định nguyên nhân, trách nhiệm các cơ quan liên quan đối với kết quả thực hiện của năm 2020, đặc biệt là với những chỉ số thấp điểm. Từ đó, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan tập trung khắc phục.
Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, ngay từ đầu năm, các phòng, ban huyện Văn Lãng đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, “tính minh bạch và tiếp cận thông tin” được xác định là tiền đề thực hiện tốt các chỉ số khác. Huyện đã nâng cấp trang thông tin điện tử về cả hình thức lẫn nội dung, phân công cán bộ phụ trách; thường xuyên đăng tải, công khai các văn bản chỉ đạo điều hành của huyện, song song với niêm yết tại trụ sở UBND huyện, xã và các phòng, ban. Trong năm 2021, huyện đã ban hành và công khai gần 10.000 văn bản các loại. Đối với những văn bản quan trọng có dung lượng lớn, có nhiều quy định, các cán bộ chuyên môn đều tóm tắt bằng những bài viết ngắn gọn nhằm phân biệt trách nhiệm của người dân và cơ quan chuyên môn trong việc thực hiện.
Để tăng điểm “chi phí thời gian”, UBND huyện yêu cầu đội ngũ cán bộ nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người dân và doanh nghiệp; mặt khác, chỉ đạo các đơn vị rà soát, tham mưu cắt giảm thời hạn giải quyết, đơn giản hoá các thủ tục hành chính (TTHC). Trong năm 2021, UBND huyện đã đề xuất và được UBND tỉnh phê duyệt cắt giảm thời hạn giải quyết đối với 10 TTHC (8 cấp huyện, 2 cấp xã). Tổng thời gian thực hiện các TTHC sau khi rà soát: đối với cấp huyện đã giảm từ 101 ngày xuống còn 69 ngày; cấp xã giảm từ 40 ngày xuống 28 ngày.
Hay với chỉ số “tiếp cận đất đai và tính ổn định trong sử dụng đất”, ông Hoàng Dương Tuấn, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi Trường huyện cho biết: Trong năm 2021, chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, nổi bật là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB); công bố công khai quy hoạch sử dụng đất huyện Văn Lãng thời kỳ 2021 – 2030, kế hoạch sử dụng đất năm 2021 và giải quyết TTHC liên quan đến lĩnh vực đất đai. Cụ thể, chúng tôi đã phối hợp cùng các đơn vị tổ chức thực hiện thẩm định, trình phê duyệt 36 phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB với tổng giá trị trên 80 tỷ đồng; công khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của huyện và trụ sở UBND huyện, xã từ tháng 7/2021; đảm bảo giải quyết TTHC về đất đai trước và đúng hạn đạt tỉ lệ 100%, trong đó, 30/82 TTHC trước hạn, 52/82 TTHC đúng hạn…
Ông Lê Sỹ Bình, Phó Chỉ huy trưởng công trình thuỷ điện Bản Nhùng, Tập đoàn Hải Lý cho biết: Diện tích ảnh hưởng của dự án trên địa bàn huyện Văn Lãng khoảng 120 ha. Trong quá trình GPMB, chúng tôi được lãnh đạo huyện, xã quan tâm sát sao, chủ động phối hợp cùng công ty để tháo gỡ khó khăn. Nhờ thế, từ đầu năm 2021 đến nay, công tác GPMB cơ bản được đảm bảo, không có vướng mắc, đơn thư và phản đối từ các hộ dân, việc triển khai dự án thực hiện đúng tiến độ đề ra.
Cùng với đó, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã tổ chức các hội nghị gặp mặt, đối thoại với các doanh nghiệp trên từng lĩnh vực như: xuất, nhập khẩu, xây dựng, nông nghiệp… Đồng thời, tạo cơ hội “cạnh tranh bình đẳng” cho các doanh nghiệp mới đầu tư vào huyện thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền để doanh nghiệp tiếp cận thông tin các dự án, đảm bảo không thiên vị giữa doanh nghiệp trong và ngoài huyện. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh, hướng tới sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân…
Nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, 4 chỉ số trên đã có sự cải thiện mạnh trong năm 2021. Cụ thể, tính minh bạch và tiếp cận thông tin tăng 0,54 điểm; chi phí thời gian tăng 1,12 điểm; tiếp cận đất đai và tính ổn định trong sử dụng đất tăng 1,26 điểm; cạnh tranh bình đẳng tăng 1,79 điểm. Ngoài ra, các chỉ số DDCI khác của huyện Văn Lãng cũng đều tăng điểm trong năm 2021, đưa huyện lên xếp hạng 2 trong 11 huyện, thành phố. Kết quả này phản ánh rõ những nỗ lực của huyện trong năm qua, là điển hình để các đơn vị khác học tập, làm theo.
Ý kiến ()